Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chiến thắng Tua Hai, bước ngoặc cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Chủ nhật: 13:54 ngày 26/01/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Hôm nay 26.1.2020 (nhằm mùng 2 tết), tròn 60 năm kỷ niệm chiến thắng Tua Hai. 60 năm qua, chiến thắng Tua Hai vẫn là nguồn cổ vũ, động viên lớn lao và là niềm tự hào của quân và dân ta, đặc biệt là Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Tây Ninh.

Trước đó, Tỉnh uỷ Tây Ninh phối hợp cùng Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Chiến thắng Tua Hai- Mở đầu cao trào Đồng khởi ở Nam Bộ”.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh uỷ Tây Ninh chủ trì hội thảo khoa học cấp Quốc gia vừa qua.

Ý nghĩa của hội thảo này tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc thêm sự lãnh đạo chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng: ý chí quyết chiến quyết thắng, tinh thần mưu trí, sáng tạo, dũng cảm, kiên cường của quân và dân ta. Sức mạnh của thế trận chiến tranh nhân dân Việt Nam thể hiện vị trí, vai trò cũng như đóng góp của lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Tây Ninh trong trận Tua Hai… đồng thời góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí độc lập tự cường, niềm tự hào dân tộc cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch- Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, giá trị của chiến thắng Tua Hai khẳng định tính đúng đắn của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II) về sự chuyển hướng chỉ đạo cách mạng miền Nam. Qua đó đánh dấu bước chuyển quan trọng cách mạng miền Nam đang từ thế giữ gìn lực lượng chuyển sang thế tiến công, tạo thế và lực mới cho miền Nam, thúc đẩy phong trào Đồng khởi ở Nam bộ.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng và tỉnh Tây Ninh tham quan nhà trưng bày tại Khu di tích Chiến thắng Tua Hai.

Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, chiến thắng Tua Hai đã mở ra thời cơ lớn cho Tây Ninh và các tỉnh miền Đông Nam bộ vùng dậy kết hợp giữa đấu tranh vũ trang của quần chúng với tiến công quân sự của các lực lượng vũ trang, kết hợp ba mũi giáp công gồm đấu tranh chính trị, đấu tranh quân sự và binh vận, giải phóng đất đai, làm chủ từng phần, mở rộng vùng căn cứ địa, tạo thế và lực mới cho cách mạng miền Nam.

Thắng lợi của trận đánh đã cổ vũ niềm tin và khí thế vùng dậy của quần chúng nhân dân, đã giải phóng hàng chục quận lỵ, chi khu, bức rúc nhiều đồn bốt, phá rã bộ máy kìm kẹp của địch ở cơ sở, giải phóng vùng rộng lớn phía Bắc và đại bộ phận các huyện phía Nam Tây Ninh, tạo điều kiện thuận lợi cho Xứ uỷ và Bộ Chỉ huy lực lượng vũ trang miền Đông củng cố, xây dựng và mở rộng căn cứ đứng chân.

Thượng tướng Phan Văn Giang- Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, đây là cuộc tiến công quân sự có quy mô lớn nhất tại chiến trường Nam bộ kể từ sau Hiệp định Genève. Thắng lợi của trận đánh đã trở thành “phát pháo lệnh” cho cao trào Đồng khởi ở Nam Bộ, là cột mốc báo hiệu những trận thắng lớn của quân và dân miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để lại những bài học về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng.

Thượng tướng Lê Chiêm- Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trò chuyện cùng Thượng tá Phạm Việt Ngữ (bìa phải)- nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, người trực tiếp vác súng trong trận đánh Tua Hai.

Cũng theo Thượng tướng Phan Văn Giang, đi tới và làm nên chiến thắng Tua Hai là cả một quá trình chuẩn bị về lực lượng, xây dựng ý chí quyết tâm, đảm bảo hậu cần, kỹ thuật, xây dựng thế trận… theo quan điểm chiến tranh cách mạng của Đảng. Với sự chuẩn bị kỹ càng, ý chí quyết đánh, quyết thắng, lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ cùng quân và dân Tây Ninh đã làm nên chiến thắng có ý nghĩa chiến lược góp phần quan trọng vào thắng lợi của cao trào Đồng khởi, tạo nên bước ngoặc cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Cùng với những nhận định trên, Trung tướng Trần Hoài Trung- Chính uỷ Quân khu 7 cũng khẳng định, rõ ràng đấu tranh chính trị kết hợp với vụ trang trận Tua Hai và phong trào Đồng khởi ở Nam Bộ năm 1960 đã giúp cho lực lượng cách mạng miền Đông Nam bộ giữ vững và phát huy thế chủ động tiến công địch, nhanh chóng chuyển hướng chiến lược, từ khởi nghĩa từng phần sang chiến tranh cách mạng.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng và tỉnh Tây Ninh viếng bia tưởng niệm chiến thắng Tua Hai.

Sau chiến thắng Tua Hai và phong trào “Đồng khởi vũ trang” Đông Nam bộ, đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang luôn được kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và luôn được quán xuyến trong từng thời kỳ, từng giai đoạn, ở từng địa bàn, trong từng chiến dịch hay từng đợt hoạt động, tạo ra hiệu lực thực tế của hai đòn tiến công chiến lược. Trên cơ sở đó, tạo thế đứng vững chắc cho lực lượng vũ trang ba thứ quân phát triển, cùng với quân và dân cả nước lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Thiếu tướng, TS. Nguyễn Hoàng Nhiên- Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam bày tỏ, 60 năm trôi qua, nhiều dấu tích trên chiến trường đã mờ dần theo thời gian, nhưng chiến công của quân và dân ta trong trận Tua Hai luôn có vị trí xứng đáng trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam.

Do vậy, kỷ niệm 60 năm chiến thắng Tua Hai là dịp để nhìn lại và thêm một lần khẳng định tầm vóc, ý nghĩa của chiến thắng này đối với phong trào Đồng khởi ở miền Nam nói riêng, trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung.

Những kinh nghiệm rút ra từ chiến thắng Tua Hai tiếp tục được nhân lên, phát huy có hiệu quả trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cho đến hôm nay, tinh thần, ý chí, những kinh nghiệm sáng tạo mà chiến thắng Tua Hai để lại vẫn còn nguyên giá trị, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng thiết thực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đức An

(Tổng hợp từ những tham luận gửi đến Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Chiến thắng Tua Hai- Mở đầu cao trào Đồng khởi ở Nam Bộ”)

Đêm 25 rạng 26.1.1960, Ban quân sự miền Đông sử dụng các đại đội bộ binh 69, 60, 70 và Đại đội đặc công 80 của bộ đội chủ lực miền Đông Nam bộ và 3 tiểu đội vũ trang tỉnh Tây Ninh tổ chức trận tập kích vào căn cứ Tua Hai – nơi đồn trú và chiếm đóng của Trung đoàn 32 thuộc Sư đoàn 21 quân đội Sài Gòn. Sau hơn 20 phút chiến đấu, các lực lượng tham gia trận đánh đã hoàn toàn chiếm lĩnh và làm chủ căn cứ Tua Hai trong 3 giờ, diệt 76 tên, bắt giáo dục và thả tại chỗ hơn 400 tên địch, thu gần 1.500 súng các loại.

Tin cùng chuyên mục