Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chơn Bà Đen thời kháng chiến
Thứ tư: 07:36 ngày 17/10/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Như chúng tôi đã thông tin ở bài trước là phần đất của 2 tổng Bang Chơ Rum và Chơn Bà Đen là nơi lực lượng cách mạng miền Đông và Tây Ninh dựng lên huyện căn cứ Dương Minh Châu suốt chín năm kháng chiến chống Pháp.

Khánh thành tượng đài chiến thắng Junction City năm 2015.

Tân Châu hiện có di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia gọi là căn cứ Xứ uỷ Nam bộ (X40 Đồng Rùm). Sách Di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh tỉnh Tây Ninh, trong bài viết về di tích này (trang 42) có đoạn: “Năm 1946, lực lượng kháng chiến Tây Ninh rút ra rừng xây dựng căn cứ. Chi đội 11 sau là trung đoàn 311 đóng ở Đồng Rùm, lập công binh xưởng sản xuất vũ khí…”.

Tháng 5.1951, thực hiện sự chỉ đạo của Xứ uỷ Nam bộ, huyện căn cứ Dương Minh Châu được thành lập. Và cuối năm ấy thì: “Trung ương Cục miền Nam và Bộ Tư lệnh Nam bộ đã về Dương Minh Châu xây dựng căn cứ đứng chân tại Tà Dơ- Đồng Rùm…” (sách Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Dương Minh Châu (1945-2015)- Đảng bộ huyện Dương Minh Châu xuất bản 2015).

Lúc này, Xứ uỷ đã đổi lại là Trung ương Cục từ ngày 7.6.1951. Cũng trong thời điểm này, lực lượng vũ trang huyện là Đại đội 31 (C31) được thành lập với 31 cán bộ chiến sĩ, do Huyện uỷ trực tiếp chỉ huy, gọi là Ban Cán sự phụ trách quân sự (ngày 2.6.1951, sđd).

Từ đây, đã có biết bao trận đánh dũng cảm của cả Trung đoàn 311 và C31 trên miền đất căn cứ địa xây dựng ở Chơn Bà Đen và Bang Chơ Rum ấy. Các văn nghệ sĩ cách mạng cũng từ đấy mà viết nên các ca khúc “để đời”, như Hoàng Việt với: Lên ngàn, Lửa sáng, Nhạc rừng… Đặc biệt với Nhạc rừng có một câu ca: “Miền Đông gian lao mà anh dũng” đã mãi mãi gắn liền với lịch sử hào hùng của chiến khu Dương Minh Châu và cả một vùng rộng lớn đất miền Đông.

Những địa danh lịch sử như Tà Dơ, Đồng Rùm nay đã ở về phía Bắc lòng hồ Dầu Tiếng, thuộc huyện Tân Châu. Chiến công lớn nhất cũng đã diễn ra tại đây. Sách đã dẫn viết: “Từ ngày 15.11.1952 đến ngày 7.12.1952, Bộ Chỉ huy Pháp ở Việt Nam đã điều động một lực lượng lớn gồm 20 tiểu đoàn bộ binh, 1 trung đoàn xe quân sự các loại, trong đó có xe tăng, hàng trăm máy bay chiến đấu, hàng trăm khẩu pháo phối hợp chia nhiều mũi đánh vào khu căn cứ ta. Hướng đột phá chủ yếu của địch là khu vực Tà Dơ-Đồng Rùm… thực hiện ý đồ bắt gọn Trung ương Cục, Bộ Tư lệnh Nam bộ…”.

Trong tình hình các chiến trường cả nước năm ấy, khi địch bị căng quân ra đối phó ở khắp 3 miền, thì rõ ràng đây là một áp lực lớn nhất của quân Pháp ở Nam bộ. Dù vậy, kết quả như ta đã biết: “Bộ chỉ huy Pháp buộc phải ra lệnh chấm dứt cuộc hành quân sau 13 ngày đêm húc đầu vào căn cứ. Để lại cho chúng những hội chứng nặng nề: 716 tên xâm lược bị quân dân ta loại khỏi vòng chiến đấu, trong đó chết 300 tên, 10 tên bị bắt làm tù binh, bị bắn rơi 2 máy bay, bị bắn cháy 25 xe quân sự các loại…” (sđd, trang 152).

Và còn cả những chiến công không thể đong, đo. Như chiến công của Trung đội 9, C31 của huyện Dương Minh Châu. Giữa lúc quân Pháp tập trung binh hùng tướng mạnh bao vây khép kín vùng Tà Dơ - Đồng Rùm thì: “Trung đội 9, C31 được lệnh khẩn cấp hành quân… là người địa phương, thông thạo địa hình, thực hiện nhiệm vụ tuyệt mật: Bảo vệ, mở đường xuyên rừng đưa đoàn cán bộ cấp trên lên biên giới…” (sđd).

Sách còn trích một đoạn hồi ký của ông Huỳnh Văn Một, Bí thư kiêm Chủ tịch huyện căn cứ. Rằng: “Trong đoàn cán bộ có đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ uỷ (TWC), các đồng chí Phạm Hùng, Nguyễn Đức Thuận cùng nhiều cán bộ chủ chốt của Xứ uỷ...”. Chỉ 10 ngày sau, đoàn đã đến nơi an toàn. B9, C31 đã xuất sắc hoàn thành một nhiệm vụ liên quan đến sự sống còn của cách mạng miền Nam vào giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Pháp.

Câu chuyện Chơn Bà Đen đến đây tưởng đã xong, với gương mặt sáng ngời của một căn cứ địa lẫy lừng trên đất Tây Ninh. Nhưng sau 1954, Chơn Bà Đen lại tiếp tục có một dung mạo khác, như để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến tiếp tục còn gay go quyết liệt hơn gấp bội phần. Mục từ Châu Thành (trang 300 sách Từ điển Địa danh… Nam bộ) có đoạn: “Ngày 28.3.1957 giải thể 3 tổng Khăn Xuyên, Bang Chơ Rum và Ta bal Yul, nhập địa bàn vào tổng Chơn Bà Đen…”.

Mục Khăn Xuyên, trang 505 lại cho biết: “Tổng thuộc hạt tham biện Tây Ninh từ 16.8.1877 trên phần đất hữu ngạn sông Vàm Cỏ gồm các làng mới lập là: Compong Nghĩ Đắt Po, Đây Xoài, Praha Miết, Phum Xoài Chắc Sre, Rừng Vang CakHap, Tapang Robon, Tapăng Sue, Tanheng Prei Chẹt”.

Chỉ 5 làng có những cái tên dài và khó đọc ấy thôi, đã là cả một vùng biên giới dài dặc bên hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông. Đối chiếu với bản đồ hành chính hiện nay, Khăn Xuyên kéo dài từ các xã Biên Giới, Phước Vinh, Hoà Thạnh kéo qua Ninh Điền của huyện Châu Thành, tới Rừng Nhum Long Phước của huyện Bến Cầu, cho đến tận xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng. Còn Xoài Praha Miết chính là ở vị trí xã Biên Giới. Phum Xoài Chăc Sre là khu vực xã Long Phước hiện nay và một phần xã Ninh Điền. Còn Tanheng Prei Chẹt chính là tên xưa của xã Bình Thạnh, nơi có ngôi đền tháp cổ nổi tiếng có từ thế kỷ thứ VIII còn đứng vững đến ngày nay.

Cuộc sáp nhập cuối cùng vào tổng Chơn Bà Đen trong tháng 3.1957 ấy đã làm cho tổng này có kích thước bất thường nhất trong lịch sử về địa giới hành chính tỉnh Tây Ninh. Đấy là tổng có chiều dài suốt gần 240 cây số đường biên giới. Cũng bị đứt quãng ở vài chỗ. Như ở Hoà Hiệp, Tân Biên hay Long Khánh, Long Thuận- huyện Bến Cầu.

Tổng kéo dài từ thôn Con Trăng tổng Bang Chơ Rum (nay là ấp Con Trăn, xã Tân Hoà, Tân Châu) ở góc Đông Bắc tỉnh, cho tới tận làng Tanheng Prei Chẹt của tổng Khăn Xuyên (nay là Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng). Không có một ông cai tổng nào với vài vị quan chức hàng tổng có thể kiểm soát cho được trên thực tế. Việc mở rộng tổng Chơn Bà Đen năm ấy chỉ có thể mang ý nghĩa tượng trưng nào đó; mà quyền lực thật sự phải là do chính quyền tỉnh Tây Ninh của chế độ Sài Gòn trực tiếp quản lý. Ý nghĩa tượng trưng có thể là:- Nơi nào còn là Chơn (núi) Bà Đen thì còn thuộc tỉnh Tây Ninh. Còn ý nghĩa thực tế, là để tiện cho việc khai thác rừng, thể hiện ở việc bà đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân đã mở con đường khai thác gỗ ở vùng này vào những năm “chiến tranh một phía” 1954-1959, nay là đường 795.

Trên thực tế, chính quyền Sài Gòn chưa bao giờ kiểm soát được vùng đất tổng Chơn Bà Đen, dù sau này họ cũng đã lập các tổng xã mới. Ngày 4.3.1958, họ đổi tên tổng Chơn Bà Đen thành tổng Lộc An (Sđd). Trong đó, xã Tà Nốt thành xã Phước Hoà, nay là xã Tân Bình. Đây chính là nơi hiện có Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát. Những năm kháng chiến chống Mỹ, đây là căn cứ của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục. Xã Phum Xoài thành xã Phước Trường, nhưng trên thực tế đấy là vùng căn cứ Ninh Điền của chính quyền cách mạng.

Bên tả ngạn sông Vàm, xã Ta Păng Prosoc thành xã Phước Vinh; nơi trú đóng của các cơ quan Trung ương Cục và tỉnh, huyện Châu Thành. Bên kia sông là các xã Đây Xoài, Praha Miết thành các xã Phước Lộc, Phước Lợi (nay là Biên Giới, Hoà Thạnh) cũng là vùng căn cứ vững chắc của Huyện uỷ Châu Thành… Chiến khu Dương Minh Châu đã mở rộng thành vùng căn cứ Bắc Tây Ninh, nơi đứng chân của các căn cứ đầu não của cách mạng miền Nam suốt từ năm 1961 đến 1975.

Chơn Bà Đen, dù tên tuổi đã bị địch xoá đi nhưng vẫn tiếp tục thực hiện sứ mệnh cao cả của mình. Đấy là bảo bọc, nâng đỡ những đoàn quân đi giải phóng quê hương cho đến ngày toàn thắng.

TRẦN VŨ

Tin cùng chuyên mục