HTML clipboardChi
trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội qua hệ thống bưu điện sẽ đảm bảo các
yêu cầu: kiểm soát được đối tượng hưởng, trả đúng, đủ số tiền cho người nhận…
Cách chi trả này không chỉ phát huy lợi thế về cơ sở vật chất, mạng lưới của
ngành Bưu điện do Nhà nước đầu tư mà còn đảm bảo được quyền lợi của người hưởng
và của bảo hiểm xã hội các cấp.
Chương trình
hợp tác chi trả trợ cấp xã hội qua bưu điện được thí điểm theo hình thức thông
qua một đơn vị cung cấp dịch vụ là Bưu điện được bắt đầu từ tháng 9/2011 tại bốn
tỉnh: Lâm Đồng, Bắc Kạn, Đắk Nông, Phú Yên. Sau đó, từ tháng 4.2012, tiếp tục mở
rộng thí điểm tại 8 địa phương khác với mục tiêu dựa vào cơ sở hạ tầng và nguồn
nhân lực sẵn có của ngành bưu điện để chi trả các chế độ đúng thời gian, nhanh
chóng, hiệu quả và tiện lợi cho người dân.
Qua thí điểm
tại một số tỉnh thành, kết quả bước đầu cho thấy hình thức thanh toán mới này có
nhiều ưu điểm. Ngày 17.4.2013, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến cho phép ngành
Bảo hiểm và Bưu điện nhân rộng mô hình này ra toàn quốc. Thực hiện chỉ đạo này,
tính đến đầu tháng 9.2013, trên toàn quốc đã có 53 tỉnh, thành tham gia công tác
chi trả qua bưu điện, trong đó có 40 tỉnh, thành đã triển khai thực hiện trên
toàn địa bàn.
Phú Thọ và Hải
Dương là 2 trong số các địa phương mới thực hiện triển khai theo phương thức chi
trả này.
Thuận lợi
trong công tác chi trả
Trong chuyến
khảo sát ở Phú Thọ và Hải Dương về chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội
qua bưu điện được Tổng Công ty bưu điện Việt Nam tổ chức trong hai ngày 6-7.9,
cảm nhận và đánh giá của phần lớn người được hưởng cho rằng họ rất hài lòng về
thủ tục nhận tiền, về thái độ phục vụ, về số tiền được nhận (tiền sạch, đẹp, đủ
cả đến số lẻ).
 |
Điểm
chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội của tổ dân phố phường
Bình Hàn, TP. Hải Dương. Ảnh: ĐT |
Tại Hải Dương,
qua trao đổi với chúng tôi về cảm nhận của mình khi nhận tiền bằng hình thức mới
thông qua các nhân viên bưu điện, bác Đoàn Thị Thanh, 79 tuổi (xã Hồng Phong,
huyện Nam Sách), nguyên là Hiệu trưởng Trường mẫu giáo mầm non Bình Minh chia
sẻ: Lĩnh tiền ở đây thấy thoải mái và cũng thuận tiện. Các cô bưu điện đã kẹp
sẵn tiền để chia cho từng người, mỗi kẹp tiền đều có kèm tem ghi rõ họ tên, số
tiền, tháng nhận lương nên chi trả rất nhanh, chúng tôi không phải chờ đợi lâu.
Nói chung là tâm lý của người đi nhận tiền rất phấn khởi. Đặc biệt, nếu có cụ
ông, cụ bà nào ốm đau mà không đến lấy được thì nhân viên bưu điện sẽ hỏi địa
chỉ và đến tận nhà để đưa tiền cho các cụ mà không tính thêm đồng phí nào.
Cùng chung tâm
trạng phấn khởi như bác Thanh, bác Bùi Hữu Công, 67 tuổi (khu 17, phường Thanh
Bình, TP. Hải Dương), nguyên là nhân viên của Nhà máy chế tạo Bơm Hải Dương bày
tỏ: Đây là lần thứ 3 tôi đến lĩnh tiền tại nhà văn hóa của Khu. Việc chi trả qua
bưu điện khiến chúng tôi cảm thấy thuận lợi và hài lòng. Đến đây lĩnh tiền, gặp
mấy ông bạn hưu trí trò chuyện cũng rất vui vì ít khi chúng tôi có dịp gặp nhau.
Bác Đinh Công
Thiệu, 75 tuổi (tổ 12, phố Phú Bình, phường Phong Châu, Thị xã Phú Thọ) cho
biết: Nhận tiền lương hưu qua bưu điện tôi thấy có 4 cái được, đó là đúng hẹn,
không có hiện tượng nhầm lẫn tiền hay mất thẻ, không bị mất trộm, mất cắp và thủ
tục nhanh gọn. Bên cạnh đó, nhân viên bưu điện không gây khó khăn gì trong việc
trả lương hưu và nhiệt tình giải đáp thắc mắc về chế độ bảo hiểm.
“Lịch lĩnh
lương cố định trong hai ngày mùng 5, mùng 6 hàng tháng nên có hôm vào thứ Bảy
hoặc Chủ nhật, nhân viên bưu điện vẫn chi trả tiền lương hưu cho chúng tôi. Nhìn
chung, nhân viên Bưu điện thân thiện, cởi mở, các cô ấy biết kính trọng những
người về hưu như chúng tôi” – bác Đinh Công Thiệu bộc bạch thêm.
Đồng tình với
quan điểm trên, bác Nguyễn Đức Lịch (tổ 4, xã Xuân Huy, huyện Lâm Thao, Phú Thọ)
cũng cho rằng: Việc trả lương hưu qua bưu điện làm tôi thấy yên tâm hơn bởi mấy
năm trước, có những trường hợp bị mất tiền. Do đó, tôi thấy hình thức chi trả
qua bưu điện sẽ tránh được các rủi ro. Ví dụ, trước đây, người trả lương hưu có
khi phải đi đến 3 - 4 lần mới chi trả hết tiền, có khi người nhận lại không có
nhà. Chi trả qua bưu điện sẽ không có nhầm lẫn hoặc mất hay thiếu tiền; nếu xảy
ra hiện tượng mất hay nhầm lẫn tiền sẽ biết rõ người nào phải chịu trách nhiệm.
Là nhân viên
bưu điện làm giao dịch chi trả, chị Phạm Thị Hồng Hạnh (giao dịch viên Bưu điện
TP.Hải Dương) cho biết, cách làm như hiện nay là rất tốt, đặc biệt là rất thuận
lợi và an toàn cho chính người hưởng lương.
Trước khi
triển khai công việc này, nhân viên bưu điện đã được phía Bảo hiểm xã hội tỉnh
tập huấn về nghiệp vụ chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội và công tác quản lý
người hưởng. Trong quá trình thực hiện công việc tại các khu dân cư, nhân viên
bưu điện bước đầu còn bỡ ngỡ về phân loại đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp
nhưng đến nay việc chi trả lương hưu theo cách mới đã đi vào quy trình.
An toàn
dòng tiền và tính chuyên nghiệp được đảm bảo
Đánh giá khái
quát về công tác chi trả sau 3 tháng triển khai, ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc
Bưu điện tỉnh Phú Thọ cho biết, công tác chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm
xã hội qua hệ thống Bưu điện tại các địa bàn tỉnh Phú Thọ đã được thực hiện theo
đúng quy định của Bảo hiểm xã hội, đảm bảo yêu cầu chi trả đúng người, đủ số
tiền và kịp thời đến tay người hưởng.
 |
Nhân
viên bưu điện tỉnh Phú Thọ ngồi chia tiền thành từng kẹp kèm tem ghi
họ tên, số tiền của người hưởng để phát tiền được nhanh chóng, thuận
tiện.
Ảnh: ĐT |
Trong thời gian triển khai
thí điểm, công tác an toàn tiền mặt đã được đặc biệt chú trọng. Ngay khi bắt đầu
triển khai, Bưu điện tỉnh đã xây dựng và ban hành các quy trình tạm ứng tiền chi
trả và thanh quyết toán; quy định bảo quản tiền trước và sau khi chi trả. Công
tác vận chuyển, bảo vệ tiền thực hiện theo đúng phương án đã xây dựng. Các điểm
chi trả là bưu cục của Bưu điện được trang bị két sắt đầy đủ, đảm bảo các chỉ
tiêu an toàn phù hợp với quy mô tiền mặt, chống trộm, chống cháy nổ. Tiền mặt
chưa chi trả hết trong ngày được lưu giữ tại quỹ bưu điện huyện theo đúng quy
định quản lý tiền mặt của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam.
Về công tác
quản lý người hưởng, Bưu điện tỉnh đã chỉ đạo Bưu điện huyện thiết lập các kênh
thông tin thu thập, cung cấp thông tin qua cán bộ trực tiếp chi trả, qua bưu
tá, nhân viên của Bưu điện - Văn hóa xã là những người rất gần gũi với dân, sinh
sống cùng nhân dân trong các khu dân cư. Tại mỗi Bưu điện cấp huyện bố trí nhân
viên đầu mối phụ trách công tác quản lý đối tượng để phối hợp cùng cơ quan Bảo
hiểm xã hội thực hiện công tác này.
Bưu điện tỉnh
cũng đã chỉ đạo Bưu điện huyện xây dựng lực lượng cơ sở xã, phường để thu thập
thông tin quản lý người hưởng gồm cán bộ tư pháp phường, xã, tổ trưởng tổ hưu
trí, Hội người cao tuổi, nhân viên thu bảo hiểm y tế tự nguyện… nhằm làm tăng
tính hiệu quả, chính xác trong việc quản lý người hưởng.
Trao đổi với
chúng tôi về những khó khăn mà bưu điện tỉnh Phú Thọ gặp phải trong quá trình
triển khai thực hiện, ông Nguyễn Thanh Hải bày tỏ, về khó khăn thì đây là khó
khăn chung của toàn ngành Bưu điện khi thực hiện công việc Chính phủ giao.
Thứ nhất, là
một bộ phận người hưởng đang quen được nhận tiền tại nhà, chưa quen đi nhận tiền
tại điểm, một bộ phận người hưởng chưa quen với các thủ tục ủy quyền nếu không
trực tiếp đi nhận tiền. Bởi trong quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về thủ
tục nếu đi nhận hộ, nhận thay thì phải có ủy quyền nhằm mục đích lớn nhất là để
bảo vệ quyền lợi của người được hưởng.
Thứ hai, đối
với nhân viên bưu điện thì đây là lần đầu tiên thực hiện việc chi trả nên nhân
viên Bưu điện còn bỡ ngỡ trong ngày đầu chi trả, nhưng các ngày sau đã thực hiện
tốt hơn.
Thứ ba, một số
chi nhánh của Ngân hàng Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa thực sự tạo điều kiện
tốt cho Bưu điện trong việc rút tiền theo kế hoạch tổ chức chi trả. Tiền rút một
lần tương đối lớn (khoảng vài tỷ) nhưng mệnh giá nhỏ lẻ và có nhiều tiền cũ
rách, phí gửi qua đêm cao…
Theo ông Phạm
Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Bưu điện Việt Nam, khi triển khai theo hình thức mới, về
nguyên tắc phải giữ nguyên cách thức chi trả và địa điểm chi trả như cũ để không
gây xáo trộn nhiều, còn việc cải tiến các điểm chi trả sẽ triển khai dần. Đáng
chú ý, cho đến thời điểm này, mọi điều kiện trong việc chi trả lương hưu, trợ
cấp qua bưu điện đều tốt hơn trước, đặc biệt là về mức độ an toàn của dòng tiền
và tính chuyên nghiệp của người thực hiện chi trả.
Có thể nói,
việc chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội qua hệ thống bưu điện sẽ đảm
bảo các yêu cầu: kiểm soát được đối tượng hưởng, trả đúng, đủ số tiền cho người
nhận; tránh được các trường hợp sai sót làm ảnh hưởng đến quyền lợi của đối
tượng hưởng, làm thất thoát nguồn tiền của Nhà nước. Với cách chi trả qua hệ
thống bưu điện, không chỉ phát huy lợi thế về cơ sở vật chất, mạng lưới của
ngành Bưu điện do Nhà nước đầu tư mà còn đảm bảo được quyền lợi của người hưởng
và của bảo hiểm xã hội các cấp. Việc đưa dịch vụ chi trả lương hưu và trợ cấp
bảo hiểm xã hội qua hệ thống bưu điện là bước cải cách hành chính theo đúng chủ
trương của Đảng và Nhà nước./.
Đỗ Thoa (cpv.org.vn)