Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi
Thứ sáu: 09:36 ngày 10/02/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Những ngày gần đây, một số dịch bệnh trên vật nuôi đã xuất hiện trở lại ở một số tỉnh, thành phố. Ngày 8-2, UBND xã Phổ Cường (Ðức Phổ, Quảng Ngãi), đã tiêu hủy đàn vịt (382 con) của ông Nguyễn Hiệp ở thôn Mỹ Trang bị nhiễm cúm A/H5N6.

Trước đó, huyện Diễn Châu (Nghệ An) cũng tiêu hủy gần 1.000 con vịt bị nhiễm bệnh. Tại Bạc Liêu, cơ sở chăn nuôi của ông Võ Thanh Tùng (ngụ ấp Vĩnh Phú A, xã Vĩnh Phú Ðông, huyện Phước Long) có gần 2.800 con gà bị nhiễm vi-rút cúm A/H5N1 được các cơ quan chức năng xử lý kịp thời. Hiện ở Hà Tĩnh còn hai ổ dịch lở mồm long móng tại xã Ðức Lập, huyện Ðức Thọ và phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh… Không chỉ ở Việt Nam, một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Cam-pu-chia cũng đã xuất hiện dịch bệnh trên vật nuôi, trong đó có chủng loại vi-rút độc lực cao.

Ðiều đáng lo là, các địa phương có dịch nêu trên hoặc có tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin thấp cho nên không đủ đáp ứng miễn dịch, hoặc vốn là các ổ dịch cũ, mầm bệnh đã lưu hành trong môi trường, gặp điều kiện thuận lợi dẫn đến phát sinh dịch trở lại. Thêm vào đó là ý thức phòng, chống dịch của một số người dân còn kém. Nhiều hộ chăn nuôi đã giấu dịch, khi gia súc, gia cầm mắc bệnh thì "tự xử" bằng cách bán chạy, hoặc chôn lấp sơ sài, hay "tiện tay" quăng thẳng ra hồ ao… làm cho vùng có dịch mở rộng. Diễn biến bất thường của thời tiết cũng là điều kiện để các loại dịch bệnh phát tán và lây lan trên diện rộng…

Để khống chế dịch bệnh, bảo đảm an toàn đàn gia súc, gia cầm các địa phương cần chủ động nắm chắc tình hình các ổ dịch ngay từ khi mới bùng phát để khoanh vùng, dập dịch ngay từ trong "trứng nước". Muốn vậy trước hết phải nâng cao nhận thức trong phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm từ người chăn nuôi, ngay từ việc thực hiện tiêm phòng vắc-xin bắt buộc, đủ liều cho đàn gia súc, gia cầm. Thậm chí, có biện pháp cưỡng chế tiêm phòng vắc-xin trong vùng dịch và khu vực có nguy cơ cao, dịch bệnh tái phát nhiều lần. Ngành nông nghiệp cần chủ động hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn, nhất là trong những ngày mưa rét đậm, rét hại cần che chắn chuồng trại, cung cấp đủ dinh dưỡng, bổ sung thức ăn tinh và xanh để gia súc, gia cầm có thể chống chọi với thời tiết bất lợi.

Ðặc biệt, khi phát hiện gia súc, gia cầm ốm, chết bất thường không được giấu dịch mà phải chủ động thông báo đến các cơ quan chức năng để có biện pháp tập trung khoanh vùng dập dịch và xử lý ngay từ ổ dịch. Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiêm các quy định về kiểm tra, kiểm soát không để người dân vận chuyển gia súc, gia cầm "bán chạy" ra ngoài vùng có dịch, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra, bảo đảm an toàn cho đàn gia súc, gia cầm, phục vụ sản xuất, sức khỏe người dân và môi trường sinh thái.

Nguồn Báo Nhân dân

 

Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Tin cùng chuyên mục