Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Chiều 4-6, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tiếp Thủ tướng Australia Anthony Albanese đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 3 đến 4-6.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Australia Anthony Albanese. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hoan nghênh ngài Anthony Albanese lần đầu tiên sang thăm chính thức Việt Nam trên cương vị Thủ tướng; nhấn mạnh cùng với chuyến thăm Việt Nam tháng 4-2023 của Toàn quyền Australia David Hurley, chuyến thăm lần này của Thủ tướng Anthony Albanese đã góp phần tạo xung lực mới cho quan hệ đối tác chiến lược trong bối cảnh hai nước đang kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023).
Chủ tịch nước đánh giá cao Australia luôn dành cho Việt Nam nguồn ODA ổn định và đã tích cực hỗ trợ Việt Nam phòng, chống dịch Covid-19 thông qua việc kịp thời hỗ trợ vắc xin với số lượng lớn.
Thủ tướng Anthony Albanese bày tỏ vui mừng gặp lại Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sau cuộc tiếp xúc tháng 5-2023 mới đây nhân dịp tham dự Lễ đăng quang của Nhà vua Anh; bày tỏ ấn tượng trước sự thay đổi của Việt Nam sau mỗi lần thăm.
Thủ tướng Australia khẳng định, Việt Nam luôn là đối tác ưu tiên hàng đầu của Australia trong khu vực và mong muốn không ngừng phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam; đồng thời cho biết, Việt Nam sẽ có một vị trí ưu tiên trong Chiến lược Kinh tế Đông Nam Á đến năm 2040 mà Australia đang xây dựng.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Thủ tướng Australia Anthony Albanese. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng trước sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ hai nước sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân hai nước; đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.
Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị giữa hai nước, coi đây là cơ sở quan trọng cho việc phát triển quan hệ song phương lên tầm cao mới trong thời gian tới. Hai bên vui mừng trước các thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực, nhất là về chính trị - đối ngoại, an ninh - quốc phòng, kinh tế - thương mại - đầu tư, giáo dục - đào tạo, văn hóa, du lịch, thể thao, lao động, khoa học - công nghệ, giao lưu nhân dân, hợp tác địa phương…
Thủ tướng Anthony Albanese vui mừng thông báo Australia vừa quyết định hỗ trợ 105 triệu AUD cho Việt Nam để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng; Đại học RMIT sẽ tăng đầu tư tại Việt Nam lên thành 250 triệu AUD; Đại học Tây Sydney sẽ cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam và khu vực.
Thủ tướng Anthony Albanese cũng hoan nghênh việc các hãng hàng không của Việt Nam là Vietnam Airlines và Vietjet vừa mở thêm các đường bay thẳng tới các thành phố lớn của Australia, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế, du lịch và gia tăng các hoạt động giao lưu giữa nhân dân hai nước.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Australia Anthony Albanese và các đại biểu chụp ảnh chung. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá cao các hoạt động ý nghĩa của Thủ tướng Anthony Albanese trong chuyến thăm, trong đó có giao lưu với hai đội tuyển bóng đá nữ hai nước và thưởng thức ẩm thực Việt Nam có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ Australia.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước đề nghị Australia tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt tại Australia duy trì tiếng Việt, truyền thống, văn hóa Việt và các học sinh, sinh viên Việt Nam tiếp cận thủ tục visa và du học thuận lợi; mở thêm phân hiệu các trường đại học lớn tại Việt Nam; sớm triển khai Bản Ghi nhớ sửa đổi về Chương trình lao động nông nghiệp.
Chủ tịch nước cho biết, Việt Nam sẵn sàng cung cấp lao động tay nghề cao trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ cho Australia và khuyến khích công dân Australia tham gia Chương trình Lao động kỳ nghỉ tại Việt Nam.
Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế, hai bên nhất trí tiếp tục ủng hộ lẫn nhau và hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là Liên hợp quốc, APEC, ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt. Thủ tướng Anthony Albanese tái khẳng định quan điểm của Australia về ủng hộ thượng tôn pháp luật quốc tế ở khu vực và giải quyết tranh chấp tại Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.
Nguồn hanoimoi