Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Chiến thắng Điện Biên Phủ - 60 năm nhìn lại
2014-05-06 06:22:00

(BTN) - Những ngày này, cách đây 60 năm, quân ta tiến vào trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đánh thẳng vào hầm chỉ huy của tướng De Castries, báo hiệu chiến dịch Điện Biên đã toàn thắng. 60 năm trôi qua, nay chúng ta - con cháu của những người làm nên chiến thắng lẫy lừng ấy, thử nhìn lại bước chân oai hùng của cha ông.

Năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Cuộc Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2.9.1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Những tưởng nhân dân Việt Nam sẽ được sống trong độc lập, hoà bình để kiến thiết nước nhà, xây dựng cuộc sống mới, nhưng chỉ 20 ngày sau- ngày 23.9.1945- thực dân Pháp hiếu chiến ỷ vào đội quân xâm lược nhà nghề cùng máy bay, xe tăng, tàu chiến đã trở lại xâm lược nước ta một lần nữa.

Để cứu vãn hoà bình và có thêm thời gian chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh lâu dài không thể tránh khỏi với thực dân Pháp, Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã nhiều lần nhân nhượng với Pháp, “nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa”. Cuối cùng, ngày 19.12.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, khẳng định quyết tâm của toàn thể quân, dân Việt Nam: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Cả nước đứng lên kháng chiến với đường lối toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính. Sau những chiến thắng Việt Bắc năm 1947, chiến thắng Biên giới năm 1950, đến năm 1953, quân, dân ta đã hoàn toàn giành thế chủ động trên chiến trường, càng đánh, càng mạnh, càng thắng. Quân Pháp càng lún sâu vào thế bị động, lúng túng.

Quân đội nhân dân Việt Nam đánh chiếm trung tâm phòng ngự của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (7.5.1954).

Thu - Đông năm 1953, thực dân Pháp cho ra đời kế hoạch Navarre hòng “tìm cách thoát ra khỏi cuộc chiến tranh ở Đông Dương trong danh dự”. Đây là cố gắng cao nhất và cuối cùng của thực dân Pháp cùng can thiệp Mỹ. Ý đồ của Pháp là tăng viện lớn về binh lực và chi phí chiến tranh, tập trung quân chủ lực ở đồng bằng Bắc bộ, mở những chiến dịch lớn ra vùng căn cứ kháng chiến, tiến tới giành thắng lợi có tính quyết định trong vòng 18 tháng. Tuy nhiên, sau khi phát hiện hướng tiến công chiến lược của Việt Minh là ở Tây Bắc, Navarre đã thay đổi kế hoạch, cho quân nhảy dù chiếm đóng thung lũng Điện Biên Phủ và tập trung xây dựng nơi này thành một “pháo đài khổng lồ không thể công phá”. Tại đây, quân Pháp đã tập trung 16.200 quân tinh nhuệ chốt giữ 49 cứ điểm được bố trí thành 8 cụm cứ điểm liên hoàn. Mỗi cụm cứ điểm là một khu vực phòng thủ, một trung tâm đề kháng, có lực lượng phòng ngự và lực lượng cơ động, có hoả lực mạnh, có các hàng rào kẽm gai và bãi mìn dày đặc xung quanh ngăn chặn đường tiến công từ ngoài vào. Theo tính toán của Pháp, Việt Minh không có máy bay, xe tăng, xe bọc thép, lực lượng phòng không tuy có nhưng lại không đủ mạnh và thiếu kinh nghiệm; do vậy việc công kiên một tập đoàn cứ điểm mạnh như Điện Biên Phủ là điều không thể và chắc chắn chuốc lấy thất bại. Đó là chưa kể, Việt Minh sẽ khó có thể giải quyết được vấn đề hậu cần khi mà Điện Biên Phủ cách xa vùng hậu phương từ 300-500km và việc vận chuyển vũ khí, trang bị, lương thực, thực phẩm… cần thiết tiến hành chủ yếu bằng cách gánh và dùng các phương tiện thô sơ. Không một ai trong bộ chỉ huy chiến tranh của Pháp và Mỹ - kể cả những người vốn cẩn thận và đa nghi nhất - tỏ ý nghi ngờ về một chiến thắng tất yếu của quân đội Pháp trong cuộc quyết chiến chiến lược với Việt Minh tại Điện Biên Phủ; Điện Biên Phủ sẽ là một “cối xay thịt” khổng lồ sẵn sàng nghênh tiếp và “nghiền nát” quân chủ lực Việt Minh.

Về phần ta, sau 8 năm kháng chiến, lại được Trung Quốc và Liên Xô nhiệt tình viện trợ, quân đội ta đã mạnh lên gấp nhiều lần. Sau khi nhận thấy Pháp tập trung quân ở Điện Biên Phủ, Tổng Quân uỷ đã quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ để đánh tiêu diệt lớn, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp trước khi đế quốc Mỹ can thiệp sâu hơn vào Đông Dương.

Tiến công Điện Biên Phủ, chúng ta gặp nhiều khó khăn cả về vũ khí, trang bị, kinh nghiệm, địa hình hiểm trở, xa hậu phương… Nhưng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã huy động được tối đa sức người, sức của của toàn dân tộc với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Lần đầu tiên và cũng là sự kiện có một không hai trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, người dân ra mặt trận nhiều hơn quân đội (hơn 260.000 dân công so với 55.000 bộ đội). Để vận chuyển lương thực, vũ khí, thương binh, ta đã sử dụng mọi cách có thể, từ gánh, khiêng, mang, vác đến thồ bằng ngựa, xe đạp. Tổng cộng, ta đã huy động được trên 6.200 xe ô tô, 2.600 thuyền bè các loại, hơn 1 vạn con ngựa thồ. Đặc biệt, đội quân “xe thồ” với hơn 2 vạn chiếc xe đạp được cải tiến để mỗi xe có thể chở được 200 - 300kg, đồng thời có thể hoạt động trên những tuyến đường mà ô tô không thể đi được.

“Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ,

Đèo Lũng Lô anh hò chị hát.

Dù bom đạn xương tan, thịt nát,

Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh...”.

Chính những phương tiện vận chuyển thô sơ và bị các tướng lĩnh quân đội Pháp xem thường đã lập nên “kỳ tích” khi tiếp tế thành công cho tiền tuyến 4.680 tấn gạo, 454 tấn thịt, 113 tấn đậu, 800 tấn rau, quả, giải quyết trọn vẹn vấn đề hậu cần - khó khăn lớn nhất cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Điều này là một bất ngờ lớn, ngoài tầm dự tính của tất cả các chỉ huy Pháp, Mỹ. Trong cuốn “Trận Điện Biên Phủ”, ký giả G. Roa đã viết: “Đừng nghĩ là sự viện trợ của Trung Quốc đã đánh bại tướng Navarre mà chính là những chiếc xe đạp Pơ-giô của Pháp thồ được từ 200 đến 300kg, điều khiển bởi những con người ăn không đủ no và ngủ ngay trên những tấm ni lông trải trên mặt đất. Tóm lại, tướng Navarre không bị đánh bại bởi các phương tiện chiến tranh mà bởi trước hết là sự thông minh và ý chí quyết thắng của đối phương”.

Quân ta kéo pháo vào trận địa

Cùng với đội quân xe thồ, sự hiện diện của pháo binh Việt Minh là một bất ngờ ngoài sức tưởng tượng của quân Pháp. Dựa vào thực tế là Việt Minh không có xe cơ giới lớn có thể chở các loại pháo như pháo 105mm và pháo cao xạ 37mm vào trận địa, giới tướng lĩnh Pháp cho rằng cố gắng lắm ta cũng chỉ có thể mang vào loại pháo nhẹ là sơn pháo 75mm dùng trong trợ chiến mà thôi. Trung tá Piroth - chỉ huy pháo binh của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ đã khẳng định với Navarre rằng: “Không khẩu pháo nào của Việt Minh có khả năng bắn 3 loạt mà không bị phát hiện”; Piroth còn cam đoan sẽ làm “câm họng” pháo của đối phương. Bởi vậy, khi 40 khẩu pháo cỡ nòng từ 75 đến 120mm của ta đồng loạt nhả đạn xuống cứ điểm Him Lam chiều ngày 13.3.1954 trong suốt 2 giờ đồng hồ đã làm quân Pháp choáng váng. Không chỉ Piroth mà toàn thể bộ chỉ huy quân đội Pháp ở Điện Biên đã không thể lý giải được bằng cách nào chỉ với sức người và những sợi dây tời thô sơ, mà Việt Minh có thể mang những khẩu pháo nặng hơn 2 tấn lên được các sườn núi cao, bố trí trong các hầm pháo có nắp khoét sâu vào lòng núi, từ trên cao khống chế hoàn toàn trận địa của họ. Chỉ tính riêng trong ba trận chiến đấu đầu tiên ở Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, quân Pháp đã tiêu thụ một số lượng đạn dược khổng lồ: 12.600 viên đại bác 105 ly, 10.000 viên đạn cối 120 ly, 3.000 viên đạn trọng pháo 155 ly, chiếm gần nửa số lượng đạn dự trữ nhưng vẫn không thể làm “câm họng” pháo binh của Việt Minh, trái lại còn bị thiệt hại nặng nề. Chỉ sau 2 ngày hứng chịu các đợt tấn công bằng pháo binh của Việt Minh, Piroth đã tự sát vì quá xấu hổ.

Bất ngờ nối tiếp bất ngờ. Người Pháp hoàn toàn bất lực trước hệ thống giao thông hào độc đáo của quân ta. Với cái cuốc, cái xẻng, ngày nghỉ đêm đào, tổng cộng quân ta đã đào hơn 400km hầm, hào chằng chịt từ trận địa của ta chạy tới sát các khu vực đồn trú của quân Pháp. Trong ký ức các cựu binh Pháp từng tham chiến ở Điện Biên, những tiếng cuốc đất thình thịch để đào giao thông hào của Việt Minh còn ám ảnh họ nhiều hơn cả những tiếng pháo. Các giao thông hào trục có đáy rộng 1,2m, cao 1,7m, có thể dùng để kéo pháo và vũ khí lớn. Cùng với đó là hệ thống các đường hào của bộ binh chạy từ trong rừng ra, cắt ngang đường hào trục và đâm thẳng vào các căn cứ địch. Ngày ngày, bộ đội ta từ các chiến hào dùng súng bắn tỉa khiến quân Pháp không dám đi lại trên mặt đất. Con đường xuống sông Nậm Rốm lấy nước cũng trở thành con đường chết chóc với mỗi thùng nước đều phải đổi bằng máu. Hệ thống giao thông hào, địa đạo như một chiếc thòng lọng khổng lồ ngày càng bao vây, siết chặt cứ điểm Điện Biên Phủ. Tướng Cogny - tư lệnh chiến trường Bắc bộ thú nhận với một số nhà báo: “Điện Biên Phủ quả là một cái bẫy, nhưng không phải là cái bẫy với Việt Minh nữa, mà đã thành một cái bẫy đối với chúng ta”. Với cách đánh siết chặt dần này, dù có mọc cánh, quân Pháp ở Điện Biên cũng không thể chạy thoát trước thế trận lợi hại của quân ta.

Đỉnh cao tiêu biểu cho bản lĩnh và trí tuệ của quân, dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ là quyết định thay đổi phương châm tác chiến khi mà tất cả các công tác chuẩn bị đã hoàn tất, chỉ chờ lệnh tấn công. Ban đầu, Bộ tư lệnh chiến dịch thống nhất chọn phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh”. Theo đó, pháo binh ta sẽ bắn 2.000 quả pháo vào lòng chảo Điện Biên, sau đó bộ binh đồng loạt tiến công, thọc sâu, xung phong khiến quân Pháp không kịp trở tay. Ta chọn phương án này nhằm tranh thủ thời cơ lúc quân Pháp mới đặt chân tới Điện Biên, chưa tập trung đủ lực lượng và củng cố công sự nên sẽ có nhiều khả năng giành chiến thắng; nếu để chiến dịch kéo dài ngày ta sẽ không giải quyết được vấn đề hậu cần.

Tuy nhiên, gần thời khắc nổ súng, vị Tư lệnh chiến dịch kiêm Bí thư Đảng uỷ - Đại tướng Võ Nguyễn Giáp phải đứng trước một quyết định cực kỳ khó khăn. Sau khi lên đến chiến trường, trực tiếp nắm tình hình bố trí và dự trù phương án đối phó của địch, Đại tướng nhận thấy việc tiếp tục phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” mang nhiều yếu tố chủ quan, không đánh giá đúng tương quan thực lực của hai bên, do vậy, không thể đảm bảo chắc thắng. Nhớ lời dặn của Bác Hồ trước khi ra trận: “Bác giao cho chú toàn quyền, tướng quân tại ngoại, trận này chắc thắng thì đánh, không chắc thắng không đánh”, nhớ lại nghị quyết của Trung ương là “chỉ được thắng, không được bại”, Đại tướng đã thuyết phục các tướng lĩnh của ta chấp nhận thay đổi phương châm tác chiến sang “đánh chắc, tiến chắc” khi mà thời điểm nổ súng chỉ còn cách vài giờ. Mặc dù khi đó các đại đoàn quân ta đã dàn trận, đạn đã lên nòng, sẵn sàng chờ lệnh nổ súng nhưng Đại tướng đã kiên quyết yêu cầu dừng lại, cho lui quân về vị trí tập kết, kéo pháo ra để chuẩn bị trận địa đánh theo phương án mới. Về sau, Đại tướng cho biết đây là một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của ông. Nhiều người còn cho rằng, đó là một quyết định “sinh tử”, bởi nếu quyết định sai thì chưa biết lịch sử sẽ rẽ sang hướng nào.

Thực tiễn đã chứng minh, việc thay đổi phương châm tác chiến của Đại tướng là đúng đắn. Peter McDonald, một vị tướng kiêm sử gia người Anh cho rằng: Trong cuộc đời cầm quân của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có rất nhiều quyết định quan trọng, đưa ông vào hàng “những người hiếm hoi làm chuyển dịch dòng chảy của lịch sử”. Rõ ràng sự thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” là một thay đổi đưa đến chiến thắng tuyệt đối trong chiến dịch Điện Biên Phủ”. Còn theo Đại tướng Lê Trọng Tấn: Nếu Đại tướng Tổng tư lệnh không quyết đoán thì toàn bộ lực lượng của ta đã bị “phơi áo” trong lòng chảo Điện Biên và phần lớn những tướng lĩnh tài năng của quân đội Việt Nam - trong đó có ông - sẽ không có mặt trong kháng chiến chống Mỹ.

Bộ sậu chỉ huy quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ bị bắt sống.

Sau 55 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”, quân, dân ta đã giành chiến thắng hoàn toàn trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Toàn bộ 16.200 quân Pháp đã bị tiêu diệt và bắt sống. Chiến thắng Điện Biên Phủ “được ghi vào lịch sử Việt Nam như một trong những trang chói lọi nhất, một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa của thế kỉ XX; được ghi vào lịch sử thế giới như một chiến công hiển hách đột phá thành trì của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa nô dịch thuộc địa”. Chiến thắng Điện Biên Phủ giáng đòn quyết định, tạo bước ngoặt lịch sử làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh giữa Việt Nam và Pháp, trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, tiến lên CNXH, là hậu phương bao la vô tận, bảo đảm thắng lợi cho cuộc kháng chiến chống Mỹ sau này (1954 - 1975).

Hiện nay, dù cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, với tinh thần và ý chí của quân và dân ta được hun đúc từ Điện Biên Phủ, công cuộc đổi mới của đất nước sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn hơn trong thời kỳ mới.

  Võ Hoàng Khải
                            (Uỷ viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tây Ninh)

 

Từ khóa:
Tin liên quan