BAOTAYNINH.VN trên Google News

Câu chuyện cuối tuần

Chiến công không thể lãng quên

Cập nhật ngày: 10/06/2017 - 13:33

BTNO - Chiều nay đi đâu về muộn và mặt mày buồn như đưa đám vậy ông bạn già?

-Thì đi đưa đám chứ đi đâu!

-Vậy hả, hèn chi…

-Buồn quá ông ơi, chiều nay tôi đi đưa vị thủ trưởng đơn vị cũ về cõi vĩnh hằng, nhưng…

-Ðưa tang thì hẳn là phải buồn, vĩnh viễn chia tay đồng đội sao không buồn được, nhưng mà ông lại còn… nhưng nữa là sao?

-Số là trong đám tang thủ trưởng cũ, chúng tôi gặp lại nhau mới biết có một đồng đội nữ ngày trước lập nhiều chiến công rất xuất sắc, có thể nói là “chiến công huyền thoại” cũng không ngoa. Vậy mà…

-Chiến công vang dội cỡ nào mà gọi là “huyền thoại”? Còn... vậy mà là vậy mà sao?

-Ông có nghe trận quân ta đánh pháo vào tiểu khu Tây Ninh làm nổ tung kho đạn của giặc suốt mấy ngày đêm không? Chính chị ấy giả làm người chăn bò đếm từng bước từ trận địa pháo vào tận tiểu khu để xác định toạ độ cho pháo binh ta đánh trúng đích đấy! Ông có nghe mấy trận biệt động ta đánh vào tận những chỗ ăn chơi của sĩ quan, binh lính địch tại trung tâm tỉnh lỵ này không? Chính chị ấy trực tiếp đánh giặc đấy! Ông có nghe chuyện mấy tên ác ôn khét tiếng ở vùng ven tỉnh lỵ phải đền tội với nhân dân không? Chính chị ấy trừng trị bọn giặc đấy!

-Ừ, tôi có nghe từ hồi trước giải phóng, sau này có dịp đọc lại nhiều tài liệu lịch sử của tỉnh thấy cũng có ghi nhận đầy đủ. Ông nói đúng. Rất xứng đáng gọi là “chiến công huyền thoại”! Và tôi còn nghe chị ấy bị thương rất nặng, phải cứu chữa mấy năm liền, phẫu thuật tám, chín lần khắp các bệnh viện từ Nam ra Bắc rồi từ Bắc về Nam mới cứu sống được chị ấy phải không ông?

-Ðúng vậy. Vậy mà đã mấy lần đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng cho chị ấy vẫn không được đó ông ạ!

-Sao vậy, chiến công cỡ đó mà không xứng đáng là anh hùng à?

-Chuyện này tế nhị lắm ông ơi! Số là sau khi bình phục vết thương, chị ấy không còn khả năng sinh nở, sống cuộc đời cô đơn, cuối cùng cũng có người công tác cùng tổ chức xã hội nhân đạo với chị, thương chị, lập gia đình với chị, nhưng chẳng bao lâu thì chồng chị cũng qua đời. Vậy mà khi đơn vị đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng cho chị ấy, lại có lời dèm pha rằng chồng chị theo giặc, gây tội ác với nhân dân cho nên…

-Mà chẳng lẽ cơ quan có trách nhiệm chẳng xác minh sao? Nếu như anh ấy có tội thì sao lại được tham gia công tác xã hội nhân đạo? Và dù sao thì anh cũng đã qua đời, chẳng lẽ “di hại” cho chị suốt mấy chục năm mãi tới bây giờ? Tôi nghĩ, nếu cơ quan có trách nhiệm chịu khó xem xét, làm lại thủ tục từ đầu, may ra cũng chưa quá muộn, ông nhỉ!

BÀN DÂN