BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chợ “di động” vùng xa

Cập nhật ngày: 10/03/2014 - 05:35

Chị Nguyễn Thị Được bán hàng cho khách tại “gian hàng di động”.

Hằng ngày, cứ đến 8 giờ sáng là anh chị bắt đầu xuất phát. Đoạn đường chở hàng đi bán dài hơn 20km từ xã Suối Ngô (huyện Tân Châu) cho đến Suối Bà Chiêm. Cứ mỗi đoạn cách nhau chừng 500m, xe lại dừng cho khách ghé vào mua. Trên “chợ” của anh chị có gần như đầy đủ các loại thực phẩm- từ tươi sống như thịt, cá, trứng đến rau củ rồi các loại bánh, trái cây, gia vị, nước ngọt…

Chị Được cho biết, chị thường lấy hàng ở chợ Long Hoa, thỉnh thoảng cũng có nhà vườn mang trái cây ra bán lại cho chị. Nhiều người dân mua hàng ở đây cho biết, giá bán của chị tuy đắt hơn ngoài chợ đôi chút nhưng khách hàng không phải tốn công sức đi đến chợ- đặc biệt là ở các vùng xa. Do đó, đối với người dân thì việc mua hàng trên cái chợ “di động” nhỏ này là rất thuận tiện.

Thiếu nước, ông Ngô Văn Cu phải đào hố sâu để đặt môtơ bơm nước.

Theo bà Nguyễn Thị Nguyên- 70 tuổi, ở ấp 6, xã Suối Ngô, cứ đến tầm 10 giờ sáng là người dân ở đây đều ngóng đợi xe của vợ chồng anh chị Được. Riêng bà, do đã lớn tuổi mà chợ lại ở quá xa, có chiếc xe bán đầy đủ hàng hoá thế này khiến bà đỡ cực nhọc. Anh Phong- chồng chị Được và cũng là tài xế xe cho biết, vợ chồng anh có số điện thoại của hầu hết các mối quen, và ở mỗi điểm dừng xe đều dừng theo giờ cố định. Tuy nhiên, có lúc khách đông phải dừng lâu làm chậm thời gian đến các chỗ khác, anh chị phải gọi điện thoại báo tin để bà con không phải “nóng ruột” chờ.

Đã buôn bán thì phải chấp nhận bán thiếu, để giữ mối bán hàng vợ chồng anh cũng cho khách hàng mua thiếu khi túng, nhưng thường thì “mức độ rủi ro” không cao. Khách hàng của anh chị, ngoài người dân trong khu vực còn có nhiều công nhân cao su. Thời điểm mà cao su ngưng cạo thì công nhân có thu nhập thấp, do đó anh chị thường bán hàng thiếu- có khi tổng cộng lên đến khoảng 400 triệu đồng. Tuy nhiên, khi có tiền thì nhiều người sẵn sàng trả ngay. Cũng có tình trạng bị “quỵt nợ”, nhưng số lượng không lớn.

Bán hàng trên tuyến đường này đã 7 năm trời, anh chị đã tạo được uy tín với khách hàng, đồng thời với sự hiếu khách, sẵn sàng cảm thông, chia sẻ khi khách hàng kẹt tiền nên khách mua hàng của anh chị luôn đông, hàng hoá bán được nhiều. Hiện nay bình quân mỗi ngày đi bán chị có lời được khoảng 500.000 đồng.

Chợ “di động” là hình thức khá phổ biến đối với các cụm dân cư cách xa chợ. Bởi chợ “di động” đã đáp ứng được nhu cầu thiết thực của bà con vùng sâu, vùng xa.

Thuý Hằng