Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chủ tịch Quốc hội: Hà Nội luôn trách nhiệm cao với tiết kiệm, chống lãng phí
Thứ ba: 09:46 ngày 23/08/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Chiều 22/8, dự cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Quốc hội với UBND TP Hà Nội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, Hà Nội luôn có tinh thần trách nhiệm cao về tiết kiệm, chống lãng phí trong cả lĩnh vực công lẫn tư.

Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương chủ trì cuộc làm việc. Tham dự có các Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh và lãnh đạo TP Hà Nội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Quốc hội và UBND TP Hà Nội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ảnh: Quochoi.vn

Rà soát, không để lãng phí nguồn lực đất đai

Tại cuộc làm việc, báo cáo của UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí luôn được quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao và xác định là nhiệm vụ trọng tâm của thành phố.  Đáng chú ý trong giai đoạn 2016-2021, TP đã tiết kiệm được gần 42.000 tỷ đồng trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí Ngân sách nhà nước.

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội và các sở, ngành của TP cũng giải trình cụ thể về các ý kiến được các thành viên Đoàn giám sát đặt ra liên quan đến 58 vấn đề cụ thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn Hà Nội.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, Hà Nội đã chuẩn bị báo cáo nghiêm túc, đầy đủ về nội dung này; đồng thời là địa phương luôn có tinh thần trách nhiệm cao về tiết kiệm, chống lãng phí trong cả lĩnh vực công lẫn tư; thực hiện rất tốt Nghị quyết của T.Ư về sắp xếp bộ máy, biên chế. TP Hà Nội cũng là địa phương đã thực hiện hợp lý hoá cơ cấu chi khi đã dành 49% ngân sách cho đầu tư phát triển, chi thường xuyên còn 51%.

Bên cạnh đó, TP Hà Nội rất chú trọng cắt giảm định mức, tiêu chuẩn, chế độ, qua đó tiết giảm được nhiều chi phí, từ vệ sinh môi trường, sửa chữa đê điều, chiếu sáng… TP cũng rất chủ động, rà soát thường xuyên dự án treo, dự án chậm tiến độ. Tỷ lệ thu nội địa (chủ yếu từ thực lực nền kinh tế) của Hà Nội lớn. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Quochoi.vn

Cho biết mục tiêu lớn nhất sau cuộc giám sát lần này là nhằm khai thác các nguồn lực gồm nhân lực, vật lực, tài lực tốt hơn để làm dư địa cho tăng trưởng, phát triển, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ những lĩnh vực còn tồn tại, hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của TP Hà Nội.

Trong đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần kiểm đếm diện tích đất nông nghiệp chưa sử dụng, tình trạng lấn chiếm, sử dụng trái phép đất nông nghiệp, giải quyết câu chuyện đất dịch vụ bởi đây là đặc thù của TP Hà Nội. Làm sớm công tác quy hoạch đất đai, tính toán để có dư địa cho phát triển, khai thác tối đa nguồn lực đất đai. 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Quochoi.vn

Đối với các dự án treo, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, việc thống kê, kiểm điểm là một phần thôi, quan trọng hơn là phải làm sao bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân. “Đối với đất nhà ở xã hội của TP Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ cho phép không cần bố trí theo từng dự án, mà có thể bố trí tập trung, vậy TP Hà Nội đánh giá về vấn đề này như thế nào? Nên theo từng dự án hay tiếp tục bố trí tập trung nhà ở xã hội?" - Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đế. Đồng thời đề nghị, UBND TP Hà Nội báo cáo lại diện tích, số lượng nhà tái định cư chưa sử dụng, diện tích tầng thương mại của khu tái định cư đang bỏ trống và làm rõ vì sao không khai thác được, có vướng mắc gì ở thể chế, chính sách không hay do tổ chức thực hiện.

Nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công

Giải trình vấn đề được Chủ tịch Quốc hội đặt ra liên quan đến tài sản công, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải khẳng định, Hà Nội đã rà soát đầy đủ quỹ nhà tái định cư, nhà ở thương mại, nhưng vướng là ở quỹ nhà chuyên dùng. Những vướng mắc này, TP Hà Nội đã rà soát báo cáo với Bộ Tài chính để có hướng dẫn cụ thể đưa quỹ nhà chuyên dùng vào quản lý, sử dụng có hiệu quả. Với nhà tái định cư, Hà Nội đã thống kê và rà soát, tuy nhiên, cơ chế xác định giá khởi điểm còn vướng mắc khó khăn, nên đang xác định lại nguyên tắc xác định giá khởi điểm…

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại cuộc làm việc.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết thêm, hiện nay dự án nhà ở xã hội đang được Hà Nội quan tâm theo chương trình phát triển nhà ở và nhu cầu của người dân. Quan điểm của TP là nên phát triển nhà ở xã hội theo hướng tập trung thay vì phát triển nhỏ lẻ, và hiện cũng đang đề xuất cơ chế, chính sách theo hướng này.

Liên quan đến câu chuyện nguồn lực đất đai, TP Hà Nội đang tiếp tục rà soát các dự án còn chậm, những dự án không đáp ứng yêu cầu, thủ tục pháp lý thì thu hồi và thực hiện đấu thấu, đấu giá, tạo nguồn vốn hỗ trợ lại cho đầu tư công…

Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Quochoi.vn

Tại cuộc giám sát, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nâng cao hiệu quả nguồn lực tài sản công. TP Hà Nội đang rất nỗ lực làm tốt công việc này, rà soát, đánh giá phân loại từng loại tài sản công, nhất là tài sản đất đai; giám sát toàn bộ các dự án nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư. Chú trọng nâng cao hiệu quả trên 3 lĩnh vực: tài chính, tài sản công (nghiên cứu toàn bộ đơn giá, định mức, trước hết ở lĩnh vực giáo dục); đất đai và các dự án đầu tư công; đẩy mạnh vận hành hệ thống chính quyền, trọng tâm là quản lý đô thị.

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương yêu cầu UBND TP Hà Nội hoàn thiện tốt nhất báo cáo của đoàn giám sát, lượng hoá những vấn đề được chỉ ra; làm rõ khuyết điểm, nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm các cấp để có giải pháp khắc phục… Đồng thời, tiếp tục làm rõ tiêu chí, tiêu chuẩn phát triển đô thị, phát triển trung tâm văn hóa, trung tâm giáo dục, đào tạo khoa học, bảo đảm quốc phòng an ninh, kết hợp phát triển kinh tế, phấn đấu năm 2025 đạt mục tiêu thành phố văn hiến, văn minh, hiện đại, năm 2030 là thành phố có mức sống và cuộc sống cao hơn.

Nguồn kinhtedothi

Tin cùng chuyên mục