Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tại Lễ hội “Nghệ thuật chế biến món ăn chay tỉnh Tây Ninh” lần thứ I năm 2023 vừa qua, bà Bùi Thị Sương là một trong hai nghệ nhân ẩm thực được Ban tổ chức chương trình mời giao lưu với khán giả về món chay ở Tây Ninh.
Ông Võ Đức Trong- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội “Nghệ thuật chế biến món ăn chay tỉnh Tây Ninh” lần thứ I, năm 2023 tặng hoa cho 2 nghệ nhân tham gia buổi toạ đàm (nghệ nhân Bùi Thị Sương đứng bìa trái).
Nghệ nhân Bùi Thị Sương, sinh năm 1952, quê ở tỉnh Tiền Giang, nguyên giảng viên Trường đại học sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn. Bà Sương có 35 năm giảng dạy về ẩm thực, là giám khảo các hội thi nấu ăn toàn quốc do Tổng cục Du lịch tổ chức vào các năm 1997, 2002, 2010. Bà đã xuất bản hai cuốn sách: Phở và các món nước, Tinh hoa món cuốn Việt. Bà được phong Nghệ nhân dân gian vào năm 2009.
Tại buổi toạ đàm, Nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương chia sẻ, xu hướng ăn chay trên thế giới ngày càng phổ biến. Ăn chay ngày nay không còn giới hạn trong tôn giáo hay với những người chữa bệnh nữa mà đã trở thành xu hướng của thời đại. Ăn chay đang dần trở thành một ẩm thực thời thượng trong cuộc sống hiện đại ở các nước phát triển, đặc biệt trong giới trẻ, nghệ sĩ và trí thức.
Đối với việc ăn chay ở Tây Ninh, theo bà, đây là vùng đất tâm linh nên phát triển ẩm thực chay là một điều tất yếu. “Đó là một thế mạnh, chúng ta cần quan tâm khai thác để phát triển du lịch”- bà Sương nhấn mạnh. Nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương kể, khi còn dạy ở Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, bà từng hướng dẫn sinh viên làm đề tài các món ăn chay ở Tây Ninh.
Bà rất mừng vì Tây Ninh có truyền thống văn hoá ẩm thực chay đặc sắc, nhưng đến nay chưa có nhiều sách vở, tài liệu ghi nhận lại các món ăn đặc sắc này. Bà Sương mong muốn những tài liệu về ẩm thực chay ở vùng đất Tây Ninh được quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước, để mọi người hiểu thêm về giá trị văn hoá, lịch sử của ẩm thực chay Tây Ninh, đồng thời đóng góp vào việc cải thiện sức khoẻ cho mọi người.
Theo bà Sương, để phát triển du lịch trên cơ sở những đặc sản địa phương đang có, Tây Ninh cần tập hợp trong dân gian những món ăn chay đã thành công và món ăn đang có nguy cơ thất truyền.
Sau khi tập hợp phải nâng tầm món ăn chay. Trên cơ sở giữ lại những nguyên liệu chính nhưng cố gắng trình bày món ăn chay đẹp mắt, hiện đại, thẩm mỹ và tiện dụng hơn. Đồng thời, đưa những kiến thức khoa học vào món ăn, để thực khách hiểu được những giá trị dinh dưỡng của món ăn mình đang thưởng thức.
“Ví dụ, một tô bánh canh Trảng Bàng chay, thực khách phải biết được trong đó có bao nhiêu calories, bao nhiêu phần trăm chất đường, bột, chất béo, đạm, xơ, vitamin? Đặc biệt, khách du lịch nước ngoài rất quan tâm việc thu nhận được bao nhiêu giá trị dinh dưỡng trong món ăn? Điều thú vị nhất là câu chuyện về những món ăn đó hình thành, phát triển ra sao? Có những giai đoạn thăng trầm như thế nào? Du khách luôn thích thú nghe những câu chuyện đó”- bà Sương nêu rõ.
Bên cạnh đó, phải chú trọng công tác quảng bá du lịch bằng cách tổ chức thường xuyên lễ hội ẩm thực chay. Để đạt hiệu quả, Tây Ninh nên xây dựng một chiến lược quảng bá lâu dài và có đánh giá trong từng giai đoạn.
Du lịch ẩm thực và chăm sóc sức khoẻ là những xu hướng du lịch đang được thị trường quan tâm. Trên cơ sở đã khảo sát cho thấy du lịch Tây Ninh có thể làm được những điều này. Tây Ninh là vùng đất tuyệt vời để phát triển về du lịch ẩm thực và du lịch tâm linh. Một điểm lưu ý khi làm du lịch ẩm thực, Tây Ninh nên chú ý về nguyên liệu và gia vị của địa phương.
Tại lễ hội “Nghệ thuật chế biến món ăn chay tỉnh Tây Ninh” lần này, nghệ nhân quê Tiền Giang nhận thấy có món ăn sushi và mì xào Hàn Quốc. Đấy là tín hiệu tốt cho thấy món ăn truyền thống và món ăn hiện đại phát triển song hành. “Trong quá trình hội nhập, chúng ta nên giao lưu các món ăn. Giới trẻ luôn thích những món ăn mới. Vì thế, món ăn truyền thống và món ăn hiện đại phải có sự kết hợp”- bà Sương nói.
Đại Dương