Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 4.2009: Kinh tế - xã hội có chuyển biến tích cực
Thứ ba: 07:41 ngày 05/05/2009

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong hai ngày 4-5.5, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 4.2008 để xem xét tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm, những vấn đề cần tập trung chỉ đạo; đánh giá tác động sau 2 năm Việt Nam gia nhập WTO.

Trong hai ngày 4-5.5, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 4.2008 để xem xét tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm, những vấn đề cần tập trung chỉ đạo; đánh giá tác động sau 2 năm Việt Nam gia nhập WTO.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Các Bộ, ngành địa phương cần tiếp tục nỗ lực thực hiện quyết liệt Kết luận của Bộ Chính trị về các giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2009

Các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng: Nhờ nỗ lực của các cấp, các ngành, sự đồng tâm hiệp lực, chung sức chung lòng của các tầng lớp nhân dân, trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2009, mặc dù chịu tác động của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới, các nền kinh tế lớn như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản đều suy giảm, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục có chuyển hướng tích cực, khá rõ nét trong hầu hết các ngành, lĩnh vực.

Sản xuất công nghiệp tăng liên tục trong 3 tháng qua; giá trị sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 3,1%, tính chung cả 4 tháng đầu năm tăng 3,3%. Hai trung tâm kinh tế lớn là thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội đều có mức tăng công nghiệp cao hơn so với tháng 3. Một số địa phương có mức tăng khá cao, như Bà Rịa – Vũng Tầu tăng 10,1%, Quảng Ninh tăng 9%, Hải Phòng tăng 7,1%...

4 tháng đầu năm, tình hình thời tiết tương đối thuận lợi, trời ấm, đủ nước, dịch bệnh cây trồng, vật nuôi được kiểm soát…nhờ đó sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm ổn định, khai thác hải sản đạt kết quả tốt, vụ đông xuân thắng lợi, đời sống nhân dân được cải thiện.

Thông qua các chính sách kích cầu đầu tư, doanh thu hàng hóa bán lẻ và sức mua của nhân dân tăng mạnh; kim ngạch xuất khẩu tháng 4 đạt 4,5 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu tháng 4/2009 đạt 5,2 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong 4 tháng đầu năm đạt 2,2 tỷ USD.

Hoạt động du lịch diễn ra sôi động. Đặc biệt mạng lưới dịch vụ bưu chính viễn thông phát triển mạnh mẽ. Tổng số thuê bao điện thoại phát triển mới trong 4 tháng đầu năm đạt 7,25 triệu thuê bao điện thoại, nâng tổng số thuê bao trên toàn quốc lên 89,5 triệu thuê bao, đạt mật độ 103,3 máy/100 dân.

Kinh tế vĩ mô được kiểm soát; giá cả ổn định, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 so với tháng trước tăng 0,35%; tăng tín dụng, thị trường chứng khoán có chuyển biến tích cực; giá trị giao dịch cổ phiếu trong tháng 3 và tháng 4 tăng lên đáng kể; thu ngân sách đạt tốc độ tăng khá, tăng 11,3% so với tháng trước. Các lĩnh vực giáo dục, xã hội, an sinh đều đạt được kết quả khá tốt… Chính phủ ban hành một loạt chính sách trợ giúp người nghèo, huyện nghèo, đối tượng có thu nhập thấp. Quốc phòng, an ninh, trật tư được đảm bảo, chính trị - xã hội ổn đinh; tai nạn giao thông giảm.

Cần tăng cường thực hiện các giải pháp đồng bộ

Phiên họp Chính phủ tập trung bàn các biện pháp triển khai các giải pháp ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế đảm bảo an sinh xã hội, theo Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân; các ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất 4% đối với các khoản cho vay tín dụng đầu tư vào sản xuất kinh doanh, hỗ trợ nông dân mua máy móc thiết bị vật tư nông nghiệp, mở rộng đối tượng được bảo lãnh là doanh nghiệp có vốn dưới 20 tỷ đồng.

Thủ tướng lưu ý: Nền kinh tế Việt Nam gắn chặt với nền kinh tế thế giới, dự báo suy giảm kinh tế thế giới có dấu hiệu chậm lại, nhưng bảo hộ mậu dịch một số nước tăng lên…do vậy để thực hiện được các mục tiêu và chỉ tiêu phát triển năm 2009, các Bộ, ngành địa phương cần tiếp tục nỗ lực thực hiện quyết liệt Kết luận của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2009 và các giải pháp chủ yếu đến cuối năm 2009; các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội năm 2009, ngăn chăn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Thủ tướng cho rằng, Chính phủ đã ban hành đồng bộ các giải pháp và cơ bản đã đầy đủ, tuy nhiên các chính sách, giải pháp này triển khai trong thực tế chậm, nhất là giải ngân trong đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước vừa thấp, vừa chậm.

Thủ tướng thông báo: Chính phủ đã quyết định bổ sung 20 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, nâng tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản lên 64 nghìn tỷ, do vậy các Bộ, ngành, địa phương phải đẩy mạnh giải ngân; đồng thời phải tăng cường kiểm tra, giám sát, “Các công trình kết cấu hạ tầng cấp bách đang dang dở phải hoàn thành trong năm 2009”, Thủ tướng yêu cầu.

Trước tình hình dịch cúm A/H1N1 lan rộng ở nhiều nước trên thế giới, Thủ tướng giao Bộ Y tế tăng cường ngăn chặn dịch bệnh, nhất là dịch cúm A/H1N1, đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo cho nhân dân, giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu. Các bộ ngành, địa phương tăng cường phòng chống thiên tai, bão lụt. Các cơ quan chức năng chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan thông tin truyền thông để làm tốt công tác thông tin tuyên truyền; giải quyết tốt công tác khiêu nại tố cáo cho nhân dân.

Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4.2009

Gia nhập WTO, thành công bước đầu và những thách thức mới

Tại phiên họp, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đã trình Chính phủ báo cáo về tác động hội nhập đối với nền kinh tế Việt Nam sau 2 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) do Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trình.

Các thành viên Chính phủ nhận định, 2 năm qua, từ khi Việt Nam gia nhập WTO, thương mại, đầu tư tăng cao: Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu đạt 48,6 tỷ USD, tăng 21,9% so với năm 2006, năm 2008, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 62,9 tỷ USD, tăng tới 29,5% so với năm 2007. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội (theo giá thực tế) năm 2007 đạt 521,7 nghìn tỷ đồng, băng 45,6% GDP; năm 2008 đạt 637,3 nghìn tỷ đồng, bằng 43,1% GDP.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng kỷ lục. Vốn đầu tư trực tiếp (FDI) thực hiện năm 2007 đạt trên 129,3 ngìn tỷ đồng (tương đương 8 tỷ USD), chiếm tới 24,8% tổng đầu tư toàn xã hội, cao hơn rất nhiều so với các năm trước. Vốn FDI thực hiện tiếp tục tăng, ước đạt 189,9 nghìn tỷ đồng (tương đương 11,3 tỷ USD), chiếm 29,8% tổng vốn đầu tư. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tỷ trọng công nghiệp – xây dựng và giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2007 đạt 8,5%, năm 2008 đạt 6,2%.

Điều hành kinh tế vĩ mô nhìn chung được đảm bảo; chính sách về tiền tệ thực hiện linh hoạt theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm kiểm soát tỷ giá, lãi suất. Hai năm 2006 – 2007 đã chứng kiến sự bùng nổ các hoạt động tài chính, ngân hàng song khu vực ngân hàng thương mại nhà nước vẫn duy trì vai trò chi phối.

Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ngày càng được hoàn thiện; góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; an ninh, quốc phòng, trật tự được đảm bảo; chính trị, xã hội ổn định. Tuy nhiên việc gia nhập WTO chưa để lại dấu ấn đáng kể đối với tạo việc làm trong năm 2007 và 2008. Số lao động có việc làm trong 2 năm qua chỉ tăng hơn 2,0%.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Chính phủ cho rằng, mặc dù đạt được nhiều thành tựu đáng kể , nhưng 5 thách thức mà Hội nghị lần thứ 4, Ban chấp hành trung ương khóa X nhận định vẫn là những vấn đề bức xúc của nền kinh tế ta. Nhất là chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế có cải thiện, nhưng năng lực cạnh tranh toàn cầu của doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam còn thấp. Việc thực thi thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn lúng túng. Quản trị doanh nghiệp còn nhiều bất cập, năng lực dự báo, phản ứng chính sách còn chậm. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng có bước phát triển, nhưng còn hạn chế. Nguồn nhân lực tuy có cố gắng song lao động qua đào tạo cao đẳng, đại học, học nghề còn rất thấp.

Để việc gia nhập WTO có hiệu quả cao, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, Chính phủ cho rằng phải chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, đi liền với xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ. Hội nhập phải đi liền quản lý của Nhà nước. Phải phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế đi liền với bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh, ổn định chính trị. Trong đó cần chú trọng hoàn thiện thể chế kinh tế thị thị trường định hướng XHCN; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và của cả nền kinh tế; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao và đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về WTO.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ trên cơ sở đóng góp của các thành viên Chính phủ hoàn thiện báo cáo “Tác động hội nhập đối với nền kinh tế sau 2 năm Việt Nam gia nhập WTO” trình Bộ Chính trị.

Cũng trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4.2009, các thành viên Chính phủ xem xét, đóng góp ý kiến Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Quốc hội về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường; dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 90/2001/NĐ-CP về trợ giúp phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; kết quả thực hiện Nghị quyết 30/2008/NQ-CP của Chính phủ về triển khai các giải pháp ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 3.2009 và việc thực hiện Đề án 30 về đơn giản hoá thủ tục hành chính; dự án Luật Bưu chính.

(Theo chinhphu.vn)

Từ khóa:
Tin liên quan