BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chính phủ báo cáo Quốc hội về dự án bauxite Tây Nguyên

Cập nhật ngày: 25/05/2009 - 09:43

Báo cáo của Chính phủ do Bộ Công Thương xây dựng gửi tới các đại biểu Quốc hội về việc triển khai quy hoạch phát triển các dự án khai thác bauxite, sản xuất alumina và luyện nhôm tại Tây Nguyên khẳng định: đảm bảo các tiền đề vững chắc để triển khai có hiệu quả các dự án này.

Toàn văn Báo cáo của Chính phủ về việc triển khai các dự án bauxite

Quặng bauxite được thu gom trong quá trình san gạt mặt bằng khu công nghiệp Nhân Cơ

Báo cáo nêu rõ, việc lập, thẩm định và trình duyệt Dự án quy hoạch đã đảm bảo quy trình chặt chẽ, công khai và phù hợp quy định hiện hành. Tuy chưa có một Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược (ĐCM) riêng (do tại thời điểm xây dựng quy hoạch năm 2005-2006 chưa có hướng dẫn cụ thể về nội dung và kinh phí lập ĐCM), nhưng trong dự án Quy hoạch đã đề cập nội dung cơ bản của ĐCM và việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch là đảm bảo đúng Luật.

Về việc Quy hoạch bauxite không phải trình Quốc hội thông qua chủ trương, báo cáo cho biết, theo quy định tại Nghị quyết số 66/QH11 ngày 29.6.2006 của Quốc hội khoá 11 (Nghị quyết 66), chỉ có các dự án, công trình quan trọng quốc gia thì Chính phủ phải trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.

Quy hoạch bauxite cũng như nhiều quy hoạch khác (quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội các vùng, địa phương, quy hoạch các ngành kinh tế - kỹ thuật như ngành điện, dầu khí, khoáng sản, thép v.v...) không phải là dự án đầu tư, vì vậy không chịu sự điều chỉnh của Nghị quyết 66. Theo luật pháp hiện hành, thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng, quy hoạch phát triển ngành là Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp thu các ý kiến góp ý, trong bối cảnh có những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu hiện nay, Bộ Chính trị và Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo về việc điều chỉnh lại Quy hoạch bauxite.

Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Công Thương đang tiến hành việc rà soát tình hình triển khai các dự án, cập nhật tình hình và dự báo mới nhất về tác động của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, từ đó đề xuất điều chỉnh dự án Quy hoạch bauxite cùng với việc lập Báo cáo Đánh giá tác động môi trường chiến lược để trình duyệt theo quy định.

Các yêu cầu về an ninh, quốc phòng đối với 2 dự án bauxite Tân Rai, Nhân Cơ

Có một số ý kiến cho rằng Tây Nguyên là địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh theo như kết luận của Bộ Chính trị tại Thông báo số 245 - TB/TW, như vậy, dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ phải trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.

Về vấn đề trên, báo cáo của Chính phủ chỉ ra, theo tiêu chí thứ 4 trong Nghị quyết 66 của Quốc hội thì "Dự án, công trình đầu tư tại địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh" thuộc dự án quan trọng quốc gia.

Thông báo số 245-TB/TW ngày 24.4.2009 của Bộ Chính trị xác định: "Tây Nguyên là khu vực nhạy cảm, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh, quốc phòng cho cả trước mắt và lâu dài...". Đến nay, chưa có một quy định hoặc quyết định cụ thể nào của Quốc hội và Chính phủ "đưa Tây Nguyên vào địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh" điều chỉnh bởi Nghị quyết 66. Bởi vì nếu như vậy, thì được hiểu là tất cả các dự án ở Tây Nguyên, không phụ thuộc vào quy mô, tính chất cũng sẽ phải trình ra Quốc hội để thông qua chủ trương đầu tư.

Dù chưa có một quy định hoặc quyết định cụ thể nào "đưa Tây Nguyên vào địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh, đối với dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ (cũng như các dự án khai khoáng khác ở Tây Nguyên), trong quá trình khoanh định và bố trí diện tích thăm dò, khai thác và xây dựng các công trình công nghiệp phục vụ khai thác, chủ đầu tư đều phải xin ý kiến thoả thuận của các Bộ và địa phương (trong đó có cơ quan quốc phòng) về việc dự án không thuộc phạm vi diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia, di tích lịch sử - văn hoá và không ảnh hưởng đến khu vực phòng thủ quốc phòng...

Chỉ khi có văn bản thỏa thuận và xác nhận của các Bộ và địa phương liên quan, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới cấp Giấy phép thăm dò và khai thác.

Đến nay, đã có nhiều dự án công nghiệp đầu tư trên địa bàn Tây Nguyên (các dự án thuỷ điện, khai khoáng, chế biến nông - lâm sản...) và các dự án này đều phải thực hiện nguyên tắc nêu trên.

Bên cạnh đó, cả 2 dự án trên đều do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - doanh nghiệp nhà nước chủ chốt trong ngành khoáng sản làm chủ đầu tư, không phải dự án liên doanh với nước ngoài. Đối với dự án Nhà máy alumina Tân Rai, Công ty Chalieco, Trung Quốc chỉ là đơn vị trúng thầu thi công gói thầu EPC nhà máy alumina với thời hạn thi công 24 tháng, sau khi hoàn thành xây dựng (kèm theo việc đào tạo, chuyển giao công nghệ), nhà thầu Chalieco sẽ bàn giao cho phía Việt Nam tiếp nhận để quản lý, vận hành và rút toàn bộ lao động, trang thiết bị thi công về nước. Dự kiến nhà máy alumina Tân Rai sẽ đưa vào sản xuất cuối năm 2010 hoặc đầu 2011.

Báo cáo khẳng định 2 dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ do doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam tự đầu tư trên địa bàn Tây Nguyên, đã được địa phương và các Bộ, ngành liên quan thỏa thuận về vị trí, địa điểm (trong đó có liên quan đến an ninh, quốc phòng) đáp ứng các yêu cầu về an ninh, quốc phòng quốc gia và khu vực.

Tuy nhiên, trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và chủ đầu tư thời gian tới là phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong việc quản lý, giám sát hoạt động của nhà thầu cũng như việc quản lý lao động nước ngoài, phù hợp với các quy định của hợp đồng EPC nói riêng và luật pháp Việt Nam nói chung.

Với mong muốn cũng như quyết tâm triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án bauxite, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống bà con các dân tộc Tây Nguyên, Chính phủ đề nghị các đại biểu Quốc hội thường xuyên giám sát quá trình thực hiện các dự án bauxite.

(Theo chinhphu.vn)