BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chủ động thích ứng già hóa dân số

Cập nhật ngày: 02/03/2017 - 08:58

Già hóa dân số, với việc người cao tuổi tăng mạnh cả về số lượng và tỷ lệ so với tổng số dân là một kịch bản sẽ xảy ra ở hầu hết các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Thực tế cho thấy số người cao tuổi ở nước ta gia tăng nhanh chóng và Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, nhanh hơn so với dự báo trước đây (vào năm 2017). Việt Nam được xếp vào danh sách là một trong 10 nước có tỷ lệ già hóa dân số cao nhất thế giới. Với tốc độ tăng như hiện nay, chỉ cần khoảng 20 năm để chuyển đổi từ già hóa dân số sang dân số già. Dự báo, theo phương án trung bình, đến năm 2049, người cao tuổi (60 tuổi trở lên) trong cả nước sẽ vượt mức 27% số dân với hơn 30 triệu người trong tổng số 113 triệu dân.

Tỷ lệ và số lượng người cao tuổi tăng nhanh là thành tựu quan trọng do thực hiện thành công các chương trình kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi tầng lớp nhân dân. Nhưng già hóa dân số đối với một nước có trình độ phát triển kinh tế và xã hội còn thấp như nước ta là một thách thức rất lớn về nhiều mặt.

Quá trình già hóa dân số là tất yếu nhưng biết được điều đó và có phương án thích ứng phù hợp là điều cần được quan tâm. Bài học của những nước đã có quá trình già hóa dân số trước Việt Nam cho thấy việc thích ứng với quá trình này là thực hiện chiến lược “già hóa chủ động” tạo cơ sở để “già hóa thành công”.

“Già hóa chủ động” hiểu một cách đơn giản là chủ động chuẩn bị cho giai đoạn này trên ba trụ cột chính sách để giải quyết các vấn đề kinh tế, sức khỏe và sự tham gia các hoạt động xã hội của người cao tuổi. Chủ động bằng cách khai thác tốt nhất “cơ cấu dân số vàng” tạo nền tảng kinh tế ngày càng vững mạnh để chuẩn bị cho một xã hội ngày càng có nhiều người cao tuổi hơn.

Chủ động bằng cách thiết lập được hệ thống an sinh xã hội rộng khắp, công bằng giữa nam giới và phụ nữ, giữa người lao động trong khu vực chính thức và phi chính thức dựa trên sự đóng góp của người dân khi đang làm việc và được hưởng lương hưu đủ sống khi họ về già. Chủ động trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội trợ giúp những người cao tuổi không có con cái, hoặc con cái không có điều kiện chu cấp và chăm sóc bố mẹ già.

“Già hóa chủ động” cũng bao gồm việc hoàn thiện hệ thống dịch vụ y tế, xã hội, văn hóa và xây dựng môi trường phù hợp với đặc điểm của người cao tuổi.

Già hóa dân số làm cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi ngày càng tăng lên vì tuổi càng tăng thì tỷ lệ người cao tuổi có sức khỏe không tốt, có cùng lúc nhiều bệnh, chủ yếu là các bệnh không lây nhiễm, bệnh mãn tính (tim mạch, huyết áp, tiểu đường, xương khớp, suy giảm trí nhớ...) và đòi hỏi thời gian chữa trị kéo dài, chi phí tốn kém.

Với điều kiện thực tế ở nước ta, các chuyên gia đã chỉ rõ cần sớm xây dựng hệ thống chăm sóc y tế không chỉ đáp ứng nhu cầu mà còn có thể giúp làm chậm lại quá trình lão hóa ở người cao tuổi. Ngoài điều trị và chăm sóc y tế thì rất cần một mạng lưới cơ sở hỗ trợ người cao tuổi. Ở đó lấy người cao tuổi làm trung tâm, chung quanh là người thân, gia đình, hàng xóm rồi nhóm sinh hoạt cộng đồng, câu lạc bộ người già, hội tình nguyện...

Nguồn Báo Nhân dân