Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Luật Giáo dục sửa đổi:
Chính thức giao UBND cấp tỉnh chọn sách giáo khoa
Thứ ba: 23:48 ngày 18/06/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Luật Giáo dục (sửa đổi) có một quy định thu hút sự chú ý, đó là chính thức giao UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chọn sách giáo khoa cho học sinh. Điều này được giải thích nhằm hạn chế những rắc rối, lộn xộn khi chương trình mới mỗi môn học có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau.

Học sinh tiểu học ở Hoà Thành.

Với đa số phiếu tán thành, Quốc hội vừa thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi) và có hiệu lực từ ngày 1.7.2020. Kể từ khi ban hành Luật Giáo dục năm 2005, đây là lần thứ hai luật này được sửa đổi, bổ sung.

Theo luật mới, mục tiêu giáo dục nhằm “phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hoá, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế”.

Về tính chất, nguyên lý giáo dục, luật mới quy định: “Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng. Hoạt động giáo dục được thực hiện theo nguyên lý học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”.

Ngoài nhiều nội dung quan trọng, Luật Giáo dục (sửa đổi) có một quy định thu hút sự chú ý, đó là chính thức giao UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chọn sách giáo khoa cho học sinh. Điều này được giải thích nhằm hạn chế những rắc rối, lộn xộn khi chương trình mới mỗi môn học có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau. Chuyện giao cho ai: phụ huynh, nhà trường, sở Giáo dục - Đào tạo hay UBND cấp huyện, tỉnh chọn sách giáo khoa đã từng có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Nay, câu chuyện một hay nhiều bộ sách giáo khoa, ai được quyền chọn sách giáo khoa đã có câu trả lời chính thức.

Ngoài quy định về một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, UBND tỉnh, thành phố chọn sách giáo khoa, Luật Giáo dục (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua còn nhiều nội dung khác, rất đáng quan tâm. Một trong số đó là miễn thu học phí đối với học sinh cấp trung học cơ sở. Những học sinh theo học tại trường trung học cơ sở ngoài công lập cũng được hỗ trợ học phí, mức hỗ trợ cụ thể do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định.

Theo luật mới, học sinh mầm non 5 tuổi ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo được miễn học phí.

Đối với quy định về văn bằng, giáo viên mầm non phải có bằng cao đẳng sư phạm; giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên.

Một nội dung đáng chú ý khác, luật mới quy định cho phép những người không học đại học sư phạm nhưng có chứng chỉ bồi dưỡng sư phạm vẫn được dự thi hoặc xét tuyển vào ngành giáo dục, nếu địa phương thiếu giáo viên.

Đ.V.T

Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Tin cùng chuyên mục