BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chiến thắng Điện Biên Phủ: Chiến công khởi nguồn sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam 

Cập nhật ngày: 07/05/2024 - 10:49

BTNO - Cách đây đúng 70 năm, ngày 7.5.1954 Chiến dịch Điện Biên Phủ của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã kết thúc thắng lợi. Phía đối phương, Bộ Chỉ huy lực lượng đồn trú tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp, dẫn đầu là tướng De Castries đã phải kéo cờ trắng đầu hàng sau 56 ngày bị quân ta tấn công dữ dội và vây hãm trong thung lũng Mường Thanh, nay là địa giới của thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên- vùng Tây Bắc Việt Nam.

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ  A1. Ảnh T.Tuấn

Lực lượng Pháp đồn trú tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ khoảng 11.000 quân, sau được tăng viện lên tới 16.200 quân, chưa kể số quân ở các nơi khác làm nhiệm vụ tiếp tế hậu cần cho cứ điểm và số phi công, lính không quân tham gia trận chiến khoảng trên 30.000 quân. Khi phải đầu hàng quân ta và bị bắt làm tù binh, quân Pháp còn trên 11.700 người.    

Để lập được chiến công Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, Đảng uỷ và Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đã vận dụng nghệ thuật chiến dịch độc đáo với những quyết sách đúng trong việc thay đổi phương châm tác chiến, góp phần đưa chiến dịch đến thắng lợi, để lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của quân đội ta tung bay trên nóc hầm tướng De Castries vào ngày 7.5.1954 lịch sử ấy.

Một ngày sau, 8.5.1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị chỉ huy tối cao của chiến dịch đã gửi thư chúc mừng lực lượng ta tham gia chiến dịch, nội dung như sau: "Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ. Bác và Chính phủ thân ái gửi lời khen ngợi cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang. Thắng lợi tuy lớn, nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch…

Bác và Chính phủ sẽ khen thưởng những cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương có công trạng đặc biệt". Dịp này, Bác Hồ đã tặng Huy hiệu "Chiến sĩ Điện Biên Phủ" cho các cán bộ, chiến sĩ lập công xuất sắc.

Đặc biệt, khi đến thăm, chúc mừng Bộ Tổng Tham mưu quân đội ta và Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau trận Điện Biên Phủ, bằng kinh nghiệm chính trị vô song của mình, Bác Hồ đã nói một câu chúc mừng kèm dự đoán chính xác: "Chúc mừng chú (Võ Nguyên Giáp) thắng trận. Nhưng đừng chủ quan, còn phải đánh với Mỹ nữa. Sớm muộn gì chúng cũng sẽ nhảy vào Đông Dương thế chỗ Pháp". Quả nhiên, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, chỉ mất chưa đầy 1 năm, Mỹ thực sự nhảy vào thay chân Pháp.

Các đơn vị sẵn sàng cho lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh T.Tuấn

Lịch sử 70 năm qua đã cho thấy sự phán đoán của Bác Hồ hoàn toàn chính xác. Trước khi “hất cẳng” Pháp, Mỹ đã đổ vào chiến trận Điện Biên Phủ phần lớn vũ khí, khí tài quân sự chiếm đến hơn 70% chiến phí để “hà hơi tiếp sức” cho Pháp cố giữ tập đoàn cứ điểm được xem là mạnh nhất của Pháp trong suốt cuộc chiến tranh tái xâm lược Việt Nam.

Tuy nhiên, sự thảm bại đau đớn, nhục nhã của quân Pháp không làm cho Mỹ “sáng mắt” ra mà lại khiến cho Mỹ càng “mù quáng” hơn, tiếp tục lao đầu vào đất nước ta để rồi phải gánh lấy thảm bại ở nhiều trận Điện Biên Phủ khác.

Một ngày sau thất bại của quân Pháp ở Điện Biên Phủ, ngày 8.5.1954 Hội nghị Genève về Đông Dương bắt đầu họp. Kết thúc Hội nghị Genève ngày 20.7.1954, trưởng phái đoàn của Chính phủ Mỹ tuyên bố cam kết tôn trọng quyết định của 9 nước thành viên tham gia Hội nghị Genève. Nhưng liền sau đó, chính Tổng thống Mỹ lại tuyên bố: “Hoa Kỳ không tham dự vào những quyết định của Hội nghị Genève và không bị ràng buộc vào những quyết định ấy”.

Theo Hiệp định Genève, đất nước Việt Nam tạm thời chia làm hai miền, lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến để Pháp rút vào miền Nam, lực lượng kháng chiến chống Pháp tập kết ra Bắc. Sau hai năm sẽ tổ chức Tổng tuyển cử trong cả nước để bầu ra Chính phủ thống nhất đất nước.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và các đại biểu tham quan các hiện vật được trưng bày tại Trung tâm báo chí kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên phủ. Ảnh T.Tuấn

Lúc bấy giờ, ở miền Nam, Pháp đã dựng lên chính quyền tay sai gọi là Quốc gia Việt Nam do cựu hoàng Bảo Đại làm Quốc trưởng. Mỹ ép Pháp đưa Ngô Đình Diệm từ Mỹ về làm Thủ tướng chỉ hơn một tháng trước ngày ký kết Hiệp định Genève.

Ngay sau khi Hiệp định Genève được ký kết, trả lời Thông tấn xã Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đoán trước Ngô Đình Diệm và Mỹ sẽ tìm cách phá bỏ Hiệp định để chia cắt Việt Nam thành hai nước: "Theo đúng lập trường của ta từ trước đến nay, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ tiếp tục cố gắng đấu tranh cho hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ của Tổ quốc”.

Trong khi đó, sau khi Ngô Đình Diệm giở trò “trưng cầu dân ý” lật đổ Quốc trưởng Bảo Đại để Diệm lên làm Tổng thống, Mỹ ép Pháp phải rút toàn bộ lực lượng khỏi Việt Nam vào năm 1955 và tự lập “nước Việt Nam Cộng hoà”.

Hai năm chia cắt tạm thời trôi qua, Hiệp định Genève đã bị Mỹ - Diệm trắng trợn xoá bỏ, hoàn toàn không có Tổng tuyển cử. Nhân dân miền Nam nước ta không ngừng đấu tranh đòi Mỹ - Diệm thực hiện hiệp định, chẳng những Tổng tuyển cử không bao giờ có mà vô số người dân yêu nước, đấu tranh đòi thống nhất đất nước bị Mỹ Diệm bắt bớ, giảm cầm, thảm sát.

Khi không còn chịu đựng được sự áp bức tàn bạo của Mỹ Diệm, Nhân dân miền Nam đã vùng lên dưới ngọn cờ cách mạng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam do Đảng ta lãnh đạo, không ngại hy sinh, gian khổ tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Để đối phó với làn sóng cách mạng của quân dân ta, đế quốc Mỹ đã trực tiếp đổ quân vào miền Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân ở miền Bắc nước ta. Thế nhưng lần lượt các chiến lược chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ rồi Việt Nam hoá chiến tranh của đế quốc Mỹ và chính quyền, quân đội tay sai Sài Gòn đã bị quân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng ta đánh bại cho đến ngày thắng lợi cuối cùng, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước 30.4.1975.

70 năm đã trôi qua, thực tiễn cách mạng nước ta cho thấy, Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng mở đầu cho chuỗi chiến công bảo vệ Tổ quốc của quân dân ta từ giữa thế kỷ 20. Từ ý nghĩa khởi nguồn chiến công đó, Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là một mốc son chói lọi, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

Chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa lịch sử to lớn, mang tầm thời đại sâu sắc, là chiến thắng của chủ nghĩa yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường, sức mạnh của khối đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam, thể hiện sự lớn mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nguyễn Tấn Hùng