Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chỉnh đốn Đảng chính là để giám sát quyền lực
Thứ hai: 12:26 ngày 04/10/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hoá-Giáo dục), nói rằng, chỉnh đốn Đảng chính là để giám sát quyền lực.

Ông Lê Như Tiến.

Tiếng chuông cảnh tỉnh

Đề án về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… dự kiến được trình Hội nghị Trung ương 4. Cá nhân ông nhìn nhận, đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Xây dựng và chỉnh đốn Đảng luôn là vấn đề đặc biệt quan trọng, cần thiết. Từ khi Đảng ra đời đến nay, cùng với quá trình xây dựng, Đảng luôn luôn tự chỉnh đốn, đổi mới, rèn luyện và xem lại mình. Như tôi từng phát biểu ở diễn đàn Quốc hội, Đảng luôn giới thiệu và cử những đảng viên ưu tú tham gia vào các chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước. Đi cùng với đó, Đảng có cơ chế giám sát quyền lực để những người giữ chức vụ không lạm quyền, lộng quyền.

Thực tế thời gian qua đã có nhiều cán bộ cấp cao từ ủy viên Bộ Chính trị đến bộ trưởng, rồi bí thư, chủ tịch các tỉnh đã bị xử lý kỷ luật, vướng vòng lao lý do vi phạm các quy định của Đảng, vi phạm pháp luật. Vì vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đây là công việc thường xuyên, liên tục, không ngừng, không nghỉ. Chỉnh đốn Đảng chính là để giám sát quyền lực, giám sát những người có chức, có quyền.

Để giám sát hiệu quả, trước tiên phải dựa vào các cơ quan kiểm tra của Đảng, thanh tra của Nhà nước, rồi các cơ quan dân cử như Quốc hội, HĐND, cũng như vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên.

Ông thấy sao khi vừa qua có hàng loạt cán bộ vi phạm, trong đó có nhiều quan chức, cựu lãnh đạo trong ngành giáo dục bị khởi tố, bắt tạm giam?

Vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố nhiều vị tướng lĩnh trong lực lượng cảnh sát biển có vi phạm, bị kỷ luật với nhiều hình thức khác nhau. Rồi vừa qua cũng có nhiều cựu giám đốc sở, cán bộ lãnh đạo trong ngành giáo dục tại nhiều địa phương bị khởi tố, bắt tạm giam. Họ đã làm sai Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức cũng như Luật Phòng chống tham nhũng… Họ cũng làm sai luôn cả Luật Giáo dục. Là đảng viên, họ còn vi phạm về những điều đảng viên không được làm.

Cũng liên quan đến cán bộ ngành giáo dục, cách đây vài năm, chúng ta đều biết, tại nhiều tỉnh như Hà Giang, Hòa Bình… đã xảy ra tình trạng chạy điểm, chạy trường. Họ tạo cơ hội cho con em họ, hay con em người này, người kia, cũng có nghĩa là họ đã cướp đi cơ hội của người khác. Không chỉ về mặt pháp luật, những hành vi đó đều rất tồi tệ ở khía cạnh đạo đức.

Khởi tố, điều tra những cán bộ sai phạm là hết sức cần thiết. Đó không chỉ là thượng tôn pháp luật, mà còn là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những ai đã nhúng chàm và chuẩn bị nhúng chàm phải tự giác gột rửa, tự soi, tự sửa, để tránh đi vào vết xe đổ. Điều này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đi nhắc lại nhiều lần.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên và 5 đồng phạm bị khởi tố

Tham nhũng, tiêu cực bắt nguồn từ suy thoái

Phải chăng những hành vi phạm tội ấy thường bắt nguồn từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống?

Chính xác là như vậy. Hành vi phạm tội ấy thường bắt nguồn từ suy thoái về đạo đức, lối sống, dẫn đến hành vi tiêu cực, rồi dẫn đến tham nhũng, vi phạm pháp luật. Do vậy, phòng ngừa, ngăn chặn bao giờ cũng đi trước rồi mới đến chống tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt vừa qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng đã được bổ sung nhiệm vụ phòng, chống tiêu cực. Tôi rất ủng hộ chủ trương này. Cần phải gắn phòng, chống tiêu cực với phòng, chống tham nhũng. Bởi tiêu cực đôi khi là tiền đề của tham nhũng và tham nhũng là hệ quả của tiêu cực.

Hội nghị Trung ương 4 bàn những vấn đề quan trọng

Hôm nay (4/10), Hội nghị Trung ương 4 khai mạc tại Hà Nội. Việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội sẽ là một trong những trọng tâm được tập trung thảo luận. Một trong những nội dung quan trọng khác cũng dự kiến được Trung ương thảo luận là Đề án “Về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tiêu cực tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh.

Văn Kiên

Chỉnh đốn Đảng là ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống, để cán bộ, đảng viên không vướng vào vòng lao lý, tham nhũng, tiêu cực. Để làm tốt điều này, phải giám sát cán bộ, giám sát quyền lực cho thực sự hiệu quả. Ngoài tai mắt của Đảng, cần huy động tối đa tai mắt từ nhân dân và các tổ chức mà tôi vừa đề cập. Cán bộ liêm khiết, bình dị, hay cán bộ có lối sống xa hoa, nay biệt thự này, mai đổi xe kia, người dân đều biết cả.

Thế nhưng, những người nói lên sự thật thường thua thiệt, thậm chí còn phải đối mặt với những hành vi trù úm, đe dọa cả thể xác lẫn tinh thần. Do vậy, để phát huy hiệu quả tai mắt từ nhân dân, cần có cơ chế để khuyến khích việc tố giác tội phạm và phải có cơ chế để bảo vệ họ.

Vừa qua, Bộ Chính trị ban hành Kết luận về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Ông nhìn nhận thế nào về chủ trương này?

Tôi rất ủng hộ chủ trương trên của Bộ Chính trị. Cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung rất cần được bảo vệ. Có thể những việc làm của họ chưa phù hợp với các quy định, nhưng họ dũng cảm đi tiên phong, và điều quan trọng là họ làm vì lợi ích chung, mang lại hiệu quả cho xã hội, thì rất đáng quý, rất cần được bảo vệ, khuyến khích.

Tuy nhiên, cũng phải tránh tình trạng lợi dụng việc khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm để làm càn, làm bậy, đánh bóng tên tuổi, hoặc dám nghĩ, dám làm nhưng lại vì động cơ cá nhân, động cơ vụ lợi, chứ không phải vì lợi ích chung. Mọi hành vi lợi dụng chủ trương này để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật đều phải xử lý nghiêm.

Có thể nói, mọi hành vi của cán bộ đều khó lọt qua được tai mắt của nhân dân. Động cơ nào trong sáng, hành vi nào vụ lợi, nhân dân đều biết cả. Như thời gian qua, có những người lấy lý do làm từ thiện, nhưng lại đang có điều tiếng tư túi cá nhân. Tinh thần thiện nguyện vì cộng đồng là điều rất đáng quý, nhưng cũng không để họ lợi dụng điều này để trục lợi.

Do vậy, cơ quan chức năng cần phải làm rõ, xem có hành vi vụ lợi núp bóng việc kêu gọi từ thiện hay không. Cũng như trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 hiện nay, những cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung cần được bảo vệ, ngược lại, những hành vi lợi dụng dịch bệnh, trục lợi cá nhân phải bị trừng trị thích đáng.

Cảm ơn ông.

Nguồn TPO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục