BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chính phủ họp trực tuyến: Đánh giá kết quả kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm

Cập nhật ngày: 04/07/2012 - 05:15

(BTN)- Ngày 2.7.2012, tại Hà Nội, Chính phủ tiến hành họp trực tuyến thường kỳ tháng 6.2012. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có các bộ, ngành Trung ương và 63 tỉnh, thành trong cả nước tại đầu cầu các địa phương. Tại “đầu cầu” Tây Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ; các Phó chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành tỉnh tham dự hội nghị.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư về tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm 2012 cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, các cấp, các ngành, các địa phương đã tập trung triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách Nhà nước, kế hoạch đầu tư phát triển năm 2012, Nghị quyết số 01/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu về phát triển KT-XH và ngân sách năm 2012.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự hội nghị tại đầu cầu tỉnh Tây Ninh

Nhờ thực hiện mạnh mẽ và đồng bộ các biện pháp kiềm chế lạm phát như: Thắt chặt tiền tệ, quản lý chặt chẽ chi tiêu và giảm bội chi ngân sách Nhà nước, cắt giảm vốn đầu tư và đổi mới nâng cao hiệu quả đầu tư công… nên tốc độ tăng giá liên tục giảm; chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng tăng 2,52%. Tổng thu NSNN bằng 42,8% dự toán; tổng chi NSNN bằng 41,7% dự toán. Xuất khẩu tăng 22,2% so cùng kỳ; nhập khẩu tăng 6,9%; nhập siêu bằng 1,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 34,5% GDP, tăng 10,1%. Tốc độ tăng GDP ước đạt 4,38%...

Đối với tỉnh Tây Ninh, báo cáo của Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2012, tổng diện tích gieo trồng hơn 167.000 ha, bằng 97,1% so cùng kỳ, tổng giá trị nông-lâm-thuỷ sản đạt gần 3 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2%. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 5.347 tỷ đồng, tăng 14,4%. Giá trị các ngành dịch vụ ước đạt 4.934 tỷ đồng, tăng 11,9%. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6.2012 so với tháng 12.2011 tăng 2,75%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 653 triệu USD, tăng 31,8%; nhập khẩu đạt 343 triệu USD, tăng 3,7%. Đầu tư phát triển ước đạt 5.799 tỷ đồng, bằng 29,1% GDP, tăng 32,2%. Thu hút  hơn 122 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, có 19 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Tổng thu NSNN đạt 2.328 tỷ đồng, đạt 51,75% kế hoạch, tăng 12,45% so cùng kỳ (bình quân thu ngân sách cả nước 42,8%); tổng chi ngân sách 1.889 tỷ đồng, đạt 37,53% KH, tăng 31,52%. Tổng sản phẩm GDP toàn tỷnh tăng 10,8%...

Các tỉnh, thành thảo luận, đóng góp ý kiến, kiến nghị Chính phủ những vấn đề liên quan đến từng địa phương; các bộ, ngành Trung ương giải trình, cho ý kiến về những vấn đề cụ thể để từng địa phương tháo gỡ khó khăn.

Chính phủ thống nhất đánh giá: Tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm 2012 có chuyển biến tích cực, đúng hướng. Các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục phát huy hiệu quả. Chỉ số giá tiêu dùng giảm mạnh; Kim ngạch xuất khẩu tăng cao so kế hoạch; Lãi xuất giảm, dư nợ tín dụng tăng dần trở lại, thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện, tỷ giá tương đối ổn định, dự trữ ngoại hối tăng. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, năng suất lúa đông xuân cao hơn năm trước; Khó khăn trong sản xuất công nghiệp dần được tháo gỡ, chỉ số tồn kho có xu hướng giảm dần. Hoạt động du lịch diễn ra sôi động, lượng khách quốc tế tăng mạnh. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội cơ bản được bảo đảm; tai nạn giao thông giảm; quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị- xã hội ổn định; các hoạt động văn hoá, thông tin, thể thao tiếp tục phát triển.

Tuy nhiên, tình hình KT-XH vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, tăng trưởng kinh tế thấp, chỉ số tồn kho còn ở mức cao, số doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động tăng; thu NSNN đạt thấp; đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn; tệ nạn xã hội và trật tự xã hội còn bức xúc ở một số nơi.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tăng sức mua, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hoá nhưng không làm bất ổn kinh tế vĩ mô và lạm phát trở lại. Chủ động điều hành kiềm chế lạm phát, linh hoạt trong chính sách tiền tệ phù hợp với các cân đối vĩ mô; ưu tiên tín dụng đối với doanh nghiệp trong một số lĩnh vực; đẩy nhanh việc giảm lãi suất cho vay phù hợp với mức giảm chỉ số tiêu dùng; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 13/NQ-CP về chính sách ưu đãi với các doanh nghiệp. Thực hiện tốt, có hiệu quả việc bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an ninh, quốc phòng, tăng cường phòng chống tham nhũng.

KHẮC LUÂN