Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chính phủ có thể giảm thuế để bình ổn giá
Thứ ba: 03:21 ngày 06/04/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng: Chính phủ kêu gọi sự đồng tâm, hiệp lực hơn nữa của mọi tầng lớp nhân dân, đồng thuận với chủ trương của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành.

HTML clipboard

 

Tại Hội nghị truyền hình trực tuyến với các địa phương và DNNN hôm 5.4 nhằm quán triệt và  triển khai các giải pháp của Chính phủ để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và bảo đảm tốc độ tăng trưởng, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, Chính phủ kêu gọi sự đồng tâm, hiệp lực hơn nữa của mọi tầng lớp nhân dân, đồng thuận với chủ trương của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành.

Khẳng định quyết tâm rất cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân để đạt mục tiêu chung cả năm, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đồng thời lưu ý về một số dấu hiệu ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững.
Đó là một số nơi chưa làm tốt công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành. Công tác kiểm soát nhập khẩu còn một số bất cập, thể hiện ở việc thiếu một chiến lược kiểm soát nhập khẩu chung, vẫn còn nhập khẩu hàng hoá kém phẩm chất, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay những mặt hàng trong nước sản xuất được.
Mạng lưới điểm bán hàng, hệ thống phân phối, nhất là những mặt hàng thiết yếu còn thiếu, năng lực hạn chế cũng là cơ hội cho việc đầu cơ, tăng giá quá mức. Tỷ lệ vốn huy động từ kênh ngân hàng chưa cao, chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu tăng trưởng cho hồi phục kinh tế. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán quy mô còn nhỏ, chưa trở thành kênh huy động chính của nền kinh tế, lại nhiều biến động…

Bảo đảm tăng trưởng 6,5%
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đề nghị, lãnh đạo các địa phương, các bộ, ngành không nên có tư tưởng vo tròn, ngại lên tiếng, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành bởi nếu năm 2010 không đạt được các chỉ tiêu quan trọng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch, chiến lược phát triển của những năm tiếp theo.
Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương, tập đoàn, tổng công ty không bi quan nhưng cũng không chủ quan, cần lường hết khó khăn để bình tĩnh đề ra các giải pháp tháo gỡ, giải quyết.
Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nhấn mạnh, mỗi lãnh đạo địa phương, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải xác định vai trò là người chỉ huy, là tư lệnh chỉ đạo, điều hành phù hợp với đặc điểm địa phương và đơn vị mình. Lường hết khó khăn để bình tĩnh đưa ra giải pháp
Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp bảo đảm kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và bảo đảm tốc độ tăng trưởng 6,5% đã đưa ra 7 giải pháp cụ thể: Tập trung kiềm chế lạm phát; thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán; bảo đảm nguồn lực thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội; bảo đảm ổn định, an toàn của hệ thống tài chính - ngân hàng; tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh công tác tư tưởng, thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận cao trong xã hội và việc tổ chức thực hiện và giải pháp về tổ chức thực hiện.
Đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, nhiều địa phương cũng như các tập đoàn, tổng công ty đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, thành phố sẽ tập trung triển khai 4 giải pháp chủ yếu, trong đó trước hết là tiếp tục tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế. Trong đó, sẽ tiến hành mở đường dây nóng cho các doanh nghiệp (DN), tăng cường đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với DN, tiến hành giao ban hàng quý, hỗ trợ DN trong xúc tiến mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.
Tương tự, TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ tập trung vào 8 nhóm giải pháp chủ đạo, trong đó có việc nắm bắt những khó khăn, qua đó tháo gỡ những vướng mắc của DN.
Một số địa phương như Thanh Hoá đề xuất bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo thực hiện những vấn đề vĩ mô, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo giải quyết các vấn đề cụ thể trong sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, khắc phục những tác động tiêu cực do hạn hán, thiên tai nhằm đảm bảo ổn định đời sống nhân dân. Đồng thời cần có những nghiên cứu kỹ hơn về cơ chế hình thành giá, cơ cấu giá, để các mặt hàng không tăng giá theo “phong trào”, tăng quá mức so với tỉ lệ tăng giá của các nguyên liệu đầu vào…
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Đức Đam cho rằng, hiện tại nguồn vốn dự trữ trong dân còn rất lớn, do đó Chính phủ cần tìm các giải pháp để huy động được nguồn vốn quan trọng này.
Lãnh đạo TP Đà Nẵng đề xuất, nên nghiên cứu lại lãi suất cho vay hiện nay. Thực tế với nguồn vốn trung và dài hạn, doanh nghiệp đã phải vay với lãi suất 18%, 19%, cá biệt có trường hợp hơn 20%, do đó nhiều doanh nghiệp đã không đầu tư sản xuất, thay vào đó vay vốn ngân hàng rồi cho vay lại, gây mất ổn định tình hình cung cầu vốn, thiếu hụt hàng hoá. Tỷ suất lợi nhuận của ngân hàng hiện quá cao, trong khi doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn để duy trì sản xuất.
Linh hoạt công cụ lãi suất
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động ban hành các chương trình, kế hoạch hành động của mình, triển khai quyết liệt thực hiện Nghị quyết của Chính phủ.
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan thông tấn báo chí có kế hoạch để triển khai công tác tuyên truyền, tư tưởng nhằm tạo sự đồng thuận trong toàn dân. Các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty chủ động cung cấp thông tin cho báo chí và cho nhân dân. Theo Phó Thủ tướng, đây được coi là một yếu tố quyết định việc thực hiện thành công các mục tiêu đề ra.
Đề cập những biện pháp cụ thể nhằm tập trung kiềm chế lạm phát, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đối với kiểm soát giá, trong đó có giá xăng dầu, trong năm nay có thể giảm thuế để tăng khả năng bình ổn giá. Giá than bán cho điện, giá điện bán cho dân, doanh nghiệp và cho sản xuất tiêu dùng không thay đổi.
Yêu cầu phải tìm cách giảm lãi suất ngân hàng đến mức thị trường có thể chấp nhận, Phó Thủ tướng lưu ý đến vai trò của các ngân hàng quốc doanh. Ngân hàng Nhà nước cần sử dụng linh hoạt công cụ lãi suất để cung ứng lượng tiền cần thiết với mặt bằng lãi suất thấp hơn. Bên cạnh đó, phải điều hành nội, ngoại tệ một cách linh hoạt để đảm bảo hai đồng tiền này không lệch pha nhau cả về lãi suất, dự trữ…, và cố gắng đảm bảo ổn định tỷ giá từ nay đến cuối năm.
Về cung cầu hàng hoá, nhất là những mặt hàng thiết yếu cho đời sống của người dân và cho sản xuất, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo đảm bảo cân đối cung cầu, kiểm soát hệ thống phân phối hàng hoá, không để tăng giá bất hợp lý, kiên quyết nghiêm trị hành vi nâng giá “té nước theo mưa”. Đồng thời, thực hiện tốt hơn nữa cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi, giám sát thông tin, kiểm soát cho được các thị trường chứng khoán, tín dụng, bất động sản; công ty tài chính, tín dụng, bảo hiểm, luồng tiền vãng lai…
Về đẩy mạnh xuất khẩu, cân bằng cán cân thanh toán, Phó Thủ tướng yêu cầu, phải tìm mọi biện pháp để đẩy mạnh xuất khẩu, xuất khẩu càng tăng, tỷ trọng nhập siêu càng giảm, GDP càng có điều kiện tăng trưởng. Riêng đối với kiểm soát nhập khẩu, theo Phó Thủ tướng phải sử dụng hợp lý nhiều biện pháp, gồm cả biện pháp phi thị trường, phi thuế quan, các biện pháp kỹ thuật mà thông lệ quốc tế cho phép…
Phó Thủ tướng cũng lưu ý đến các giải pháp về huy động nguồn lực, trong đó các địa phương cố gắng tăng tối thiểu 10% thu ngân sách, đồng thời huy động trái phiếu Chính phủ để đáp ứng nhu cầu chi tiêu, tích cực giải ngân vốn ODA, FDI.
Lưu ý cần thực hiện việc đảm bảo tăng trưởng dư nợ tín dụng trong mức cho phép, Phó Thủ tướng yêu cầu những khoản chi ngân sách của các địa phương, các tập đoàn, tổng công ty phải tiếp tục được điều chỉnh để tập trung vào những mục tiêu có hiệu quả.

(Theo Vietnamnet)

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục