BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chính sách xã hội cần được đặt ngang tầm với chính sách kinh tế 

Cập nhật ngày: 16/12/2022 - 18:15

BTNO - Đây là một trong những nội dung được Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Phạm Văn Linh nhấn mạnh tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 diễn ra sáng 16.12.

Lãnh đạo Tỉnh uỷ và các đại biểu dự tại điểm cầu Tỉnh uỷ Tây Ninh.

Hội nghị do Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp Bộ Lao động, Thương binh và xã hội tổ chức dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Phạm Văn Linh và Thứ trưởng Bộ LĐBT&XH Lê Văn Thanh. Dự tại điểm cầu Tỉnh uỷ có Phó Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Đài Thy, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN tỉnh Nguyễn Văn Vy cùng lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh.

Theo báo cáo tại hội nghị, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá XI, các chính sách xã hội đi vào cuộc sống và đạt nhiều thành tựu quan trọng. Các chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu nghị quyết đề ra với nhiều điểm sáng trong lĩnh vực người có công, giảm nghèo và an sinh xã hội.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành một loạt các chính sách để hỗ trợ người dân gặp khó khăn kịp thời, không để ai bị bỏ lại phía sau; các địa phương chủ động bố trí ngân sách để hỗ trợ các đối tượng khó khăn khác.

Phát biểu tham luận tại hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thời gian qua, mặc dù ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng bộ tỉnh Tây Ninh luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, ổn định chính trị - xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020. UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về chính sách ưu đãi người có công và đảm bảo an sinh xã hội.

Cụ thể một số chính sách của địa phương như: hỗ trợ vốn sản xuất, hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, trợ giúp pháp lý; hỗ trợ cho đối tượng không có khả năng thoát nghèo, hỗ trợ kinh phí trên  30 tỷ đồng hỗ trợ cho trên 2.700 đối tượng trong giai đoạn 2020-2022.

Phó Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tham luận.

Từ năm 2016 đến nay, tỉnh vận động và chi từ quỹ đền ơn đáp nghĩa (34 tỷ đồng) và quỹ vì người nghèo (trên 183,6 tỷ đồng) cho các đối tượng theo quy định; điều chỉnh kịp thời chính sách, định mức xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết phù hợp với thực tế tại địa phương.

Quy định chuẩn hộ nghèo của địa phương và ban hành các chính sách đặc thù để hỗ trợ tăng thêm cho hộ nghèo Trung ương, hộ nghèo tỉnh, hộ sản xuất nông, lâm ngư nghiệp gặp khó khăn trong cuộc sống, với kinh phí thực hiện cho mỗi giai đoạn khoảng 44,286 tỷ đồng.

100% Mẹ Việt Nam anh hùng được tổ chức, cá nhân nhận phụng dưỡng suốt đời; thực hiện tốt chính sách bảo trợ xã hội, quan tâm chăm lo cho người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, neo đơn, tàn tật. Hệ thống nghĩa trang liệt sĩ thường xuyên được tu bổ và nâng cấp; thực hiện tốt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (5.080 hài cốt được quy tập).

Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững đạt kết quả quan trọng, nhiều chỉ tiêu vượt nghị quyết đề ra. Nếu như cuối năm 2012, toàn tỉnh có 13.696 hộ nghèo và hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 4,89% thì đến cuối năm 2020, toàn tỉnh kéo giảm còn lại 2.502 hộ cận nghèo, tỷ lệ 0,79% tổng số hộ.

Trong giai đoạn đại dịch Covid-19, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện mọi mặt công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh; huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch. Thực hiện tốt chính sách chăm lo cho đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68-NQ/CP và Nghị quyết số 116-NQ/CP của Chính phủ. Tổng nguồn lực huy động phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 và 2022 là trên 1.517 tỷ đồng.

Để tiếp tục thực hiện tốt các chính sách xã hội trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung triển khai thực hiện 6 nội dung trọng tâm. Đó là, tiếp tục rà soát, tổ chức thực hiện tốt chính sách đối với người có công theo Pháp lệnh mới; tập trung rà soát giải quyết các trường hợp hồ sơ tồn đọng chưa được hưởng chính sách đảm bảo chặt chẽ, có cơ sở; rà soát, chỉnh trang các nghĩa trang liệt sĩ, công tác quy tập hài cốt đảm bảo nơi an nghỉ bình yên của hơn 30.730 liệt sĩ đã hy sinh.

Đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng; chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công. Triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ việc làm cho thanh niên, phụ nữ, người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số ...

Thực hiện lồng ghép, giải ngân theo kế hoạch, phát huy tối đa hiệu quả các dự án, đề án thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Quan tâm gắn việc phát triển kinh tế xã hội với đảm bảo các chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các thiết chế văn hoá, thể thao và đảm bảo an ninh trật tự.

Tổ chức rà soát hộ nghèo đảm bảo thực chất, đánh giá sát đúng, không theo thành tích; thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách giảm nghèo; nhất là tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động vươn lên thoát nghèo của người nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào nhà nước. Thực hiện đầy đủ các chính sách trợ giúp xã hội, trong đó chú trọng nhóm đối tượng trẻ em, người cao tuổi, người nghèo và các nhóm đối tượng đặc thù khác.

Nghiên cứu, ban hành các chính sách đặc thù của địa phương phù hợp với khả năng cân đối của tỉnh.

Thường trực Uỷ ban MTTQVN tỉnh, lãnh đạo địa phương, nhà tài trợ và đại diện các hộ dân chụp hình lưu niệm tại lễ khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết trên địa bàn xã Tân Đông, huyện Tân Châu.  

Địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo Trung ương để giải quyết căn cơ vấn đề người gốc Việt tại Campuchia.

Trên cơ sở các báo cáo, tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Phạm Văn Linh tiếp thu các ý kiến phát biểu tham luận, đây là những phát biểu rất tâm huyết với mong muốn xây dựng chính sách xã hội sát thực tiễn, để xã hội phát triển, hướng tới người dân.

Từ tổng kết vấn đề lý luận và thực tiễn 10 năm thực hiện chính sách xã hội ở nước ta theo nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá XI để hướng tới xây dựng một nghị quyết mới với cách tiếp cận mới phù hợp với thực tiễn của đất nước và có nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, vị trí của chính sách xã hội.

Đó là chính sách xã hội không chỉ giúp ổn định mà còn là mục tiêu, động lực của sự phát triển, đặt ngang tầm với chính sách kinh tế. Chính sách xã hội cần phải toàn diện, bao trùm, chú ý đối tượng thụ hưởng và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa. Để triển khai hiệu quả chính sách cần sự cộng đồng trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và phải cụ thể hoá bằng các kế hoạch trong từng giai đoạn.

Phương Thúy