BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa

Cập nhật ngày: 23/09/2015 - 02:30

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu chỉ đạo đại hội. Ảnh: TTXVN
 

Biểu dương tỉnh Thanh Hóa là vùng đất địa linh, nhân kiệt, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, yêu nước và cách mạng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ: Trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang dưới sự lãnh đạo của Đảng 85 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, lập nhiều chiến công và thành tích xuất sắc, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch nước đánh giá cao nhiệm kỳ vừa qua, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt những thành tựu quan trọng và tương đối toàn diện trên các lĩnh vực.

Chủ tịch nước cho rằng: Tự hào về thành tựu đã đạt được nhưng cần phải nghiêm túc, thẳng thắn thấy rằng tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trên cả 3 vùng biển, đồng bằng, trung du, miền núi còn chưa được khai thác, phát huy có hiệu quả. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt chỉ tiêu đề ra, kinh tế phát triển chưa bền vững, tăng trưởng vẫn chủ yếu theo chiều rộng.

Việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào các lĩnh vực còn chậm, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp, chưa có sản phẩm có thương hiệu, có uy tín cao trên thị trường. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch còn chậm; thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với cả nước. Tiến độ triển khai một số dự án đầu tư trọng điểm trên địa bàn còn chậm. Đời sống một số bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.

Quang cảnh đại hội. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước gợi mở một số nội dung. Đó là: Tỉnh Thanh Hóa cần phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế toàn diện; có nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế, trong đó Khu kinh tế Nghi Sơn là một trong các khu kinh tế trọng điểm của cả nước, là động lực để phát triển mạnh mẽ kinh tế của tỉnh trong thời gian tới; đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng để nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh kinh tế. Cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư để thu hút mạnh mẽ được các nguồn vốn trong nước và nước ngoài.

Bên cạnh đó, tỉnh cần đẩy mạnh phát triển những ngành công nghiệp cơ bản, công nghiệp công nghệ cao, tiếp tục khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp thu hút lao động ở khu vực nông thôn, miền núi. Phát triển mạnh các loại hình dịch vụ, nhất là các dịch vụ cảng biển, vận tải, kho bãi, đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trọng điểm về vận tải – cảng biển của khu vực Bắc Trung Bộ...

Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, yếu tố có ý nghĩa quyết định là phải làm tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng và Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; nâng cao tính tiên phong gương mẫu của người đảng viên; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng trong Đảng bộ.

Theo Báo cáo Chính trị tại Đại hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2011-2015 của tỉnh Thanh Hóa đạt 11,4%/năm, cao nhất trong gần 30 năm đổi mới.

Năm 2015, GDP bình quân đầu người ước đạt 1.530USD; gấp 1,9 lần năm 2010. Sản xuất nông, lâm, thuỷ sản phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; trong đó sản lượng lương thực bình quân hằng năm đạt 1,69 triệu tấn, vượt mục tiêu đại hội.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực. Dự kiến cuối năm 2015 có 86 xã và 36 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới. Công nghiệp, xây dựng duy trì tốc độ tăng trưởng khá, bình quân hằng năm tăng 13,7%.

Nhiều dự án công nghiệp lớn được khởi công và đưa vào hoạt động. Môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh được cải thiện mạnh mẽ. Các chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hội nhập kinh tế quốc tế (PEII) tăng cao và nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Đại hội cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế và GDP bình quân đầu người chưa đạt mục tiêu đại hội.

Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, phát triển thiếu bền vững; chất lượng nông sản, an toàn thực phẩm chưa đáp ứng yêu cầu. Sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp chưa cao; công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp phụ trợ, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn phát triển chậm.

Chất lượng giáo dục giữa các vùng miền chưa đồng đều, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu xã hội. Vẫn còn có tổ chức cơ sở đảng yếu kém, năng lực cán bộ ở một số ngành, địa phương chưa đáp ứng yêu cầu.

Tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số ở các ngành còn thấp. Công tác quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu. Cải cách hành chính có mặt còn hạn chế.

Về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu nhiệm kỳ 2015 – 2020, Đại hội xác định: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; tranh thủ thời cơ, vận hội mới, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư và phát triển, phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh khá của cả nước, đến năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Đại hội cũng đề ra các chỉ tiêu như tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân 5 năm đạt 12%/năm trở lên; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 3.600USD trở lên; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 đạt 50% trở lên; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt trên 70% trở lên; hộ nghèo giảm bình quân trên 2,5%/năm. Bình quân hằng năm kết nạp hơn 7000 đảng viên mới, trên 45% tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh...

Đại hội kết thúc vào ngày 25-9.

Nguồn TTXVN