BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chính phủ sẽ sát cánh cùng doanh nghiệp phục hồi sản xuất 

Cập nhật ngày: 22/09/2021 - 10:58

BTNO - Sáng 20.9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp để lắng nghe, trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp phục hồi hoạt động trong tình hình dịch bệnh Covid-19.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh.

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong và các đơn vị liên quan.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, tính đến cuối tháng 8.2021, cả nước có 563 khu công nghiệp nằm trong Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam. Trong đó, có 291 khu công nghiệp đi vào hoạt động.

Trong 8 tháng năm 2021, tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển đạt khoảng 140 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp đạt khoảng 100,7 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 47,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 96,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Qua đó cho thấy, mặc dù đại dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh trên cả nước nhưng các doanh nghiệp này vẫn nâng cao tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng với tình hình mới, duy trì sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Từ phản ánh của các địa phương, doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp thành 7 nhóm vấn đề khó khăn, thách thức mà các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp phải đối mặt. Có thể kể đến là các hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước tại Việt Nam tiếp tục bị trì hoãn, ảnh hưởng đến cơ hội thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp.

Sự chưa đồng bộ về nhà ở và các công trình xã hội cho người lao động làm việc trong một số khu công nghiệp gây khó khăn trong kiểm soát dịch, bệnh; hướng dẫn phòng, chống dịch áp dụng cứng nhắc tại một số địa phương đã khiến chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn nghiêm trọng…

Trong đó, khó khăn về lao động và nhập cảnh cho chuyên gia là vấn đề mà các doanh nghiệp đang thực sự “đau đầu”. Tiếp nữa là chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, đội chi phí giá thành sản xuất.

Dòng tiền vào bị thiếu hụt nghiêm trọng dẫn đến doanh nghiệp gặp khó khăn để có thể trang trải các khoản chi phí duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn khi triển khai các biện pháp vừa chống dịch vừa sản xuất kinh doanh.

Qua đó, các địa phương, doanh nghiệp kiến nghị về thực hiện quy định phòng, chống Covid-19, xây dựng các trạm y tế lưu động và cố định tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp để phản ứng nhanh hơn khi có trường hợp nghi nhiễm Covid-19; tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện các gói hỗ trợ đã được ban hành cho các doanh nghiệp đến hết năm 2021, đồng thời bổ sung, điều chỉnh các chính sách mạnh mẽ hơn trong năm 2021 và 2022; kiến nghị có cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp giảm chi phí kinh doanh, tiếp cận nguồn lực…

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, từ thời điểm bùng phát dịch Covid-19 đầu năm 2020 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ, ngành đã ban hành kịp thời nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (bao gồm các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp) trong đó đã cắt giảm chi phí, giảm dòng tiền ra và vào của doanh nghiệp, ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động tại các khu, cụm này.

Đặc biệt, ngày 9.9.2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP, trong đó có nêu các chính sách, giải pháp nhanh, mạnh và kịp thời, mang tính tổng thể, bao quát để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp nói riêng đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, Chính phủ sẽ duy trì việc tổ chức hội nghị mỗi tháng để đồng hành cùng các doanh nghiệp cho đến khi doanh nghiệp khôi phục hoạt động bình thường.

Dù tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp ở một số địa phương, nhưng yêu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp cũng là nhiệm vụ cấp bách, lại phải bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho công nhân, người dân. Điều đó đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn, trách nhiệm thật cao từ doanh ngiệp cho đến các cơ quan từ trung ương đến địa phương.

Phó Thủ tướng cho rằng, với vai trò là chủ thể trong quá trình phục hồi, tùy theo tình hình của từng địa phương, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng phương án phục hồi sản xuất, đảm bảo giãn cách, kiểm soát F0, tuyệt đối an toàn trong khu vực sản xuất. Đồng thời, UBND các tỉnh, thành phố phải là đầu mối để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, sớm tổ chức hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp để quán triệt, triển khai tinh thần phục hồi sản xuất,  hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp có phương án phục hồi sản xuất và bảo đảm an toàn sản xuất, lưu thông hàng hóa.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng còn lưu ý đến công tác tiêm phòng vaccine cho công nhân, người lao động, xây dựng khu sản xuất xanh; chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thực hiện công tác phân bổ vaccine ưu tiên cho sản xuất công nghiệp, hướng dẫn cho phép đi lại đối với “vùng xanh” giữa các địa phương, xem xét đổi mới thực hiện nhanh gọn thủ tục nhập cảnh của các chuyên gia…để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất.

C.T