Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Chúng tôi cho rằng, các cơ quan chức năng tỉnh cần có một cuộc hội thảo để làm sáng tỏ vấn đề còn tồn tại ở sự kiện Chiến thắng Thanh Ðiền thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp, để trong tương lai, không còn những sai sót tương tự.
Ðịa danh bàu Cá Trê ở cây số 3, đường 786.
Trước khi trở lại đề tài về sự “quên mất” chiến thắng Bàu Cá Trê trong sách Lịch sử Lực lượng vũ trang Nhân dân tỉnh Tây Ninh (Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật năm 2020), chúng tôi phát hiện một sai sót khác cũng về chiến thắng quan trọng này. Lần này là ở sách Lịch sử Lực lượng vũ trang thành phố Tây Ninh (1950-2017) (Nxb Quân đội Nhân dân, 2018).
Sách này, ngược lại cuốn đầu tiên đã kể, lại có tới 2 trận chiến thắng Thanh Ðiền. Một trận được ghi rõ là ở “đoạn rừng gần bàu Cá Trê từ Sở cao su Oconen đến hãng đường” vào ngày 11.11.1945. Còn trận kia được ghi là ở “sát lộ ấp Thanh Ðông” vào đầu năm 1946. Thế nhưng, tất cả những ai từng quan tâm tới trận đánh này tại bàu Cá Trê, đọc lên đều biết ngay rằng 2 trận ấy chỉ là một, dù các tác giả đã cố gắng mô tả để khác đi ở một vài chi tiết.
Xin được chép lại nguyên văn. Ở trang 31: “Ba ngày sau khi đánh chiếm tỉnh lỵ Tây Ninh, ngày 11.11.1945, quân Pháp dùng 2 xe Jeep đi khảo sát tình hình khu vực hãng đường Thanh Ðiền. Ðược cơ sở của ta báo tin, lực lượng do đồng chí Mẫn và đồng chí Ðẩu lãnh đạo chia thành 2 cánh mật phục trên lộ 7 (đoạn rừng gần bàu Cá Trê từ Sở cao su Oconen đến hãng đường), đốt 2 xe, diệt 7 tên (có sĩ quan từ chuẩn uý đến đại uý), thu 2 đại liên Maxim, 2 tiểu liên Thompson, 1 súng trường Anh, 1 súng colt 12, 1 súng P38 và 20 thùng đạn súng máy…”.
Ở trang 32: “Ðầu năm 1946… một trung đội do đồng chí Tư Ðẩu trực tiếp chỉ huy về xã Thanh Ðiền đóng quân. Ðược sự giúp đỡ, hiệp đồng của các cơ sở cách mạng tại chỗ, đồng chí Tư Ðẩu chỉ huy lực lượng, triển khai đội hình phục kích sát lộ ấp Thanh Ðông, tấn công vào 2 xe con cóc chở lính từ hãng đường về tỉnh lỵ. Trận chiến đấu diễn ra quyết liệt, ta làm chủ trận địa, diệt 1 quan ba Pháp và làm bị thương một số tên khác, thu một súng ngắn P38, 2 súng MaxiM. Ðây là trận thắng đầu tiên sau khi giặc Pháp chiếm khu thị tứ…”.
Xin được hỏi quý vị biên tập sách: - Sao các vị mau quên thế? Các vị mới viết trước đấy có 8 dòng, mô tả rất kỹ trận đánh ở gần bàu Cá Trê. Vậy mà sao các vị lại cho rằng chiến thắng đầu năm 1946 mới là “Trận thắng đầu tiên sau khi giặc Pháp chiếm khu thị tứ (tỉnh lỵ Tây Ninh- TV)”? Vậy trận đánh diễn ra ngày 11.11.1945 được xếp vào đâu trong lịch sử Lực lượng vũ trang của tỉnh Tây Ninh?
Truy tìm nguyên nhân, chúng tôi dò tìm lại các sách sử Tây Ninh, thì được biết cuốn sách trên đã “kế thừa” từ các cuốn sách in từ trước. Cụ thể là: trận ngày 11.11 “kế thừa” từ sách “Tây Ninh 30 năm trung dũng kiên cường”, do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tây Ninh xuất bản năm 1990 (trang 60).
Còn trận chiến thắng Thanh Ðiền đầu năm 1946 là sự kế thừa ở sách “Thị xã- 30 năm đấu tranh cách mạng”, do Ban Tuyên giáo Thị uỷ xuất bản năm 1991 (trang 38). Khác nhau về thời gian, cũng khác đi chút ít về kết quả trận đánh, nhưng vẫn chỉ là một trận đấy thôi- trận chiến thắng Thanh Ðiền vào đầu cuộc kháng chiến chống Pháp.
Không chỉ 2 cuốn kể trên, mà tất cả các sách lịch sử Tây Ninh đương đại đều viết về trận đánh này. Tuy vậy, các sách chỉ chưa thống nhất được thời gian diễn ra. Sự “kế thừa” ở cả hai cuốn sách về cùng một trận đánh dẫn đến chuyện có tới 2 chiến thắng Thanh Ðiền trong Lịch sử Lực lượng vũ trang thành phố Tây Ninh.
Là thừa hay thiếu, thì với lịch sử vẫn là điều đáng trách, nhất là khi chiến thắng Thanh Ðiền đánh đổi bằng nhiều máu xương của chiến sĩ và nhân dân xã Thanh Ðiền. Bộ đội đánh trận tuy không có tổn thất, nhưng ngay sau trận đánh, quân Pháp lập tức mở nhiều cuộc càn quét, khủng bố dã man trên đất Thanh Ðiền.
Bản thảo “30 năm làm nên sự nghiệp anh hùng” còn ghi: “Người thì bị chặt đầu, kẻ bị giết, bị hãm hiếp, trâu bò gà vịt bị chết lai láng, nhà cửa, lúa thóc bị thiêu rụi. Nhân dân ta chịu cảnh màn trời chiếu đất…”. Vậy thì sự “quên” này không chỉ có lỗi với lịch sử, mà còn là có tội với vong linh những người đã khuất.
Xem xét lại toàn bộ câu chuyện trên đây, cho thấy sự kiện Chiến thắng tại Bàu Cá Trê- xã Thanh Ðiền là một hiện thực không thể phủ nhận. Ðây là trận thắng đầu tiên, có tầm vóc “vượt qua một trận đánh thông thường”, có tác dụng cổ vũ, động viên người Tây Ninh bình tĩnh, tự tin bước vào cuộc trường kỳ 9 năm kháng chiến.
Nội dung trận đánh, về cơ bản đã rất rõ ràng, chỉ khác nhau ở một vài chi tiết nhỏ. Vấn đề còn lại chỉ là thời gian diễn ra. Ða số các sách lịch sử đã in ở Tây Ninh đều xác định là vào khoảng trung tuần tháng 11.1945. Như: - Lược sử Tây Ninh, 1985, ngày 14 - 15.11.1945.
- Ba thế hệ xanh, một chặng đường (1998): ngày 12.11.
- Tây Ninh 30 năm trung dũng kiên cường (1990), lịch sử Lực lượng vũ trang thành phố Tây Ninh (2018) và Truyền thống cách mạng xã Thanh Ðiền (2010) đều thống nhất là ngày 11.11.1945 (3 ngày sau khi quân Pháp chiếm lại tỉnh lỵ Tây Ninh, 8.11).
- Bản thảo 30 năm làm nên sự nghiệp anh hùng của Ðảng bộ xã Thanh Ðiền (1985) xác định đấy là ngày 23.11.1945.
Riêng ở nguồn sử liệu đáng tin cậy nhất- tác phẩm Lịch sử Ðảng bộ tỉnh Tây Ninh (1930-2005) (Nxb Chính trị Quốc gia, năm 2010), với một sự thận trọng cần thiết khi chưa xác định được thời điểm chính xác đã không ghi thời gian cụ thể diễn ra trận đánh.
Tuy nhiên, căn cứ vào quan hệ tuyến tính giữa thời gian và sự kiện theo cách viết của cuốn sách này, nghĩa là sự kiện có trước thì được ghi trước. Theo đó, sau sự kiện Pháp tái chiếm Tây Ninh ngày 8.11, là tới ngay sự kiện chiến thắng Thanh Ðiền.
Sau đó mới đến các sự kiện khác như Hội nghị xứ uỷ tại Tân An (Long An ngày nay) củng cố lại bộ máy cơ quan kháng chiến và tổ chức quân sự, ngày 10.12.1945. Rồi đến ngày 6.1.1946 bầu cử Quốc hội đầu tiên; ngày 1.2.1946 hội thề Rừng Rong… Ðiều này cho thấy các nhà biên soạn, biên tập sách cũng đã xác định trận đánh diễn ra trước tháng 12.1945.
Ý kiến khác biệt nhất cho rằng trận đánh diễn ra “đầu năm 1946” chỉ xuất hiện lần đầu trong sách Thị xã- 30 năm đấu tranh cách mạng, do Ban Tuyên giáo Thị uỷ xuất bản năm 1991; sau đó lặp lại thêm một lần nữa trong lịch sử Lực lượng vũ trang thành phố Tây Ninh (2018).
Vậy mà, đến năm 2014, sách Di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh của Sở VH,TT&DL xuất bản, trận này lại hoá thành “Di tích Lịch sử-văn hoá Chiến thắng Thanh Ðiền tháng 3.1946”. Không có ngày cụ thể, không dẫn nguồn tư liệu từ đâu, sách này chỉ viết là: vào giữa tháng 3.1946. Có thể, chính do sự “bất nhất” kể trên mà sách Lịch sử Lực lượng vũ trang Nhân dân tỉnh Tây Ninh đã bỏ qua, không ghi nhận trận chiến vẻ vang này hay chăng?
Chúng tôi cho rằng, các cơ quan chức năng tỉnh cần có một cuộc hội thảo để làm sáng tỏ vấn đề còn tồn tại ở sự kiện Chiến thắng Thanh Ðiền thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp, để trong tương lai, không còn những sai sót tương tự.
Trần Vũ