Mỗi năm thu tối thiểu 14.300 tỷ đồng thuế bảo
vệ môi trường
|
Luật khoáng
sản sửa đổi kỳ vọng “khắc chế” tình trạng khai thác tài
nguyên lộn xộn hiện tại. |
Đặt vấn đề về sự cần thiết phải ban hành Luật Thuế
bảo vệ môi trường, Tờ trình của Chính phủ nhấn mạnh, tăng trưởng kinh
tế, quá trình công nghiệp hóa và phát triển đô thị tăng nhanh đã tác
động xấu đến môi trường sinh thái, ô nhiễm ngày càng gia tăng trên cả
mặt đất, trong lòng đất, nước và trong không khí. Hiện trạng ấy thách
thức nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam.
Trong khi đó, chúng ta lại chưa có một sắc thuế riêng
về bảo vệ môi trường để đánh vào các loại hàng hóa khi sử dụng gây ô
nhiễm môi trường nhằm hạn chế sản xuất và tiêu dùng hàng hóa loại này.
Các quy định hiện tại về nghĩa vụ tài chính đối với hành vi gây ô nhiễm
môi trường cũng chưa được xác định đầy đủ, bao quát, tính hiệu lực chưa
cao, dẫn đến ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của nhiều tổ chức, cá
nhân còn rất thấp; Mức thu từ phí bảo vệ môi trường còn hạn chế, không
đủ sức ngăn chặn hành vi gây ô nhiễm, dẫn đến nhiều hành vi gây tác động
nghiêm trọng đến môi trường không được xử lý nghiêm minh; Quá trình hội
nhập kinh tế quốc tế cũng đặt ra yêu cầu phát triển kinh tế phải gắn
liền với bảo vệ môi trường.
Đồng tình với những đánh giá của Chính phủ, Báo cáo
thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho rằng việc ban
hành Luật thuế bảo vệ môi trường là cần thiết, nhằm tạo khuôn khổ pháp
lý đồng bộ, ổn định điều chỉnh toàn diện các hành vi tác động tiêu cực
đến môi trường; khắc phục hạn chế trong chính sách thu hiện hành; tạo
nguồn lực tài chính bù đắp chi phí bảo vệ môi trường; bảo đảm hài hòa
giữa phát triển kinh tế với phát triển bền vững; đồng thời đáp ứng việc
thực hiện cam kết quốc tế, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.
Dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường gồm 4 chương, 14
điều quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, người
nộp thuế, căn cứ tính thuế, khai thuế, tính thuế, nộp thuế và hoàn thuế
bảo vệ môi trường. Đối tượng chịu thuế được quy định trong luật gồm xăng
dầu, than, túi nhựa xốp, dung dịch HCFC (được sử dụng trong một số lĩnh
vực công nghiệp như làm lạnh, điều hòa không khí…), nhóm thuốc bảo vệ
thực vật hạn chế sử dụng và thuốc sử dụng trong nông nghiệp.
Về căn cứ tính thuế của các đối tượng này, tờ trình
của Chính phủ đề nghị, do thuế bảo vệ môi trường là sắc thuế lần đầu
tiên được xây dựng, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều hành và
thực thi chính sách thuế mới được thuận lợi, Dự thảo luật quy định Biểu
khung thuế bảo vệ môi trường với mức thuế tuyệt đối tối thiểu và mức
thuế tuyệt đối tối đa.
Đối với xăng dầu, mức thuế tối thiểu được quy định
bằng với mức phí xăng dầu hiện hành để không gây tác động lớn đến sản
xuất, tiêu dùng; mức thuế tối đa trong khung quy định là 4.000 đồng/lít
xăng, 2.000 đồng/lít dầu (tương đương khoảng 25% giá bán hiện hành).
Đối với than, mức thuế tối thiểu bằng mức phí bảo vệ
môi trường đối với khai thác khoáng sản hiện hành là 6.000 đồng/tấn
(tương đương khoảng 1% giá bán); mức thuế tối đa là 30.000 đồng/tấn
(tương đương khoảng 5% giá bán).
Đối với túi nhựa xốp, dự thảo luật quy định mức thu
từ 20.000-30.000 đồng/kg (tương đương khoảng 100-150% giá bán hiện hành;
1kg túi nhựa xốp khoảng 200 chiếc có giá bán 20.000 đồng/kg). Việc đánh
thuế cao nhằm làm tăng giá bán để người bán hàng không tiếp tục phát
miễn phí tràn lan túi nhựa xốp, giảm dần việc sử dụng túi nhựa xốp góp
phần làm sạch môi trường.
Đối với dung dịch HCFC, mức thuế tối thiểu được quy
định là 1.000 đồng/kg (tương đương khoảng 3% giá bán) và tối đa là 5.000
đồng/kg (tương ứng khoảng 15% giá bán). Sản phẩm này được nhập khẩu
100%, giá nhập khẩu hiện nay khoảng 40.000 đồng/kg.
Đối với nhóm thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng,
do giá bán của các sản phẩm khác nhau (dao động từ 11.000/kg đến 640.000
đồng/kg tùy loại), do vậy, dự thảo Luật quy định mức thu thuế bảo vệ môi
trường từ 500-2.000 đồng/kg thuốc cho nhóm thuốc sử dụng trong nông
nghiệp và mức 1.000-3.000 đồng/kg cho 3 nhóm thuốc trừ mối, bảo quản lâm
sản, khử trùng.
Với khung thuế nêu trên, dự kiến số thu thuế bảo vệ
môi trường thu được theo mức thuế tối thiểu khung khoảng 14.300 tỷ
đồng/năm, với mức thu tối đa khung khoảng 57.000 tỷ đồng/năm. Năm 2009,
số thu phí bảo vệ môi trường và phí xăng dầu khoảng 11.000 tỷ đồng.
Luật Thanh tra (sửa đổi): khắc phục những
bất cập hiện hành
Trình bày tờ trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi),
Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền nhấn mạnh, một trong những bất
cập, hạn chế của Luật Thanh tra ban hành năm 2004 là chưa thể hiện rõ cơ
quan thanh tra vừa thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác
thanh tra, vừa là công cụ hữu hiệu tiến hành thanh tra phục vụ công tác
quản lý, điều hành của Thủ trưởng cơ quan quản lý. Trong hoạt động, các
cơ quan thanh tra chưa phát huy được tính chủ động và tính tự chịu trách
nhiệm khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao…
Luật Thanh tra (sửa đổi) được trình tại Kỳ họp này
nhằm khắc phục những hạn chế của quy định hiện hành về chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn của Thanh tra; địa vị pháp lý của Thanh tra Chính phủ, sự
không thống nhất trong tổ chức và hoạt động của Thanh tra chuyên ngành.
Đồng thời, thể chế hoá đường lối, chủ trương đổi mới tổ chức, nâng cao
hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan Thanh tra.
Luật Thanh tra (sửa đổi) trình Quốc hội kỳ này gồm 5
chương, 65 điều quy định về vị trí, vai trò của cơ quan thanh tra; nhiệm
vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra, của người đứng đầu cơ quan
thanh tra; tổ chức các cơ quan thanh tra; phương thức hoạt động thanh
tra; các biện pháp bảo đảm thi hành yêu cầu, kiến nghị, kết luận, quyết
định xử lý về thanh tra…
Cùng với tờ trình về dự án luật, Thanh tra Chính phủ
đã đưa ra Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Luật Thanh tra 2004 (từ
2004-2009). Theo đó, hoạt động thanh tra được thực hiện hàng năm, tập
trung vào các lĩnh vực quản lý kinh tế, tài chính, văn hóa xã hội, an
ninh, quốc phòng; đã phát hiện, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ
quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý nhiều sai phạm, thu hồi nhiều tài sản
cho nhà nước và tập thể. Cụ thể, năm 2009, thanh tra đã phát hiện nhiều
tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trên các lĩnh vực; kiến nghị xử lý
đối với 829 tập thể, 3.186 cá nhân; xử lý vi phạm hành chính 103.405 tổ
chức, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 95 vụ việc; phát hiện thiếu
sót, sai phạm về kinh tế là 27.22,77 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi về ngân
sách Nhà nước 7.027,53 tỷ đồng, 1.708 ha đất, xử phạt vi phạm hành chính
235,3 tỷ đồng, xuất toán loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có
thẩm quyền xem xét, xử lý 17.912 tỷ đồng.
Luật Khoáng sản (sửa đổi): Phải thể hiện
rõ các quyền của chủ sở hữu, nhất là quyền định đoạt
Cũng trong sáng 31.5, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ
Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên trình bày dự án Luật Khoáng sản
(sửa đổi) quy định về việc quản lý, bảo vệ, điều tra cơ bản địa chất về
tài nguyên khoáng sản và hoạt động khoáng sản trong phạm vi đất liền,
hải đảo, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền
kinh tế và thềm lục địa của nước CHXHCN Việt Nam; riêng tài nguyên
khoáng sản là dầu khí và các loại nước thiên nhiên không phải là nước
khoáng, nước nóng thiên nhiên được điều chỉnh bằng các văn bản pháp luật
khác.
Dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi) có 53 điều được bổ
sung mới toàn bộ về nội dung và 34 điều được sửa đổi, bổ sung. Về các
chủ trương, chính sách lớn cần được thể chế hóa trong Dự thảo Luật
Khoáng sản (sửa đổi), Dự thảo Luật Khoáng sản được Bộ trưởng Bộ Tài
Nguyên và môi trường trình bày, nêu rõ: Nhà nước là đại diện chủ sở hữu
toàn dân về tài nguyên khoáng sản. Do đó, các quy định của Luật phải thể
hiện rõ các quyền của chủ sở hữu, nhất là quyền định đoạt; đồng thời bảo
đảm quyền sở hữu đối với vốn, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp
khác của tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản.
Điểm mới trong Dự thảo Luật được thể hiện ở các quy
định về nội dung thăm dò khoáng sản; khai thác khoáng sản; quản lý Nhà
nước về khoáng sản.
Buổi chiều, Quốc hội chia Tổ để thảo luận về
một số nội dung còn ý kiến khác nhau trong dự án Luật Thuế bảo vệ môi
trường.
(Theo VOV)