BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chính phủ họp với địa phương triển khai Nghị quyết Quốc hội về phát triển KT- XH 2011

Cập nhật ngày: 30/12/2010 - 09:52

Sáng 30.12, Chính phủ bắt đầu họp với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng chủ trì Hội nghị.

Trong buổi sáng 30.12, Hội nghị tập trung phân tích, đánh giá tình hình về kết quả thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-CP và Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 6.4.2010 về những giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát tăng cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010.

Các thành viên sự Hội nghị đều có chung nhận định: Với những giải pháp quyết liệt về chỉ đạo, điều hành vĩ mô ngay từ đầu năm 2010 của Chính phủ, nền kinh tế đất nước đã có sự phục hồi rõ nét ở hầu hết các ngành kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho rằng, nhờ thực hiện đồng bộ và có hiệu quả những giải pháp của Chính phủ đã đề ra, kinh tế đất nước đã sớm ra khỏi tình trạng suy giảm, từng bước phục hồi và tăng trưởng khá cao, với mức tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước.

Môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế. Năm 2010, có khoảng 84 nghìn doanh nghiệp dân doanh thành lập mới với vốn đăng ký khoảng 1.300 tỷ đồng góp phần quan trọng phát triển sản xuất kinh doanh và tạo thêm nhiều việc làm mới.

Đối với công tác quản lý, điều hành, kiểm soát giá cả, hàng hoá năm 2010, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, Bộ đã phối hợp cùng Bộ Công Thương điều chỉnh một bước giá theo lộ trình giá thị trường đối với điện, xăng dầu… Khi tình hình thị trường, giá cả thế giới và trong nước có biến động theo xu hướng tăng, Bộ Tài chính đã cùng với các Bộ, ngành trực tiếp thực hiện và chỉ đạo các địa phương kiểm soát phương án giá, mức giá của những hàng hoá, dịch vụ Nhà nước còn định giá; hàng hoá, dịch vụ được Ngân sách Nhà nước Trung ương và địa phương đặt hàng, giao nhiệm vụ sản xuất phục vụ các chương trình, mục tiêu quốc gia, hàng dự trữ Nhà nước…

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng nhằm kiểm soát tốc độ tăng trưởng phương tiện thanh toán khoảng 20%, tín dụng khoảng 25%, lãi suất và tỷ giá ở mức cân bằng với các điều kiện và mục tiêu kinh tế vĩ mô.

Hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục tăng trưởng (tổng tài sản có tăng 28%), đảm bảo an toàn thạn toán; hầu hết các TCTD có lãi, năng lực quản trị kinh doanh được nâng cao, có tỷ lệ an toàn hoạt động kinh doanh phù hợp với quy định của NHNN; Lãi suất huy động và cho vay của các TCTD giảm dần trong 10 tháng đầu năm, phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo kiểm điểm sự chỉ đạo điều hành năm 2010 và xây dựng chương trình công tác năm 2011 của Chính phủ.

Một điểm nổi bật vào những tháng cuối năm 2010 và việc điều hành can thiệp nhằm ổn định thị trường vàng và tiền tệ. NHNN đã cho phép một số Ngân hàng Thương mại và doanh nghiệp nhập khẩu vàng, bởi vậy, giá vàng trong nước giảm mạnh, về sát giá thế giới, tâm lý người dân ổn định trở lại. NHNN cũng đã điều chỉnh tăng 1% đối với mức lãi suất chủ đạo, bán can thiệp chọn lọc cho một số mặt hàng thiết yếu để bình ổn thị trường ngoại hối và thị trường vàng.

Bên cạnh đó, tham luận của các thành viên Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá về một số vấn đề còn tồn tại trong tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội năm 2010. Cùng với lãnh đạo các địa phương, các Bộ trưởng phân tích về những nhược điểm cố hữu của nền kinh tế như thâm hụt ngân sách và thương mại, hiệu quả đầu tư thấp…

Các báo cáo cũng tập trung làm rõ, đưa ra những vấn đề đề xuất cần tập trung cải thiện trong điều hành phát triển như tăng trưởng nhanh hơn về công nghiệp, phân tích, tìm được các nguyên nhân lạm phát để có giải pháp phù hợp khắc phục, các giải pháp để ổn định một loạt các vấn đề “nóng” về lãi suất, thị trường liên ngân hàng, cũng như khắc phục tình trạng vàng hoá, USD hoá trong dân cư...

 

* Chiều 30.12, Hội nghị Chính phủ triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2011 đã tập trung thảo luận, cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về chỉ đạo, điều hành phát triển KTXH và ngân sách năm 2011.

Nhận rõ thời cơ và thách thức

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, bước vào năm 2011, thế và lực nước ta đã khác nhiều: Các chỉ tiêu cân đối lớn cơ bản được đảm bảo, sức cạnh  tranh của nền kinh tế thể hiện ở xuất khẩu tăng trưởng cao, công nghiệp đã lấy lại mức tăng trưởng trước khủng hoảng... Việt Nam tiến được 16 bậc trong bảng xếp hạng cạnh tranh, đứng 59 trên 140 nước, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tìm đến Việt Nam...

" Chúng ta chưa bao giờ có thời cơ lớn như hiện nay", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, phân tích những thách thức cũng như những tồn tại, yếu kém dự báo sẽ tác động bất lợi, gây khó khăn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Nền kinh tế thế giới vẫn đang trong thời kỳ hậu khủng hoảng, giá cả tăng, tác động mạnh tới bài toán cân đối vĩ mô, gây khó khăn cho động lực tăng trưởng là xuất khẩu, đầu tư của nước ta.

Ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát là mục tiêu số 1

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh 4 nhóm mục tiêu lớn trong công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong năm 2011.

Trước hết, ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát là mục tiêu số 1, nhất quán trong chủ trương điều hành kinh tế - xã hội năm 2011.

Mục tiêu lớn thứ hai là đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng nền kinh tế, tạo sự phát triển nhanh, bền vững với mức tăng trưởng GDP từ 7 đến 7,5%.

Đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân được xác định là mục tiêu thứ ba.

Mục tiêu lớn thứ tư là tiếp tục giữ vững, ổn định an ninh quốc phòng, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

“Đây là 4 mục tiêu nhất quán với nhau. Nói khái quát, đây là một bước chuyển hướng phát triển từ số lượng sang chất lượng trên các mặt của đời sống KTXH”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng trình bày dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về chỉ đạo, điều hành phát triển KTXH và ngân sách năm 2011.

7 nhóm giải pháp trọng tâm

Thảo luận về 7 nhóm giải pháp trọng tâm trong điều hành, chỉ đạo phát triển KT-XH năm 2011 được nêu trong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, các ý kiến tham luận từ các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương đều cho rằng, hơn lúc nào hết, bước sang năm 2011 chính sách tiền tệ phải hết sức chủ động, nắm chắc tình hình để điều hành chủ động, linh hoạt và thận trọng để vừa kiềm chế lạm phát, vừa đảm bảo khả năng thanh khoản và cung ứng tài chính cho yêu cầu phát triển của nền kinh tế.

Hội nghị cũng quan tâm tới bài toán kiểm soát giá cả làm sao vừa bảo đảm phù hợp với các quy định hội nhập kinh tế quốc tế, vừa bảo đảm cân đối hàng hoá, giảm hơn nữa nhập siêu, tiến tới cân bằng cán cân thanh toán.

Hội nghị thống nhất chủ trương hạn chế đầu tư công, không đầu tư dàn trải, rà soát lại danh mục đầu tư để tập trung vốn cho những công trình, dự án hiệu quả, có thể hoàn thành ngay trong năm, đồng thời xem xét, đình hoãn một số dự án chưa cần thiết, ưu tiên các công trình hạ tầng phục vụ an sinh xã hội.

Liên quan đến nhóm giải pháp thay đổi mô hình tăng trưởng, các ý kiến thảo luận nêu lên những đề xuất về đổi mới cơ cấu sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

 7 nhóm giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011:

1. Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

2. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

3. Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn lực nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ.

4. Bảo đảm an sinh xã hội gắn với thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ, bảo đảm đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân.

5. Tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

6. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường phòng, chống tham nhũng.

7.  Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

(Theo chinhphu.vn)