Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tuy không phải lao vào nơi có nguy cơ cao do bệnh dịch, nhưng cũng là nơi đầy nhọc nhằn, vất vả, đổ công sức xuống đồng đất khô cằn để đào đắp những dòng kênh, đưa dòng nước ngọt lành tưới mát cho các vùng chuyên canh cây nông nghiệp của tỉnh.
Những ngày tỉnh Tây Ninh, cũng như nhiều tỉnh, thành trong nước giãn cách xã hội phòng, chống đại dịch Covid-19, hình ảnh những người trẻ “đóng khung” kín mít từ đầu tới chân trong bộ đồ bảo hộ, hăng hái xông vào các khu vực phong toả làm nhiệm vụ khiến nhiều người cao tuổi bồi hồi nhớ lại thời thanh xuân của mình.
Tuy không phải lao vào nơi có nguy cơ cao do bệnh dịch, nhưng cũng là nơi đầy nhọc nhằn, vất vả, đổ công sức xuống đồng đất khô cằn để đào đắp những dòng kênh, đưa dòng nước ngọt lành tưới mát cho các vùng chuyên canh cây nông nghiệp của tỉnh.
Cách nay gần 40 năm, từ tháng 10.1982, thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Tỉnh đoàn và các huyện Hoà Thành, Châu Thành, Gò Dầu, Trảng Bàng đã thành lập 5 Liên đội Thanh niên xung phong (TNXP) để thực hiện nhiệm vụ xây dựng kinh tế, cụ thể là tập trung xây dựng các công trình trên kênh đòi hỏi phải có kỹ thuật cao thuộc hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng. 5 liên đội này thực sự là những đơn vị “làm thuỷ lợi chuyên nghiệp” nòng cốt của phong trào “Toàn dân làm thuỷ lợi” của tỉnh nhà những năm 1980-1985.
Bên cạnh đó, Tổng đội TNXP Tây Ninh sau khi hoàn thành nhiệm vụ phục vụ chiến đấu trong chiến tranh biên giới, hầu hết cán bộ, đội viên trở về địa phương tham gia phong trào làm thuỷ lợi, bộ phận còn lại chuyển sang tham gia Tổng đội TNXP xây dựng kinh tế (XDKT) của tỉnh, thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông, lâm trường, sản xuất cây công nghiệp.
Sau khi hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng - Tây Ninh hoàn thành năm 1985, hơn 35 năm qua, hiệu ích của “đại công trình thuỷ nông” này đã làm thay đổi nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhà.
Ðồng đất Tây Ninh vốn chỉ sản xuất được một vụ trong năm, lệ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, đã trở thành những vùng đất trù phú nhờ thực hiện thâm canh, tăng lên 2-3 vụ trong năm với cơ cấu cây trồng của một nền nông nghiệp toàn diện đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ðời sống nông dân, chiếm phần lớn dân số Tây Ninh, không ngừng nâng lên, góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà.
Hơn 4 thập niên trôi qua, những người từng một thời cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, quê hương Tây Ninh nay đều cao tuổi, người trẻ nhất thời ấy bây giờ tuổi cũng đã quá 60.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ TNXP, họ trở về địa phương cần cù lao động sản xuất để nuôi sống bản thân và gia đình. Có nhiều người thành công trong cuộc mưu sinh, những cũng nhiều người chưa có được mức sống khá giả.
Mặc dù vậy, với phương châm sống “Trẻ xung phong - Già mẫu mực”, họ đều là những công dân tốt ở địa phương, sẵn sàng tham gia mọi phong trào do địa phương phát động.
Khi Hội Cựu TNXP được thành lập, họ trở thành hội viên và lại có dịp đoàn kết cùng nhau để thực hiện các phong trào do Hội phát động, như làm nhiệm vụ “nhân chứng lịch sử” và “nghĩa tình đồng đội” giúp nhau cùng vươn lên trong cuộc sống.
Tuy nhiên, lâu nay, các cựu TNXP cũng có một chút nỗi niềm riêng. Ðó là chuyện, cùng là TNXP thuộc các đơn vị được thành lập sau ngày 30.4.1975, nhưng TNXP phục vụ chiến đấu trong chiến tranh biên giới thì được hưởng chế độ theo Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ, với khoản tiền trợ cấp một lần và tấm thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) trọn đời; trong khi đó, cựu TNXP xây dựng kinh tế chưa có chế độ đãi ngộ nào, mặc dù tất cả cựu TNXP thuộc các phiên hiệu đơn vị thành lập sau 30.4.1975 đều được Trung ương Ðoàn trao tặng kỷ niệm chương TNXP để đánh dấu sự cống hiến và trưởng thành trong lực lượng TNXP.
Ðã nhiều lần, các cấp Hội Cựu TNXP đề xuất có chính sách đãi ngộ cựu TNXP-XDKT. Mãi gần đây, Bộ Nội vụ có Công văn số 1734/BNV-CTTN gửi các bộ, ngành liên quan, Trung ương Ðoàn, Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam, Sở Nội vụ, Hội Cựu TNXP các tỉnh, thành yêu cầu thống kê đầy đủ, chính xác đội ngũ TNXP khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng kinh tế giai đoạn sau 30.4.1975 để làm cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương xây dựng văn bản giải quyết chế độ, chính sách cho đối tượng TNXP này.
Ðặc biệt, công văn của Bộ Nội vụ không chỉ yêu cầu thống kê số lượng đối tượng TNXP mà còn đề nghị các ngành, các cấp Hội có kiến nghị đề xuất hướng giải quyết chế độ chính sách cho cựu TNXP sau 30.4.1975.
Thực hiện công văn của Bộ Nội vụ, Hội Cựu TNXP Tây Ninh thống kê chính xác được 1.728 cựu TNXP-XDKT của 5 liên đội TNXP thuộc Tỉnh đoàn, thuộc các huyện (thị xã) Hoà Thành, Châu Thành, Gò Dầu, Trảng Bàng và Tổng đội TNXP-XDKT Tây Ninh.
Danh sách này đã được Hội Cựu TNXP Tây Ninh xác lập và gửi đến cơ quan chức năng kèm theo kiến nghị sớm có chế độ, chính sách đối với lực lượng cán bộ, đội viên cựu TNXP tham gia công tác khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng kinh tế giai đoạn sau 30.4.1975 được hưởng chế độ, chính sách hoặc ít nhất cũng được cấp thẻ BHYT suốt đời.
Nguyễn Tấn Hùng