Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chính phủ đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng
Thứ tư: 14:58 ngày 20/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Thủ tướng đánh giá, mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra 6,8% cho năm 2020 là thách thức lớn và khó đạt được.

Phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV sáng 20/5 được thực hiện qua cầu truyền hình từ Hà Nội đến 63 đoàn đại biểu các tỉnh, thành. Những đại biểu có mặt tại hội trường Diên Hồng, Ba Đình ngồi cách nhau một ghế.

Hình thức họp Quốc hội trực tuyến lần đầu tiên được tổ chức trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Covid-19 đã tác động rất mạnh tới tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. So với thời điểm cuối năm 2019, tình hình có sự thay đổi rất lớn, khó khăn hơn nhiều. 

Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2020, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP, thu - chi ngân sách, bội chi, nợ công... "Các chỉ tiêu cụ thể sẽ được Chính phủ báo cáo Quốc hội sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị", Thủ tướng nói.

Trước kỳ họp, Chính phủ đã gửi tới Quốc hội báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và tình hình triển khai kế hoạch 2020. Trong báo cáo này, Chính phủ đề xuất mục tiêu GDP năm 2020 tăng khoảng 4,5%, giảm 2,3 điểm phần trăm so với mục tiêu Quốc hội giao 6,8%. Nếu tình hình thế giới thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát, thị trường hồi phục tốt hơn thì phấn đấu mức tăng GDP là 5,4%.

Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2020 khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4%, giảm 3% so với mục tiêu Quốc hội đưa ra. Tổng thu ngân sách nhà nước giảm 163.000 tỷ đồng so với dự toán được giao. Bội chi ngân sách nhà nước bằng khoảng 4,75% GDP, tăng 1,31% so với mục tiêu. Nợ công bằng khoảng 55,5% GDP, tăng 3,2% so với mục tiêu.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo tại phiên khai mạc Quốc hội sáng 20/5. Ảnh: Hoàng Phong.

Kiến nghị của Chính phủ được đưa ra trên tinh thần "nhìn thẳng vào thực trạng kinh tế xã hội, phân tích, đánh giá kỹ các chỉ tiêu, cân đối lớn của kinh tế vĩ mô".

Thẩm tra báo cáo, Uỷ ban Kinh tế cũng nhất trí với việc đánh giá lại các chỉ tiêu, các cân đối lớn của nền kinh tế năm 2020 và giai đoạn 2016-2020; các kịch bản phát triển kinh tế, xã hội trong ngắn hạn, dài hạn trong đó có kịch bản dự báo chưa thể khống chế dịch bệnh năm 2020. 

"Các chính sách kinh tế, chính sách tài chính, ngân sách, tín dụng để kích thích sản xuất và khắc phục hậu quả Covid-19 phải bảo đảm đúng đối tượng, liều lượng và thời điểm, tính toán kỹ khả năng hấp thụ của nền kinh tế", ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nói.

Phát biểu khai mạc trước đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc kịp thời chỉ đạo các cấp tập trung phòng, chống dịch bệnh và triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Đến nay, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được bệnh dịch, ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng. Các giải pháp ứng phó của Việt Nam được quốc tế đánh giá cao. 

Giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh, nhiều nước tăng trưởng âm, tốc độ tăng trưởng GDP quý I của Việt Nam vẫn đạt khoảng 3,82%; đời sống người dân vẫn được bảo đảm; an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Việt Nam tiếp tục làm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế...

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp. Ảnh: Hoàng Phong.

"Thắng lợi bước đầu này là kết quả của tinh thần quyết tâm cao, sự thống nhất trong hành động và ý chí vươn lên của cả hệ thống chính trị; thể hiện sức mạnh đoàn kết, truyền thống yêu nước, tính ưu việt của chế độ và tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước", bà Ngân nói.

Kỳ họp thứ 9 được tổ chức thành 2 đợt, trong đó đợt một họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 đoàn đại biểu ở các tỉnh, thành 20/5 đến ngày 29/5. Đợt hai, họp tập trung tại Nhà Quốc hội như các kỳ họp trước đây, từ ngày 8/6 đến ngày 18/6.

Ngoài việc thảo luận tìm giải pháp phát triển kinh tế, xã hội, ứng phó dịch bệnh, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, nhiều dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 6 dự án luật khác; phê chuẩn 03 điều ước quốc tế; giám sát chuyên đề "việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em"; xem xét các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia... 

Quốc hội dự kiến miễn nhiệm Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, sau khi ông được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hà Nội; miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải để chờ nhận công tác mới. Theo nguồn tin, bà Hải dự kiến được luân chuyển làm Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên.

Việc chất vấn, trả lời chất vấn sẽ không thực hiện trực tiếp tại phiên họp toàn thể, thay vào đó các đại biểu gửi chất vấn bằng văn bản đến các Bộ trưởng, trưởng ngành. 

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục