Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cho một sức sống mới của mùa xuân đất nước
Thứ ba: 16:25 ngày 20/02/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đổi mới là một quá trình, là cuộc vận động cách mạng nhiều phức tạp và khó khăn, đòi hỏi phải có định hướng đúng và có bước đi vững chắc, không thể nóng vội, giản đơn, cực đoan.

Năm 2024, cả hệ thống chính trị và cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể trên địa bàn tỉnh sẽ mở cuộc vận động “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí”. Đây là chủ đề xuyên suốt dành cho cán bộ, đảng viên và rộng hơn, cho mọi tầng lớp nhân dân không chỉ năm 2024 mà còn những năm tiếp theo. 

Công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lãng phí, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh nhiều lần, là “đã thành xu thế, không thể đảo ngược”.

Dựa vào dân, lắng nghe dân

Theo đó, chủ trương này nhằm tiếp tục thực hiện Kết luận 01-KL/TW, ngày 18.5.2021 của Bộ Chính trị (khoá XIII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Tại cuộc hội thảo (về chủ đề nêu trên) do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Trường Chính trị tỉnh tổ chức cuối năm 2023, rất nhiều ý kiến đại diện cho các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh tán thành việc lựa chọn chủ đề cho năm 2024, đồng thời có những đề xuất đáng suy ngẫm. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền thật sự vững mạnh là vấn đề sống còn chứ không phải chỉ hô khẩu hiệu hoặc phát biểu cho xong việc.

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm quán triệt công tác lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu (ảnh: Phương Thuý)

Lãnh đạo Thành uỷ Tây Ninh nêu, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng ta xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài trong công tác xây dựng Đảng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng phòng, chống tham ô, tham nhũng trong Đảng, Nhà nước. Người cho rằng đó là “những căn bệnh nguy hiểm”, “là giặc nội xâm”, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, nó còn làm suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; làm suy yếu bộ máy của Đảng, Nhà nước, gây mất niềm tin của quần chúng nhân dân.

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “một cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, giữa đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và kẻ địch là tham ô, lãng phí, quan liêu”, phải làm thường xuyên, kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, nhằm mục đích xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII ngày 25.10.2021 ban hành Kết luận số 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó có giải pháp “tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, một khi đã có đường lối cách mạng đúng đắn thì cán bộ là khâu quyết định. Người viết: “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Công tác cán bộ được coi là cái gốc của mọi công việc.

Gốc có vững, cây mới xanh tươi, bền vững. Vì vậy, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương của Đảng, tạo niềm tin của Nhân dân đối với Đảng là một trong những việc làm hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Tặng quà Trung thu cho các em học sinh vùng sâu huyện Tân Biên.

Còn lãnh đạo Thị uỷ Trảng Bàng đánh giá, đến nay, chủ trương của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng cơ bản đã tương đối đầy đủ, cái cần nhất bây giờ là sự tự giác, sự thống nhất cao về ý chí và hành động, là tổ chức thực hiện. Do đó, để đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả, cần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự tham gia tích cực và quan trọng của các tầng lớp nhân dân.

Tại hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã nhấn mạnh đến việc phát huy vai trò của Nhân dân trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm”. Tổng Bí thư khẳng định: “Cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta phải dựa vào dân, lắng nghe dân, lắng nghe dư luận để chọn lọc, tiếp thu cái đúng, nhưng không đơn giản “theo đuôi”, chạy theo dư luận”.

Tiến sĩ Phạm Đình Triệu- Chính uỷ Bộ đội Biên phòng Tây Ninh đề xuất, quán triệt tư tưởng trên của Đảng, gắn với việc học tập và làm theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, trong bối cảnh hiện nay, thiết nghĩ chúng ta cần thực hiện tốt một số nội dung.

Trong đó, cần tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân về thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tiến sĩ Phạm Đình Triệu nêu tiếp, cần coi trọng hơn nữa việc nâng cao chất lượng sinh hoạt, “tự phê bình và phê bình”, phát huy dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan báo chí và các tầng lớp nhân dân trong nêu gương người tốt việc tốt, nhân rộng điển hình tiên tiến; kịp thời phản ánh các tiêu cực nảy sinh trong xã hội để lên án và xử lý đúng quy định của pháp luật. Phải phát huy tính tích cực, tự giác của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Muốn vậy, cần tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để cán bộ, đảng viên và nhân dân được học tập, nghiên cứu, quán triệt về tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trên cơ sở đó, mỗi người xây dựng động cơ, trách nhiệm đúng gắn với cương vị, nhiệm vụ được giao. 

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Nguyễn Thị Xuân Hương trao giải cho các tập thể đoạt giải trong cuộc thi thiết kế infographic Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Cuộc đấu tranh vì tương lai

Hơn 60 năm trước, ngày 5.1.1960, tại Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh có buổi nói chuyện tại một cuộc mít tinh trước đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân về lịch sử truyền thống của Đảng.

Bài nói chuyện có đoạn: “Thắng đế quốc và phong kiến là tương đối dễ; thắng bần cùng và lạc hậu còn khó hơn nhiều. Ngày nay ở miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Đảng đoàn kết và lãnh đạo nhân dân ta thi đua kiến thiết chủ nghĩa xã hội, xây dựng đời sống vui tươi, no ấm và mỹ tục thuần phong. Hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ.

Cho nên Đảng vừa lo tính công việc lớn như đổi nền kinh tế và văn hoá lạc hậu của nước ta thành một nền kinh tế và văn hoá tiên tiến, đồng thời lại luôn luôn quan tâm đến những việc nhỏ như tương cà mắm muối cần thiết cho đời sống hằng ngày của nhân dân…”.

Cuộc đấu tranh chống lại thói hư tật xấu, tham ô, tham nhũng, bần cùng, lạc hậu để “loại bỏ những gì hư hỏng, cũ kỹ” là cuộc chiến khổng lồ. “Việc tranh đấu với kẻ địch ở tiền tuyến bằng súng đạn còn dễ, nhưng việc tranh đấu với kẻ địch trong người, trong nội bộ, trong tinh thần, là một khó khăn đau xót”.

Trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân, Bác nhắc nhở lần cuối: Sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh là “một cuộc chiến đấu khổng lồ” để “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”.

Ngày 30.6.2022, phát biểu kết luận tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, thành xu thế không thể đảo ngược, được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân đánh giá cao, bạn bè quốc tế ghi nhận.

“Một số ý kiến cho rằng nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm và làm “chậm” sự phát triển của đất nước. Trong khi thực tế cho thấy hoàn toàn ngược lại. Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đặc biệt là đã từng bước lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân”- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu.

Có nghĩa rằng, không có chuyện đấu tranh chống tham nhũng làm chậm sự phát triển của đất nước. Chống tham nhũng hiệu quả chẳng những củng cố niềm tin của nhân dân đối với chế độ, nó còn làm trong sạch hơn môi trường đầu tư để doanh nghiệp trong và ngoài nước yên tâm đầu tư, sản xuất.

Tất nhiên, như mọi quốc gia khác, quá trình xây dựng, phát triển đất nước, Việt Nam đã và đangđối mặt nhiều thách thức, dù thành tựu, tích cực là cơ bản. “Chúng ta vẫn còn không ít những khuyết điểm, hạn chế và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có những hạn chế, thách thức đã được chỉ ra từ nhiều nhiệm kỳ đại hội trước nhưng đến nay vẫn tồn tại và có mặt còn diễn biến phức tạp hơn, trong đó có tệ tham nhũng, tiêu cực”.

Tẩy sạch quan liêu

Nguyên nhân sâu xa của tham nhũng là do chủ nghĩa cá nhân, do sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạođức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao.

Giữa tháng 11.2023, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ và Trường Chính trị tỉnh vừa tổ chức hội thảo khoa học “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí”.

Tại cuộc hội thảo, PGS.TS Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nêu: “Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bệnh quan liêu ấp ủ, dung túng, che chở, đẻ ra nạn tham ô, lãng phí. Muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí thì trước mắt phải tẩy sạch bệnh quan liêu.

Nhưng “mẹ đẻ” của bệnh quan liêu và hàng trăm thứ bệnh khác lại là chủ nghĩa cá nhân, “giặc nội xâm”. Như vậy, giải pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, xét đến cùng là đấu tranh chống, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.

Nhà báo Nhị Lê- nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đánh giá về công cuộc phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư khởi xướng, như sau: “Việc Tổng Bí thư gióng hồi trống chống tham nhũng đã đáp ứng được lòng mong mỏi của người dân.

Đúng như Tổng Bí thư đã nói, đánh trống thì phải từng tiếng một, rành rọt, đánhđâu chắc đấy. Lòng dân thì mong muốn là vậy, nhưng người cầm dùi phải hết sức thận trọng. Tuỳ thuộc vào vụ việc cụ thể, hoàn cảnh cụ thể mà đánh trống trận hay trống ngũ liên vỡ đê. Đối với việc chống tham nhũng, tiêu cực thì càng phải thận trọng.

Thận trọng để đúng người, đúng tội. Tổng Bí thư đã gióng trống rồi. Chúng ta phải đánh trống tiếp. Nếu chúng ta bỏ dùi thì pháp luật sẽ bị nhờn. Chính quyền bị giỡn mặt. Lòng dân sẽ ly tán. Mà muốn đánh trống rồi không bỏ dùi thì công tác chuẩn bị phải hết sức kỹ càng, lực lượng phải đầy đủ, làm đến nơi đến chốn”.

Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn tại kỳ họp thứ 10, khoá X (ảnh: Phương Thuý)

Niềm tin vào sự nghiệp của Đảng

Phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là vấn đề có ảnh hưởng quyết định đến uy tín, danh dự của Đảng, tác động trực tiếp đến mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng. Quần chúng nhìn nhận, đánh giá Đảng nhiều khi thông qua phẩm chất, tư cách, lối sống của cán bộ, đảng viên. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phí Trọng, “nói quần chúng giảm sút lòng tin đối với Đảng không phải là giảm sút lòng tin đối với lý tưởng, sự nghiệp của Đảng, mà đối với những cán bộ, đảng viên đã hư hỏng, sa đoạ, đối với những tổ chức đảng đã rệu rã, không còn sức chiến đấu”.

Đổi mới là một quá trình, là cuộc vận động cách mạng nhiều phức tạp và khó khăn, đòi hỏi phải có định hướng đúng và có bước đi vững chắc, không thể nóng vội, giản đơn, cực đoan. Thực tế ở nước ta cũng như nhiều nước khác trên thế giới cho thấy, đổi mới không thể tiến hành một cách chủ quan, bất chấp quy luật, bất chấp những nguyên tắc đã được thử thách. Trong đổi mới có thể xảy ra những xáo trộn, mất ổn định, thậm chí rối loạn ở bộ phận này hay bộ phận khác nhưng trên toàn cục, ở những nét cơ bản thì phải ổn định. Trong đổi mới không tránh khỏi những vấp váp, sai lầm.

Công cuộc xây dựng đất nước đang đòi hỏi mỗi đảng viên phải là một người lao động giỏi, lãnh đạo và quản lý giỏi trên lĩnh vực công tác được giao. Nếu trước đây, trong cách mạng dân tộc dân chủ, đảng viên nêu gương trong cuộc đấu tranh giữa cái sống và cái chết, phấn đấu hy sinh để giải phóng đất nưốc, giành chính quyền, thì ngày nay, đảng viên phải nêu gương chấp hành các chính sách và pháp luật của Nhà nước, lao động giỏi, học tập giỏi, công tác giỏi, biết lãnh đạo quần chúng phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết tốt mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích chung, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân, cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc.

Tất cả cho một sức sống mới của mùa xuân đất nước và sự trường tồn của Tổ quốc thân yêu.

V.Đ

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục