Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Giai đoạn 2015-2020:
Chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ đem lại hiệu quả kinh tế, ổn định sinh kế cho người dân
Thứ sáu: 18:36 ngày 11/06/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sáng 11.6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ, giai đoạn 2015-2020 và đề xuất chính sách hỗ trợ giai đoạn 2021 – 2025. Hội nghị do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.

Tại Tây Ninh, hội nghị do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến và Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Mấy điều hành.

Để hỗ trợ cho các hộ gia đình phát triển chăn nuôi, ngày 4.9.2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015- 2020 (Quyết định 50), bao gồm: Hỗ trợ phối giống nhân tạo hằng năm đối với heo, trâu, bò; hỗ trợ mua heo, trâu, bò đực giống và gà, vịt giống bố mẹ hậu bị; hỗ trợ về xử lý chất thải chăn nuôi…

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), tất cả 63 tỉnh, thành đã xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn riêng hoặc lồng ghép với các chính sách khác. Đến nay, có 59/63 tỉnh thành triển khai thực hiện với tổng kinh phí hỗ trợ cho nông dân là 832,781 tỷ đồng.

Trong đó, hỗ trợ 1.984 con trâu, bò đực giống, kinh phí hỗ trợ là 20,5 tỷ đồng; 528 con heo đực giống, kinh phí hỗ trợ 1,9 tỷ đồng và 146.000 con gà, vịt giống với kinh phí trên 3,3 tỷ đồng; hỗ trợ 5,062 triệu liều tinh heo, 2,714 triệu liều tinh trâu, bò giống chất lượng cao. Bên cạnh đó, các tỉnh hỗ trợ 54.947 công trình khí sinh học (biogas), tương đương 159 tỷ đồng để xử lý chất thải trong chăn nuôi và hỗ trợ 112.174 mô hình áp dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi với tổng kinh phí 17,5 tỷ đồng.

Tại Tây Ninh, theo Sở NN&PTNT, toàn tỉnh có 11.000 con trâu, 100.000 con bò, 13.591 con bò sữa, 197.315 con heo, 7.150.000 con gia cầm. Cơ cấu chăn nuôi đang tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ, không bảo đảm an toàn sinh học, hiệu quả thấp sang chăn nuôi quy mô trang trại an toàn sinh học. Tỷ lệ chăn nuôi trang trại: heo 83%, trâu: 9,1%, bò thịt: 9,1%, bò sữa: 87,3%, gia cầm: 60,5%.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị.

Toàn tỉnh hiện có 67 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP, 83 cơ sở chăn nuôi gà, vịt, heo, bò được chứng nhận an toàn dịch bệnh; Dương Minh Châu là huyện duy nhất được chứng nhận vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và newcastle trên gà và 83 cơ sở chăn nuôi gà, vịt, heo, bò được chứng nhận an toàn dịch bệnh.

Ngày 6.3.2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 07/2017/QĐ-UBND về chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh. Kết quả, đến nay, đã thực hiện hỗ trợ 9.370 liều tinh heo giống cho các hộ nuôi heo nái với kinh phí 468,5 triệu đồng; gieo tinh nhân tạo, lai tạo được 10.700 con bò lai với các giống bò thịt chất lượng cao như Brahman, Angus, Charolaise…; trang trại chăn nuôi bò sữa Vinamilk sử dụng tinh giới tính để nhân giống bò sữa, nâng cao hiệu quả chăn nuôi, với chi phí 2,14 tỷ đồng; thực hiện được 61 công trình khí sinh học biogas và đệm lót sinh học chăn nuôi heo, 32 công trình khí sinh học xử lý chất thải trong chăn nuôi bò, với kinh phí 409,3 triệu đồng.

Tại hội nghị, các địa phương nêu những khó khăn, hạn chế trong thực hiện Quyết định 50 như: Quyết định có hiệu lực từ ngày 1.1.2015 nhưng đến ngày 23.12.2015 Bộ Tài chính mới ban hành Thông tư hướng dẫn cơ chế tài chính cho Quyết định 50, trên thực tế các tỉnh chưa thể thực hiện được trong năm 2015; công tác hỗ trợ tinh heo gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi từ năm 2019 và dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay, là một trong những nguyên nhân đẩy giá thức ăn chăn nuôi lên cao, gây khó khăn cho việc tái đàn heo.

Nhiều địa phương còn thiếu các cơ sở sản xuất con giống tại chỗ, người chăn nuôi phải mua ở các tỉnh khác hoặc cơ sở của Trung ương, doanh nghiệp lớn, nên khó khăn khi thực hiện mua với số lượng nhỏ. Thiếu các cơ sở chăn nuôi sản xuất giống trâu, bò, con giống đạt yêu cầu. Việc đầu tư xây mới các công trình khí sinh học còn hạn chế do dịch bệnh thường xuyên xảy ra; đồng thời, giá sản các phẩm chăn nuôi không ổn định, người chăn nuôi ngại tái đàn, quy mô chăn nuôi giảm.

Áp dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết Quyết định 50 của Thủ tướng Chính phủ góp phần nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi trong nông nghiệp, thông qua chương trình cải tạo và nâng cao năng suất đàn gia súc, gia cầm; bằng việc hỗ trợ liều tinh, vật tư phối giống, hỗ trợ heo, trâu, bò đực, gà, vịt giống góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đàn heo, trâu, bò và gia cầm của các địa phương; thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá, nâng cao thu nhập, xoá đói giảm nghèo; việc hỗ trợ xây dựng công trình xử lý chất thải chăn nuôi, áp dụng kỹ thuật đệm lót sinh học trong chăn nuôi góp phần giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn.

Quyết định 50 tạo sự lan toả về chính sách chăn nuôi nông hộ tại các địa phương, góp phần nâng chất hệ thống giống gia súc, gia cầm và sản lượng sữa, thịt, trứng. Để nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng, giảm thiểu tổn thương với ngành chăn nuôi khi Việt Nam hội nhập toàn diện với các nước trong khu vực và thế giới, góp phần triển khai Luật Chăn nuôi, thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045, Bộ NN&PTNT đồng tình với kiến nghị cần có một chính sách của nhà nước, nhằm tạo nguồn lực hỗ trợ chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2025.

Minh Dương

Tin cùng chuyên mục