Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chống lãng phí từ những điều cụ thể và thiết thực
Thứ năm: 10:37 ngày 29/12/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Mới đây, tại một Hội thảo khoa học của Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), khi kết thúc, một nữ tiến sĩ trẻ trong ban tổ chức nhẹ nhàng đề nghị: Các đại biểu làm ơn cho ban tổ chức xin lại chiếc túi nhựa chứa thẻ đại biểu để có thể tái sử dụng trong các hội thảo sau.

Phần thẻ tên thì đại biểu có thể giữ lại. Nhiều vị khách bất ngờ, nhưng tất cả đều vui vẻ thực hiện điều được yêu cầu. Việc này nhỏ, nhưng ngẫm nghĩ rộng ra lại thấy có ý nghĩa lớn...

Trên thực tế, lãng phí đang tràn lan ở mọi cấp, ngành, địa phương và hoạt động kinh tế - xã hội quanh ta, với đủ mọi dạng và mức độ, mà hậu quả có thể lớn, đáng sợ và nguy hiểm không kém gì những vụ án tham nhũng. Nếu như tham nhũng chỉ tập trung ở một bộ phận nhất định, gây ra những tác hại cụ thể và đang được cả xã hội tập trung đấu tranh quyết liệt; thì lãng phí lại có thể đến từ bất kỳ ai, có thể trực tiếp hay gián tiếp gây ra. Lãng phí có thể kéo dài, lặp đi lặp lại ở công sở, trên công trường và thậm chí trong từng gia đình. Lãng phí “mờ ảo” khó nhận diện hơn, dễ lan tràn ở diện rộng hơn. Ngoài lãng phí tiền bạc, vật chất, nhiều loại lãng phí khác làm hao mòn các nguồn lực xã hội nhưng thật khó tính toán, lượng hóa: thời gian, công sức, tâm trí... Lãng phí gần như vô hình và dường như dễ khiến không ít người chấp nhận, “dễ tính” với chúng. Chính vì thế lâu nay dù đã được nhận diện, chỉ rõ nhưng vẫn còn không ít nơi, ít chỗ chưa thật sự đấu tranh quyết liệt với những biểu hiện lãng phí.

Biểu hiện thứ 6 về suy thoái đạo đức, lối sống đã được Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII “điểm mặt chỉ tên”: Quyết định hoặc tổ chức thực hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên...; đầu tư công tràn lan, hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả; mua sắm, sử dụng tài sản công vượt quy định; chi tiêu công quỹ tùy tiện, vô nguyên tắc. Sử dụng lãng phí nguồn nhân lực, phí phạm thời gian lao động.

Chúng ta đang nỗ lực chống lại, loại trừ những biểu hiện xấu đó trên phạm vi tổng thể, cũng như với mỗi cá nhân. Trong thực tế, lãng phí xảy ra không chỉ vì cơ sở vật chất chưa hoàn thiện, cơ chế quản lý chưa đồng bộ, công nghệ lạc hậu, mà chủ yếu do thiếu nhận thức và ý thức tự giác của mỗi người. Chống lãng phí trước hết phải bắt đầu từ nâng cao ý thức cùng với việc hoàn thiện kiến thức để mỗi cá nhân cũng như cả tổ chức có thể thực hành tiết kiệm một cách hiệu quả. Việc chống lãng phí sẽ có hiệu quả hơn nếu đội ngũ cán bộ có ý thức trách nhiệm và được ràng buộc bằng những quy định, chế tài cụ thể, nghiêm khắc; đồng thời phát huy hiệu quả quyền giám sát của nhân dân về phẩm chất của cán bộ, nhận diện, chỉ rõ những khâu, những việc chưa hiệu quả, còn lãng phí, để “dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta” như Bác Hồ đã căn dặn...

Chúng ta đang hướng tới mục tiêu xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp đồng nghĩa với việc cần nỗ lực nhiều hơn để chống lãng phí trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội.

Chống lãng phí là chuyện lớn, chuyện chung nhưng không phải là điều cao xa, hoàn toàn có thể bắt đầu từ những việc nhỏ, cụ thể và hiệu quả như câu chuyện nhỏ trong một hội thảo khoa học không lớn nêu trên...

Nguồn Báo Nhân dân

Tin cùng chuyên mục