Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chiến thắng Tua Hai- mốc son chói lọi của lịch sử
Thứ bảy: 16:29 ngày 25/01/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chiến thắng Tua Hai đã mở đầu cao trào Đồng khởi chính trị- vũ trang ở Nam bộ, cổ vũ nhân dân nổi dậy đấu tranh mạnh mẽ, phá vỡ từng mảng lớn hệ thống kìm kẹp của địch ở nhiều vùng nông thôn.

Ngày 20.7.1954, Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương được ký kết. Nghiêm túc thi hành Hiệp định, đến ngày 2.9.1954, những đoàn quân cách mạng cuối cùng ở miền Đông Nam bộ lên đường tập kết ra Bắc.  

Di tích lịch sử Chiến thắng Tua Hai ngày nay.

Thế nhưng, trái với thiện chí và sự tôn trọng Hiệp định của ta, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm do Mỹ dựng lên ở miền Nam đã dốc sức thực hiện “chiến tranh một phía”, ra sức phá hoại Hiệp định, khước từ tổng tuyển cử. Đầu tiên, chúng cho gọi các bà mẹ, bà vợ có con, chồng đi tập kết lên làm giấy từ con, từ chồng hoặc viết thư ra Bắc gọi con, chồng về.

Sau bước này, chúng thực hiện chính sách “tố cộng, diệt cộng” vô cùng tàn bạo, man rợ với khẩu hiệu “giết nhầm còn hơn bỏ sót”. Chúng mở nhiều cuộc hành quân càn quét quy mô lớn trên toàn miền Nam, như chiến dịch “Thoại Ngọc Hầu”, “Trương Tấn Bửu”, giết hại dã man những người từng tham gia kháng chiến, đảng viên đảng cộng sản và quần chúng cách mạng.

Chúng tổ chức hệ thống đồn, bót dày đặc, lập ra các “khu dinh điền”, “khu trù mật” với cảnh sát, mật vụ kìm kẹp ngày đêm, biến cả miền Nam thành nhà tù của đế quốc. Chúng ban hành Luật 10/59, đặt cộng sản và những người kháng chiến ra ngoài vòng pháp luật, lê máy chém đi khắp miền Nam, giết hại đồng bào, cán bộ, đảng viên mà không cần xét xử.

Do chính sách đàn áp tàn bạo của địch, chỉ trong 4 năm, từ 1955 đến 1958, cả miền Nam tổn thất chín phần mười số cán bộ, đảng viên. Khoảng 7 vạn cán bộ, đảng viên của ta bị địch giết, gần 90 vạn cán bộ, quần chúng cách mạng bị địch bắt, tù đày; gần 20 vạn bị tra tấn đến tàn tật. Đảng bộ miền Đông Nam bộ, lúc đó gồm cả Gia Định, sau tập kết vẫn còn 21.000 đảng viên, đến cuối năm 1959, trước khi Đồng khởi chỉ còn không tới 800 đảng viên.

Tây Ninh, nơi đặt căn cứ lãnh đạo kháng chiến ở Nam bộ, là nơi địch chọn làm nơi thí điểm chiến dịch “tố cộng, diệt cộng”. Đến năm 1958, cơ sở cách mạng trên địa bàn tỉnh bị phá rã đến 80%, đội ngũ cán bộ cốt cán quần chúng cách mạng trung kiên tổn thất nặng nề; ở cấp xã, nhiều nơi không còn đảng viên, nhân dân bị khủng bố đến đường cùng.

Cuối năm 1959, toàn Đảng bộ tỉnh chỉ còn khoảng 300 đảng viên. Trại giam của địch ở Tây Ninh chật ních những người cách mạng và quần chúng yêu nước. Lòng căm thù giặc của nhân dân đã lên đến đỉnh điểm. Cả miền Nam đang trong tình thế “như một thùng thuốc súng chờ mồi lửa” để bùng nổ.

Trước tình hình đó, tháng 1.1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II) họp Hội nghị lần thứ 15 (năm 1959). Hội nghị đề ra phương thức đấu tranh của cách mạng miền Nam là dùng bạo lực cách mạng, đi từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 15, Xứ uỷ Nam bộ chủ trương tập trung lực lượng vũ trang “tổ chức một trận đánh có ý nghĩa thôi động toàn Miền, thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng quần chúng, lấy vũ khí của địch trang bị cho các đơn vị của ta”. Căn cứ Tua Hai đã được chọn làm mục tiêu tiến công, mở đầu cho cao trào Đồng khởi trong toàn Miền.

Cổng thành Nguyễn Thái Học - cứ điểm quân sự của Mỹ, nơi diễn ra trận đánh Tua Hai đêm 25 rạng 26.1.1960. Ảnh: Bảo tàng tỉnh cung cấp

Tua Hai là căn cứ quân sự cấp trung đoàn chủ lực của nguỵ quyền Sài Gòn, nơi đứng chân của Trung đoàn 32 thuộc Sư đoàn 21 nguỵ. Tua Hai được xây dựng thành một cứ điểm mạnh trên tuyến phòng thủ phía Tây Bắc Sài Gòn, trung tâm huấn luyện biệt kích và là kho vũ khí dự trữ lớn của địch. Đánh vào Tua Hai là đánh vào chỗ mạnh về quân sự, nhưng nhờ cơ sở nội tuyến ta đã dày công xây dựng, nuôi dưỡng mà ta biết được nơi đây địch có nhiều sơ hở, chủ quan.

Để chuẩn bị cho trận đánh, chúng ta đã huy động lực lượng vũ trang đông nhất, mạnh nhất ở Nam bộ khi đó, với sự phối hợp tham gia của cả lực lượng chủ lực Miền (gồm 3 đại đội bộ binh), Trung đội Bình Xuyên, Trung đội Cao Đài ly khai, một số tiểu đội, trung đội bộ đội địa phương và số lượng lớn dân quân, du kích, quần chúng trên địa bàn. Ngoài ra, trận đánh còn có sự phối hợp của lực lượng nội tuyến do Tỉnh uỷ Tây Ninh xây dựng, cài cắm trong hàng ngũ địch, đã giúp nắm bắt tình hình địch một cách kịp thời, chuẩn xác.

Đêm 25, rạng sáng ngày 26.1.1960, trận đánh căn cứ Tua Hai bắt đầu. Với cách đánh táo bạo, mưu trí, dũng cảm, nên dù lực lượng ta chưa bằng 1/5 so với địch (300 so với 1.694) quân ta đã nhanh chóng làm chủ trận địa, tiêu diệt sở chỉ huy Trung đoàn 32, đánh thiệt hại và làm tan rã 3 tiểu đoàn địch, bắt sống và giáo dục tại chỗ hơn 500 tù binh và thu hơn 1.000 súng các loại cùng nhiều chiến lợi phẩm khác.

Với Chiến thắng Tua Hai, lần đầu tiên, một đơn vị cấp trung đoàn chủ lực nguỵ bị tấn công ngay trong căn cứ và bị tổn thất nặng nề. Phúc trình của Đại tá Nguyễn Hữu Có- Tư lệnh Quân khu 1 nguỵ quyền Sài Gòn viết: "Sức kháng cự của tiểu đoàn 1, trung đoàn 22 và tiểu đoàn 2, trung đoàn 32 dường như không có gì, bị tiến công bất ngờ và các kho vũ khí bị chiếm”. Quận trưởng sở tại đến thăm Tua Hai “đã phải khóc lên vì thiệt hại quá lớn: Họ đã đánh được một trung đoàn thì mai kia họ kéo vào thị xã có khó khăn gì…”.

Bia đá ghi danh trận chiến do quân và dân Tây Ninh lập tại Di tích lịch sử chiến thắng Tua Hai.

Tướng Đỗ Mậu, người được Ngô Đình Diệm cử lên Tua Hai điều tra sau trận đánh, viết: “Ngày 26.1.1960, một trung đoàn thuộc sư đoàn 21 đóng ở Trảng Sụp, cách tỉnh lỵ Tây Ninh 12km bị Việt cộng tấn công gây thiệt hại nặng nề cả nhân mạng lẫn vũ khí… Sư đoàn bị tấn công bất ngờ, bị thiệt hại hết sức nặng nề, mất toàn bộ vũ khí của cả một trung đoàn”.

Sau Chiến thắng Tua Hai, quân và dân Tây Ninh đã đồng loạt bao vây, tiến công dồn dập, mạnh mẽ, phá, gỡ được 30 đồn, bốt (chiếm 50% lượng đồn, bốt trong tỉnh); truy lùng ác ôn, triệt phá bộ máy kìm kẹp, giải phóng 43 xã, làm tan rã 70 - 80% lực lượng bảo an, dân vệ. Chỉ trong thời gian ngắn, phong trào tiến công quân sự, khởi nghĩa từng phần ở Tây Ninh đã nhanh chóng phát triển thành cao trào Đồng khởi, vừa tiến công diệt ác, phá kìm, gỡ đồn, vừa giải phóng xã, ấp, giành chính quyền về tay nhân dân ở cả miền Đông Nam bộ và toàn miền Nam, giáng một đòn đau, bất ngờ vào dã tâm thiết lập ách thống trị của Mỹ ở miền Nam.

Báo cáo của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) gửi Tổng thống Mỹ Kennedy thừa nhận: “Trong 6 tháng cuối năm 1960, tình hình an ninh trong nước (miền Nam) vẫn tiếp tục ngày càng xấu đi và nay đã lên tới mức nghiêm trọng… Trên một nửa toàn vùng nông thôn ở phía Nam và phía Tây Nam Sài Gòn cũng như một số vùng ở phía Bắc đã nằm dưới quyền kiểm soát rất lớn của Việt Cộng”. 

Di tích lịch sử chiến thắng Tua Hai trở thành địa chỉ đỏ trong những chuyến sinh hoạt truyền thống, về nguồn của tuổi trẻ.

Tua Hai là trận tiến công quân sự quy mô lớn nhất tại chiến trường Nam bộ kể từ sau Hiệp định Genève, “là tiếng hiệu lệnh” cho cuộc nổi dậy đồng loạt, không chỉ ở Tây Ninh, miền Đông Nam Bộ và toàn miền Nam. Tướng Đỗ Mậu viết: “Ngoài trận tấn công vào sư đoàn 21 làm cho mọi giới Việt-Mỹ bàng hoàng, trong năm 1960, những hoạt động của Việt Cộng cũng đã xảy ra rất nhiều nơi đã cho ta thấy lực lượng quân sự cũng như chính trị của Việt Cộng quả thật đã trưởng thành và gia tăng mau chóng, quân đội Việt Nam Cộng hoà đã chạm trán với Việt Cộng ở vùng U Minh Hạ (Cà Mau), ở Thái Lan (Phong Dinh), ở Bàu Răm (Long An), ở Phong Phú (Kiến Tường), ở Đức Huệ (Long An), ở Phước Tân và Bàu Sen (Tây Ninh), ở Cao Lãnh (Kiến Phong)”.

Rõ ràng, Chiến thắng Tua Hai đã mở đầu cao trào Đồng khởi chính trị- vũ trang ở Nam bộ, cổ vũ nhân dân nổi dậy đấu tranh mạnh mẽ, phá vỡ từng mảng lớn hệ thống kìm kẹp của địch ở nhiều vùng nông thôn, góp phần làm thất bại “chiến tranh một phía” của Mỹ-nguỵ. Đồng khởi 1960 khẳng định tính đúng đắn, kịp thời của Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đây là một trong những mốc son chói lọi, một kỳ tích vẻ vang, ghi thêm một trang sử oanh liệt và hào hùng của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh. 60 năm đã trôi qua, nhiều dấu tích trên chiến trường đã mờ dần theo thời gian, nhưng chiến công của quân và dân ta trong trận Tua Hai luôn có vị trí xứng đáng trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam.

Võ Hoàng Khải

Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tây Ninh

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục