Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Một cụ bà 70 tuổi đến Toà soạn Báo Tây Ninh xin đăng thông báo mất giấy chứng nhận QSDĐ. Thế nhưng giấy chứng nhận QSDĐ mà bà đăng thông báo lại không phải của bà, mà đã được cấp cho một người khác. Cụ bà này cho biết, trước đây bà cho một người quen mượn hơn 1 ha đất để sản xuất, nhưng không ngờ người này đăng ký làm giấy chứng nhận QSDĐ luôn. Đến khi bà phát hiện đòi lại thì người này nói rằng đã làm mất giấy!
“KHỔ” VÌ CHO MƯỢN ĐẤT
Đó là hoàn cảnh của bà Nguyễn Kim Dung (SN 1946, ngụ tại ấp Thạnh Tây, xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên). Theo bà Dung, trước đây vào năm 1983, bà có khai phá hơn 1 ha đất tại ấp Thạnh Tây, xã Thạnh Tây, sau đó cho ông Nguyễn Thanh Bình (SN 1957, hiện ngụ xã Trường Đông, huyện Hoà Thành) mượn để sản xuất. Thời gian sau, ông Bình trả lại đất cho bà Dung, nhưng bà không biết ông Bình đã tự ý đăng ký kê khai QSDĐ và đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ phần đất này. Đến khi bà đi đăng ký thì mới được chính quyền thông báo là phần đất trên đã cấp giấy chứng nhận cho ông Bình từ năm 1996. Tá hoả, bà Dung tìm gặp ông Bình để yêu cầu ông làm thủ tục sang lại tên cho bà, nhưng ông Bình cho biết là đã làm mất giấy chứng nhận QSDĐ.
Đến tháng 4.2016, ông Bình đồng ý viết đơn giao trả đất cho bà Dung, nội dung xác nhận trước đây ông có mượn một phần đất của bà Dung để sản xuất. Khi đó ông vào tập đoàn sản xuất nên có đăng ký phần diện tích đất này để được nhận phân diêm từ tập đoàn cung cấp. Nay ông làm đơn xin giao trả lại QSDĐ nêu trên cho bà Dung để bà đăng ký theo đúng quy định của Luật Đất đai.
Tuy nhiên, điều khó hiểu là giấy chứng nhận QSDĐ cấp ông Bình đã bị mất, vì vậy chính quyền xã Thạnh Tây không đồng ý làm các thủ tục đăng ký QSDĐ cho bà Dung. Vào tháng 6.2016, ông Bình đồng ý đến Công an xã Trường Đông, huyện Hoà Thành làm đơn cớ mất giấy chứng nhận QSDĐ để bà Dung được cấp lại giấy chứng nhận QSDĐ.
Bà Dung cho biết, hoàn cảnh của bà hiện rất khó khăn, lớn tuổi không làm ra tiền, chỉ trông trẻ nhỏ thuê cho người quen, mỗi tháng được trả vài trăm ngàn đồng. Khi bà đem hồ sơ đến nộp tại UBND xã Thạnh Tây để xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ, UBND xã yêu cầu bà liên hệ các cơ quan thông tin đại chúng đăng thông báo cớ mất giấy chứng nhận QSDĐ của ông Nguyễn Thanh Bình. Điều đáng ngạc nhiên là, chính quyền xã Thạnh Tây phát hiện ông Bình được cấp giấy chứng nhận QSDĐ trên phần đất mượn của bà Dung là sai đối tượng theo Luật Đất đai lại không thu hồi, mà còn làm thông báo cớ mất để đăng báo? Và người phải bỏ tiền ra đăng thông báo theo yêu cầu của UBND xã Thạnh Tây lại là bà Dung- một người có hoàn cảnh khó khăn lại mù chữ (!?).
UBND XÃ YÊU CẦU ĐĂNG THÔNG BÁO VÌ SỢ HỆ LUỴ VỀ SAU
Theo điểm d, khoản 2, Điều 106 Luật Đất đai 2013 quy định, Nhà nước thu hồi giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp đối với trường hợp “giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trừ trường hợp người được cấp giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai”.
Về thủ tục thu hồi cũng đã được quy định cụ thể tại Điều 87 Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể, tại điểm b, khoản 4, Điều 87 quy định: “Trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phát hiện giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật đất đai thì thông báo bằng văn bản cho cơ quan thanh tra cùng cấp thẩm tra; nếu kết luận là giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật thì thông báo cho người sử dụng đất biết rõ lý do; sau 30 ngày kể từ ngày gửi thông báo cho người sử dụng đất mà không có đơn khiếu nại thì ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đã cấp”.
Còn tại điểm c, khoản 4, Điều 87 quy định: “Trường hợp người sử dụng đất phát hiện giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật đất đai thì gửi kiến nghị, phát hiện đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có trách nhiệm xem xét, giải quyết theo quy định tại Điểm b khoản này”.
Như vậy, trong trường hợp này, UBND xã Thạnh Tây đã nắm rõ việc ông Bình không phải là người có quyền sử dụng phần đất trên, việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ là sai đối tượng, nhưng không tiến hành làm các thủ tục theo quy định của pháp luật, lại làm thông báo cớ mất để… trình UBND huyện ra quyết định huỷ giấy chứng nhận QSDĐ này. Trong khi đó, bà Dung không liên quan gì đến việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ sai đối tượng cho ông Bình lại phải tốn công sức, tiền bạc để đăng thông báo, khiến bà càng bị thiệt thòi nhiều hơn.
Lý giải vấn đề này, lãnh đạo UBND xã Thạnh Tây cho rằng, do ông Bình không giao nộp giấy chứng nhận QSDĐ với lý do đã mất, UBND xã Thạnh Tây sợ ông Bình đem giấy chứng nhận này sử dụng vào mục đích khác, nên ra thông báo cớ mất giấy chứng nhận QSDĐ của ông Bình để đăng báo nhằm đảm bảo không xảy ra “hệ luỵ” về sau khi có phát sinh tranh chấp, khiếu nại. Tuy nhiên, việc UBND xã quá “cẩn thận” đã gây phiền phức cho bà Dung. UBND xã Thạnh Tây sẽ rút kinh nghiệm để phục vụ người dân được tốt hơn.
Hy vọng các ngành chức năng huyện Tân Biên nhanh chóng thực hiện các thủ tục để bà Dung được cấp giấy chứng nhận QSDĐ trong thời gian tới. Bởi những vấn đề bất cập trong vụ việc này không phải lỗi của bà.
THIÊN TÂM – ĐỨC AN