Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Hiện tại trên địa bàn Tây Ninh đang là mùa khô, mùa cao điểm trong phòng, chống cháy rừng. Với cảnh báo cháy rừng ở mức 5, mức cảnh báo cực kỳ nguy hiểm, do đó công tác siết chặt quản lý, chủ động phòng, chống cháy rừng luôn được đặt ra hàng đầu và được các đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm túc, nhanh chóng.
Ông Nguyễn Văn Công- Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết, ngay từ đầu mùa khô, Văn phòng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững (gọi tắt là Văn phòng Ban chỉ đạo tỉnh) đã phối hợp cùng các sở, ngành và địa phương tổ chức kiểm tra công tác phòng chống cháy rừng (PCCR) trên các địa bàn rừng trong tỉnh.
Lực lượng kiểm lâm và Cảnh sát PCCC kiểm tra công tác phòng, chống cháy rừng tại Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát.
Qua kiểm tra đợt này cho thấy, các Ban quản lý rừng (chủ rừng) và UBND các xã có rừng đã tích cực xây dựng các phương án, kế hoạch phòng cháy chữa cháy rừng để triển khai thực hiện trong mùa khô 2020.
Cụ thể, một số đơn vị đã phối hợp cùng Hạt kiểm lâm, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về công tác PCCR cho các hộ nhận khoán rừng trồng, bảo vệ rừng và các tổ chức, nhân dân sống gần rừng bằng nhiều hình thức phù hợp thông qua các phương tiện truyền thanh; rà soát, bổ sung các biển cấm lửa, cấm chặt phá rừng; lập bản cam kết việc chấp hành các quy định về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng đối với người dân, cộng đồng dân cư sống ven rừng, trong rừng. Vận động nhân dân nêu cao ý thức, trách nhiệm tham gia bảo vệ rừng, phòng cháy rừng, sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra.
Các máy móc, phương tiện, dụng cụ, bản đồ PCCR phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng đã được trang bị, sửa chữa, nâng cấp và đã bố trí xuống từng chốt, tổ, đội bảo vệ rừng phù hợp với tình hình thực tế của từng đơn vị.
Theo ông Công, về cơ bản các Ban quản lý rừng đã thực hiện xong các công đoạn chăm sóc phòng cháy đối với rừng trồng. Làm đường băng trắng cản lửa, đốt trước vật liệu dễ gây cháy, chống cháy lan vào rừng, các đơn vị thực hiện đến nay đạt hơn 90% khối lượng, do một số nơi trong rừng, ven rừng thực bì còn tươi, tuy nhiên thực bì khô đến đâu sẽ tiếp tục xử lý dứt điểm.
Có kế hoạch phân công lực lượng, bố trí phương tiện, dụng cụ tại chỗ các khu vực trọng điểm, tổ chức bố trí lực lượng 24/24 giờ tại các chốt, trạm, đồng thời tổ chức tuần tra kiểm soát người, phương tiện ra vào rừng, nhằm cảnh báo ngăn chặn nguy cơ xảy ra cháy, phá rừng, sẵn sàng huy động chữa cháy ở mọi thời điểm trong suốt mùa khô năm 2020, nhất là các khu vực rừng giáp biên giới Campuchia…
Cán bộ bảo vệ rừng Vườn Quốc gia thường xuyên kiểm tra các công cụ chữa cháy để bảo đảm hoạt động tốt khi có sự cố xảy ra.
Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát là nơi có tổng diện tích rừng được giao quản lý sử dụng khá lớn, gồm 19.197,23 ha. Trong đó, rừng tự nhiên 15.476,14 ha, rừng trồng có diện tích 1.893,76 ha, còn lại 1.831,45 ha là đất chưa có rừng. Ông Châu Văn Văn- Giám đốc đơn vị này cho biết, trong công tác PCCR, việc xác định đúng các vùng trọng điểm dễ cháy là cơ sở quan trọng để chủ động trong PCCR và tổ chức chữa cháy rừng.
Trong mùa khô năm nay, đối với khu vực rừng trồng, hầu hết diện tích đã được các hộ dân nhận khoán trồng rừng thực hiện tốt khâu trồng, chăm sóc, chống cháy bằng nguồn kinh phí nhà nước đầu tư hằng năm.
Tuy nhiên, còn một số hộ dân thực hiện chống cháy chưa kịp thời, chống cháy không đạt yêu cầu đã bị đơn vị tiến hành lập biên bản, yêu cầu các hộ nhận khoán phải thực hiện lại quy trình cày chống cháy theo đúng quy định.
Đối với các trảng cỏ tiếp giáp, đơn vị đã giao cho các chốt, đội PCCCR tổ chức làm đường băng cản lửa rộng 10m và xử lý đốt trước vật liệu cháy để tạo thành các băng trắng tránh cháy lan. Trong đó để đảm bảo đốt có kiểm soát, tránh cháy lan trên diện rộng, các đội PCCCR phải kiểm tra chặt chẽ trong quá trình đốt chủ động này.
Cũng theo ông Văn, một khu vực không kém phần quan trọng là diện tích rừng tự nhiên cũng được Vườn quốc gia chủ động đốt ven đường từ 10 đến 20m, đốt cục bộ dưới tán rừng vào thời điểm thích hợp ban đêm hoặc sáng sớm lúc gió nhẹ để không ảnh hưởng đến số cây tái sinh, đặc biệt là rừng khộp RIIA.
Một giải pháp PCCR nữa là đẩy mạnh công tác phối hợp và tuyên truyền. Các giải pháp này được Vườn quốc gia chú trọng và tổ chức thực hiện trong thời gian qua. Cụ thể, đơn vị đã xây dựng kế hoạch phối hợp trong công tác PCCCR với các đơn vị có liên quan như các đồn biên phòng đóng chân trên địa bàn, UBND các xã Hoà Hiệp, Tân Lập, Tân Bình và Ban chỉ huy quân sự huyện.
Hệ thống đường băng ngăn lửa tại Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát.
Cùng với đó, thực hiện tuyên truyền các văn bản pháp luật về PCCCR trên 3 bộ đèn led đặt tại khu hành chính dịch vụ, Hạt kiểm lâm và đội quản lý bảo vệ rừng Lò Gò nhằm cung cấp thông tin cho người dân sinh sống trong 4 xã vùng đệm Vườn quốc gia nắm và thực hiện tốt các quy định trong lĩnh vực này.
Song song đó, tuyên truyền ý thức trách nhiệm khi sử dụng lửa ven rừng, trong rừng vào các tháng cao điểm mùa khô, kiểm soát chặt chẽ tình hình người ra vào rừng. Xây dựng các bảng nội quy bảo vệ rừng và PCCCR, biển cấm lửa và biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng, in ấn và phát hành các tài liệu phổ biến về PCCCR cùng các số điện thoại của lãnh đạo Vườn, các đội bảo vệ rừng cũng như các đơn vị phối hợp.
Ghi nhận tại một buổi kiểm tra công tác phòng chống cháy rừng vừa qua cho thấy, hầu hết các đội, các đơn vị trực thuộc luôn trong tư thế sẵn sàng xử lý các tình huống về cháy rừng nếu có xảy ra. Từng đơn vị, chốt quản lý luôn đặt các dụng cụ, phương tiện chữa cháy trong tư thế sẵn sàng thực hiện chữa cháy ở mức cao nhất. Các bồn chứa nước tăng cường được đặt cạnh bìa từng, luôn được kiểm tra thường xuyên để bảo đảm phát huy tốt nhất hiệu qủa công tác PCCCR.
Hiện tại, Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát có 4 chòi tháp canh lửa, bao gồm 2 tháp được xây dựng bê tông và 2 tháp bằng thép, các tháp canh lửa này luôn có nhân viên quan sát thường xuyên hằng ngày bằng mắt thường hoặc ống nhòm để kịp thời phát hiện, xử lý các tình huống xảy ra, không để bùng phát cháy ở mức độ quy mô lớn.
Đức An