Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Kỷ niệm 45 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (7.1.1979-7.1.2024):
Chiến tranh biên giới Tây Nam qua cuộc đối thoại tưởng tượng
Thứ hai: 08:45 ngày 08/01/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Pol Pot cũng là người có tư tưởng vô cùng cực đoan đối với tôn giáo. Khi nhà sư hỏi, vì sao không cho phép tôn giáo hoạt động, gã trả lời: “Tôn giáo rất phức tạp. Người Chăm theo đạo Hồi làm vẩn đục tinh thần Campuchia, dòng máu Campuchia.

Trưa 7.1.1979, các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia cùng quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng thủ đô Phnom Penh, lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, hồi sinh và mang lại tương lai tươi sáng cho đất nước Chùa Tháp. Ảnh tư liệu

Tháng 1.2024, tròn 45 năm kết thúc cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Cuộc chiến tranh này, không ai còn xa lạ gì, vì nhiều tư liệu, phim ảnh, báo chí cả trong và ngoài nước đề cập đến. Đối với văn học, viết về cuộc chiến tranh này cũng không hiếm nhưng so với các loại hình truyền thông khác, văn học phản ánh cuộc chiến tranh chưa được biết đến nhiều. Mới đây, Nhà xuất bản tổng hợp TP. Hồ Chí Minh ra mắt cuốn sách “Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt” của Đoàn Tuấn- một cựu chiến binh từng tham gia cuộc “chiến tranh bắt buộc”.

Tư tưởng diệt chủng của Pol Pot

Một phần nội dung trong cuốn sách này, tác giả xây dựng cuộc đối thoại giữa một nhà sư với Pol Pot, sau khi gã đồ tể này chết dưới tay đám thuộc hạ của hắn ta. Gọi bằng hư cấu nhưng những gì lịch sử diễn ra, cuộc trò chuyện giữa một nhà sư với linh hồn Pol Pot có thể xem là “phi hư cấu”, tức văn học nhưng không khác sự thật lịch sử. Nói khác đi, sự thật lịch sử, sự thật đau thương của dân tộc Campuchia đã được nhà văn, cựu chiến binh Đoàn Tuấn, người tham gia cuộc chiến tranh này tái hiện bằng văn học.

Trường đoạn này, nhà văn dựng lên hình ảnh, trong một ngôi chùa ở Anlong Veng, nhà sư Phteah Saniphap đã tổ chức buổi lễ gọi hồn Pol Pot, nhà lãnh đạo của Khmer Đỏ. Buổi lễ có sự chứng kiến của người Khmer, người Hoa, người Thái, người Việt và người phương Tây…

Trong khói hương nghi ngút, linh hồn Pol Pot hiện về. Pol Pot, vì sao ông thanh lọc sắc tộc? - nhà sư hỏi. “Tôi chỉ muốn người Campuchia sống trên đất Campuchia. Những dân tộc khác không cần thiết. Họ là những phần tử xấu. Phương châm của chúng tôi là “để các người sống, chúng tôi không có lợi; giết các người, chúng tôi không mất gì”- linh hồn gã đồ tể trả lời.

Để biện minh cho hành động diệt chủng của mình, Pol Pot nói tiếp với nhà sư rằng ông ta là người học rộng, hiểu nhiều, đi nhiều, nên “tôi luôn nuôi dưỡng ý tưởng, phải thanh lọc quốc gia, thanh lọc dân tộc. Chúng tôi thanh lọc tất cả vì tình yêu cao cả đối với dân tộc Campuchia, đối với đất nước Campuchia”.

Cuộc trò chuyện, đúng hơn, cuộc đối thoại giữa nhà sư và linh hồn Pol Pot cho ta thấy, con người này có tư tưởng cực đoan đến mức không thể hình dung nổi, cực đoan đến mức hoang tưởng và điên rồ, bệnh hoạn, kèm theo tư tưởng này, tất nhiên, là tội ác.

Sao các ông yêu cầu phụ nữ đều để tóc ngắn? - nhà sư hỏi. “Tóc dài hay tóc uốn đều là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản. Tóc ngắn rất gọn… rất cách mạng”- gã nói. Giải thích cho việc “giải toả” toàn bộ người dân Campuchia ra khỏi thành phố, Pot Pot cho biết, thực hiện điều đó: “Tháng Chín năm 1974, chúng tôi đã có kế hoạch trục xuất người thành phố về nông thôn. Vì chủ nghĩa tư bản chỉ phát triển ở thành phố. Đặc biệt văn hoá và lối sống đô thị ảnh hưởng không tốt đến phong tục của người Campuchia. Dân thành phố không trung thành bằng dân nông thôn”.

Dưới chế độ Pol Pot, đất nước Campuchia có nét gì đó giống thời tiền sử của loài người. Giải thích cho việc không dùng tiền, linh hồn Pot Pot nói với nhà sư: “Lúc đầu, chúng tôi định dùng tiền. Chúng tôi đã đặt in tiền. Nhưng chúng tôi quyết định không dùng. Bởi vì sao? Tiền kích thích lòng tham. Đặc biệt, tiền là nguồn gốc của nạn tham nhũng. Chúng tôi muốn xây dựng một kiểu chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa thuần nhất ở Campuchia”.

Pol Pot cũng là người có tư tưởng vô cùng cực đoan đối với tôn giáo. Khi nhà sư hỏi, vì sao không cho phép tôn giáo hoạt động, gã trả lời: “Tôn giáo rất phức tạp. Người Chăm theo đạo Hồi làm vẩn đục tinh thần Campuchia, dòng máu Campuchia. Còn đạo Thiên chúa? Ngày trước, ở Phnom Penh cũng có vài nhà thờ. Nhưng chính quyền Lon Nol phá hết. Tôi tán thành. Còn các nhà sư, họ không chịu lao động. Tôi muốn xây dựng một xã hội không có người ăn bám”.

“Thưa ông, ông có thể giải thích, tại sao một chính phủ non trẻ như Campuchia Dân chủ, lấy sức mạnh từ đâu khi cùng một thời gian, bên trong thì thanh lọc sắc tộc, bên ngoài thì gây chiến với Việt Nam?”. Gã trả lời nhà sư rằng: “Hàng ngàn cán bộ, đảng viên, sĩ quan từng học tập ở Việt Nam hay có cảm tình với Việt Nam, tôi đều ra lệnh thanh trừng hết. Cả người Việt ở Campuchia nữa”.

Sách “Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt”

Đọc cuốn sách này, ta thấy, từ trước khi Việt Nam thống nhất, Pol Pot đã có dã tâm gây chiến tranh với nước ta. Nó cũng chứng minh, nguồn tin nhà tình báo chiến lược Ba Quốc (Đặng Trần Đức) nhận được về ý đồ gây chiến tranh biên giới Tây Nam của tập đoàn Khmer Đỏ là chính xác tuyệt đối.

“Tháng 7 năm 1973, chúng tôi đã ra nghị quyết, xác định Việt Nam là một bên xung đột lớn… Ngày 17.4.1976, nhân kỷ niệm ngày Chiến thắng, chúng tôi đã phát đi thông điệp cho toàn thể dân chúng biết, nguy cơ xâm lược từ đế quốc Việt Nam.

Tháng 5.1976, chúng tôi đề nghị Chính phủ Việt Nam mở cuộc đàm phán về vấn đề biên giới. Chúng tôi biết, hai bên sẽ không đi đến kết quả như ý muốn. Nhân cớ này, chúng tôi thổi bùng cơn bão tuyên truyền cho mọi người biết ý đồ xâm lược của Việt Nam”- linh hồn Pol Pot nói với nhà sư.

Nói về việc tàn sát dân thường ở khu vực biên giới với Việt Nam và thực hiện chiến tranh tâm lý, linh hồn gã đồ tể hùng hồn: “Chúng tôi cho binh lính Khmer Đỏ tàn sát dân chúng dọc biên giới. Về chiến tranh tâm lý, tôi ra lệnh cho tất cả báo, đài Campuchia liên tục tố cáo Việt Nam xâm lược Campuchia”.

Trong Chính phủ Campuchia dân chủ, mọi người có đồng quan điểm? “Rất phức tạp. Tôi là Thủ tướng, nhưng hai cấp phó của tôi là Vorn Vet và Long Sophal lại phản bội. Tôi ra lệnh thanh trừng ngay. Tháng 11.1978, tôi cho hai vị về S-21. Tử hình tại chỗ. Chúng tôi tổ chức Đại hội lần thứ năm.

Tôi đưa tướng Ta Mok làm nhân vật thứ ba, sau Nuon Chea. Chúng tôi tổ chức đợt thanh trừng mới. Trong quân đội cũng vậy. Nhiều chỉ huy chạy sang Việt Nam. Nếu biết sớm, tôi tử hình hết”- ông ta trả lời nhà sư. Khi chết, ông tiếc điều gì nhất? “Con gái tôi còn quá nhỏ”- Pol Pot nói.

Cuộc trò chuyện vừa dứt, trên mộ Pol Pot, một con bướm lớn, vẫn nằm yên. Không biết nó đậu lúc nào. Pol Pot cảm thấy nhẹ lòng. Nhưng nhà sư, trong lòng lại trĩu nặng. Nơi nào gia đình Son Sen bị hành quyết? Trước cuộc trò chuyện này, nhà sư còn biết được, trong một cuộc tấn công của Khmer Đỏ vào một đoàn tàu, họ bắt được ba người nước ngoài.

Một người Anh, một người Pháp và một người Úc. Pol Pot đã ra lệnh hành quyết tất cả. Tên của những người này là gì? Họ bị giết ở chỗ nào? Phải tìm cho ra. Và trên đất nước Campuchia này, còn bao nơi cần nhà sư đến? Bao ngọn núi? Bao cánh rừng? Bao dòng sông? Bao con suối? Bao gốc cây? Bao chân đèo? Bao cánh đồng?… Dù không kể hết, nhưng nhà sư sẽ đi. Nhà sư sẽ đi khắp chốn, để đưa những linh hồn phiêu dạt trở về.

Nguyên mẫu nhà sư

Về nguyên mẫu nhà sư trong cuộc đối thoại với linh hồn Pol Pot, tác giả cuốn sách cho biết, sau này, khi hoà bình trở lại với người dân Campuchia, năm 2005, trong một lần đến Siem Reap, đang mải nhìn những chính đảng tuần hành trên đường phố để vận động bầu cử, nhà văn gặp một anh xe ôm. Anh quê An Giang, người Việt gốc Khmer.

Nhà văn nhờ anh xe ôm chở đi tham quan thành phố. Trên đường, ông bỗng gặp một nhà sư. Anh xe ôm cho nhà văn biết, nhà sư này đi cầu siêu cho những linh hồn người lính đã hy sinh, cầu siêu cho linh hồn những người lính tình nguyện trong quân đội Việt Nam, cầu siêu cho cả những linh hồn trong quân đội Khmer Đỏ. Nghe anh xe ôm kể, nhà văn yêu cầu anh bám theo.

Đến nơi, sau vài câu chào hỏi, nhà văn sững sờ khi nhận ra nhà sư chính là bạn chiến đấu cùng nhà văn năm xưa. Hồi nhỏ, hai người học phổ thông ở Hà Nội, sau đó nhà sư vào bộ đội trước nhà văn một năm; vào chiến trường, anh được phân về đơn vị khác.

Sau mấy năm chiến đấu, anh được đi học tiếng Khmer. Rồi anh ra quân. Về địa phương, anh được đi xuất khẩu lao động ở Cộng hoà dân chủ Đức. Bức tường Berlin sụp đổ, anh về nước. Nhưng suốt những năm tháng đó, trong anh luôn day dứt một điều.

Đó là chuyện anh bỏ lại trận địa một người lính mà anh thương như đứa em. Không biết người lính này bị thú rừng ăn thịt hay bọn địch thủ tiêu. Anh và đồng đội không tìm thấy xác. Bị kỷ luật nhưng anh vẫn đau đáu nhớ thương đồng đội.

Về nước, anh xây cho bố mẹ ngôi nhà, tặng vợ một xưởng may, tặng con gái cuốn sổ tiết kiệm rồi quyết định sang Campuchia học Phật pháp, đi khất thực, trở thành nhà sư thực thụ. Và anh chỉ có một tâm nguyện là đi khắp đất nước Campuchia, cầu siêu cho linh hồn những người lính của cả hai phía…

Việt Đông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục