Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Theo dự báo được đưa ra tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8.2010, tăng trưởng GDP năm 2010 sẽ đạt khoảng 6,7%, vượt chỉ tiêu 6,5% đã được Quốc hội thông qua.
Các thành viên Chính phủ có chung nhận định, tốc độ tăng trưởng GDP của quý III và quý IV/2010 sẽ tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng quý I, quý II/2010. |
Trong hai ngày 30- 31.8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Trương Vĩnh Trọng, Phạm Gia Khiêm, Nguyễn Thiện Nhân, Hoàng Trung Hải, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8.2010.
Xu thế phục hồi kinh tế khá rõ ràng
Các thành viên Chính phủ cho rằng, KT - XH tháng 8.2010 và 8 tháng đầu năm tiếp tục phát triển theo chiều hướng tích cực. Các Bộ, ngành, địa phương thực hiện có kết quả mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18/NQ – CP ngày 6.4.2010 và Nghị quyết các phiên họp thường kỳ của Chính phủ.
Tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm đạt trên 44,5 tỷ USD, tăng 19,7 % so với cùng kỳ năm trước, gấp hơn 3 lần so với kế hoạch được Quốc hội thông qua. Nhập siêu tháng 8.2010 giảm còn 0,9 tỷ USD, bằng 15% kim ngạch xuất khẩu. So với tháng 12.2009, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8.2010 tăng 5,08%.
Giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 504 nghìn tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với kế hoạch cả năm.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 8 tháng đầu năm thực hiện 7,25 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2009.
Trong xu thế phục hồi kinh tế khá rõ ràng, các thành viên Chính phủ có chung nhận định, tốc độ tăng trưởng GDP của quý III và quý IV/2010 sẽ tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng quý I, quý II/2010 do sản xuất trong nước lấy lại được đà tăng trưởng và thương mại toàn cầu đang tăng trưởng nhanh.
Dự báo tăng trưởng GDP quý III/2010 đạt khoảng 7,18% và cả năm 2010 tăng khoảng 6,7%, vượt chỉ tiêu trên 6,5% đã được Quốc hội thông qua.
Tuy nhiên, theo các thành viên Chính phủ, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn thách thức. Giá cả trên thị trường thế giới có xu hướng tăng, gây áp lực đến mặt bằng giá cả trong nước, đặc biệt là các tháng cuối năm.
Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vẫn gặp một số khó khăn trong huy động vốn do lãi suất cho vay của các ngân hàng còn ở mức khá cao; thiên tai, bão lũ và dịch bệnh vẫn có nguy cơ lây lan và diễn biến khá phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân…
Thực hiện nghiêm các giải pháp đã đề ra
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc các giải pháp trong Nghị quyết 03/NQ-CP và Nghị quyết 18/NQ – CP và Nghị quyết các Phiên họp Chính phủ để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của kế hoạch phát triển KT - XH năm 2010.
Thủ tướng đồng ý với các đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về một số giải pháp cần tập trung trong các tháng cuối năm.
Theo đó, trung ương và địa phương tiếp tục tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn, mặt bằng sản xuất; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước; thường xuyên rà soát, xử lý các vướng mắc đối với từng dự án cụ thể để đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư, trước hết là vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA.
Các địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản và cây trồng, đặc biệt là dịch tai xanh đang bùng phát ở phía Nam. Bên cạnh đó, cần tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, sớm khôi phục cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội đối với vùng bị ảnh hưởng của mưa, lũ và cơn bão số 1, số 2, số 3 gây ra.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát, tháo gỡ cơ chế chính sách, thủ tục cho phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường truyền thống và thị trường mới có nhiều tiềm năng.
Về chính sách tiền tệ, cần điều chỉnh lãi suất tín dụng phù hợp với khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp, điều hành tỷ giá ngoại tệ linh hoạt theo hướng ổn định, phù hợp với các cân đối vĩ mô và tăng dự trữ ngoại tệ.
Đồng thời, thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát giá cả, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về quản lý giá, hạn chế đến mức thấp nhất việc tăng giá trong các tháng cuối năm.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đồng thời chỉ đạo chuẩn bị tốt cho các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc các giải pháp đã đề ra. |
Phát triển KT – XH giai đoạn 2011 - 2015: Tăng trưởng nhanh và bền vững
Một nội dung quan trọng của phiên họp Chính phủ lần này là thảo luận, thông qua Báo cáo kế hoạch phát triển KT – XH năm 2011 và kế hoạch phát triển KT – XH 5 năm 2011 – 2015 trước khi trình Bộ Chính trị, Quốc hội xem xét, phê duyệt.
Thủ tướng và các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng, trong năm 2011 và giai đoạn 2011 – 2015 cần tập trung phấn đấu quyết liệt phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững trên cơ sở tiếp tục chuyển đổi cơ cấu, tái cấu trúc nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và chủ động hội nhập quốc tế, tạo nền tảng để đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Trong đó chú trọng tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực; chú trọng đào tạo để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế; tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo.
Bên cạnh đó, cần phát triển mạnh mẽ hệ thống kết cấu hạ tầng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN…
Phát triển mạnh khoa học công nghệ và tăng nhanh hàm lượng khoa học và công nghệ cao trong sản phẩm, đồng thời tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên môi trường và chủ động ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu.
Trong giai đoạn tới, cần tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội. Năm 2011 nỗ lực phấn đấu tăng GDP khoảng 7,5% và giảm 2% hộ nghèo mỗi năm trong giai đoạn 2011 – 2015.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhắc nhở Bộ Công Thương, ngành điện lực Việt Nam chú trọng công tác quy hoạch, đảm bảo cân đối điện, không để xảy ra tình trạng thiếu điện, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và tiêu dùng.
Tại Phiên họp, các thành viên Chính phủ đã thảo luận về một số dự án Luật, Pháp lệnh.
(Theo chinhphu.vn)