BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng: Tây Ninh đã đi đúng hướng khi quyết tâm phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp

Cập nhật ngày: 13/07/2010 - 06:09

(BTNO) – Sáng 12.7, Đoàn công tác do Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đã đến thăm và làm việc tại Tây Ninh. Tiếp đoàn có Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Lê Thị Bân, Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Lê Minh Trọng; Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Võ Văn Phuông; Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Nên cùng các đồng chí Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành tỉnh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng chào các lãnh đạo huyện tại buổi làm việc sáng ngày 12.7.

 

Quang cảnh buổi làm việc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng với lãnh đạo tỉnh.

 

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn phát biểu tại buổi làm việc.

Chuyến thăm và làm việc tại Tây Ninh của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nằm trong khuôn khổ chuyến công tác tại một số tỉnh phía Nam nhằm tìm hiểu tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, an ninh- quốc phòng theo Nghị quyết của Quốc hội, công tác xây dựng Đảng, nhất là kết quả Đại hội Đảng cơ sở, chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Nên cho biết, 6 tháng đầu năm 2010, Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng hơn 10% so với cùng kỳ.  Cơ cấu ngành nông – lâm – ngư nghiệp, công nghiệp – xây dựng và dịch vụ là 27,2% – 27,6% - 45,2% trong khi kế hoạch năm 2010 là 27,5% - 28% - 44,5%.

Chủ tịch Nguyễn Văn Nên cho biết thêm, tính đến  ngày 8.7.2010, đã có 639/639 tổ chức cơ sở Đảng tiến hành xong đại hội, đạt 100 %. Công tác  chuẩn bị, cách thức tiến hành đại hội  bảo đảm chặt chẽ, chu đáo, đúng  quy định. Bầu cử  bảo đảm  dân chủ, công khai, đúng quy chế bầu cử trong Đảng. Hầu hết nội dung các văn kiện đại hội của Đảng bộ, chi bộ được cấp uỷ chuẩn bị kỹ, đầy đủ, nghiêm túc, đúng thể thức, lấy ý kiến đóng góp theo đúng quy định, đúng hướng dẫn.

Thông qua đoàn công tác Quốc hội, Tỉnh uỷ và UBND tỉnh Tây Ninh kiến nghị các Bộ, ngành liên quan sớm xây dựng tuyến đường sắt từ TP. HCM đi cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (dài 55 km) theo Quy hoạch hệ thống đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đây là cầu nối quan trọng giữa Tây Ninh, TP. HCM và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với thị trường Campuchia và các nước ASEAN, tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển kinh tế, thương mại của vùng kinh tế kinh tế trọng điểm, rút ngắn thời gian và giảm áp lực đối với tuyến đường Xuyên Á. Tỉnh đề nghị Trung ương  xem xét cho mở rộng Quốc lộ 22B (đoạn từ Thị xã Tây Ninh đi  huyện Tân Biên, dài khoảng 48 km) tạo điều kiện cho tỉnh cũng như quốc gia đẩy mạnh giao thương với thị trường Campuchia và các nước trong khu vực theo hướng Bắc của tỉnh, qua ngõ cửa khẩu quốc tế Xa Mát, hiện nay tuyến này rất hẹp, không đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị Trung ương quan tâm hỗ trợ kinh phí để nâng cấp, đầu tư  xây dựng, hoàn thiện các tuyến đường giao thông dọc vành đai biên giới. Do đặc điểm địa hình biên giới của Tây Ninh bằng phẳng, dọc hai bên đường tuần tra là các  vùng nguyên liệu trồng các loại cây nông nghiệp, công nghiệp có giá trị kinh tế cao, nhu cầu vận chuyển phục vụ sản xuất là rất lớn, tỉnh đề nghị  các tuyến đường tuần tra biên giới nên thiết kế  theo tiêu chuẩn đường  cấp IV đồng bằng (mặt đường rộng 7 mét, láng nhựa, nền đường rộng 9 mét). Khái toán tổng kinh phí đầu tư khoảng 830,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh còn đề nghị Trung ương, Quốc hội, Chính phủ sớm có ý kiến chỉ đạo thống nhất, cụ thể về dự án sân gofl hữu nghị ở Khu KTCK Mộc Bài; xem xét lại cơ chế sử dụng nguồn thu từ xổ số kiến thiết theo hướng giao quyền chủ động cho các địa phương hoặc thay đổi tỷ lệ chi cho giáo dục, y tế ở mức phù hợp với điều kiện địa phương và được sử dụng nguồn này để chi hoạt động thường xuyên (sự nghiệp giáo dục, y tế và sự nghiệp kinh tế có tính chất xây dựng cơ bản).

Sau khi nghe báo cáo và kiến nghị của lãnh đạo tỉnh, các thành viên cùng đi với đoàn như Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn, Phó Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Đức Hiền, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế QH Vũ Viết Ngoạn, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Trịnh Huy Quách, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh Trần Đình Nhã đã trao đổi với lãnh đạo tỉnh một số vấn đề về chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh, chiến lược phát triển và đào tạo nguồn nhân lực, công tác cải cách hành chính, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, giải ngân đầu tư vốn ODA, trái phiếu chính phủ, những bất cập trong chính sách đối với kinh tế cửa khẩu, tình hình tội phạm ở khu vực biên giới, công tác phân giới, cắm mốc, việc phát triển vùng nguyên liệu…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm với các đồng chí lãnh đạo tỉnh.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tặng quà cho Bà mẹ VNAH Trần Thị Thắm.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng biểu dương những cố gắng nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Tây Ninh trong thời gian qua đã vượt qua nhiều khó khăn, lập được nhiều thành tích, xứng đáng với truyền thống là một tỉnh Anh hùng trong kháng chiến, là Thủ đô của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, là nơi đứng chân của các lực lượng vũ trang Miền. Chủ tịch Quốc hội đặc biệt ấn tượng về thành tựu xoá đói, giảm nghèo, thu hút được nhiều khách du lịch. Kinh nghiệm phát triển của Tây Ninh trong thời gian qua đã giúp nhiều  cho Trung ương  trong việc tổng kết, rút kinh nghiệm và hoạch định chính sách.

Chủ tịch QH cho rằng, tỉnh đã đi đúng hướng khi quyết tâm phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp. Tây Ninh có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển. Điều quan trọng là phải khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, thúc đầy tăng trưởng kinh tế  đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng- an ninh.

Xung quanh công tác chuẩn bị, tiến hành đại hội Đảng các cấp, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Tây Ninh cần chú trọng công tác tổng kết, rút kinh nghiệm sâu sắc việc thực hiện các đường lối, chủ trương lớn của Đảng ở địa phương, đặc biệt là tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991; 25 năm tiến hành công cuộc đổi mới; 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010; từ đó xây dựng định hướng, tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.

Chủ tịch QH đề nghị, tỉnh cần phải đẩy mạnh việc kiện toàn đội ngũ cán bộ, xây dựng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển cũng như định hướng của địa phương; tăng cường công tác phát triển đảng; đặc biệt coi trọng công tác văn kiện, phát huy trí tuệ, dân chủ thực sự trong toàn Đảng bộ, các tầng lớp nhân dân để đóng góp xây dựng văn kiện, xây dựng các chủ trương, đường lối phát triển của tỉnh. Trong nội dung sinh hoạt của các tổ chức cơ sở Đảng, nên tăng cường thảo luận, đóng góp ý kiến vào các văn kiện đại hội Đảng, tăng cường thảo luận theo chuyên đề... Chủ tịch Quốc hội nêu rõ Đại hội Đảng là cơ hội, là dịp tốt để nhìn lại mình, tổng kết rút kinh nghiệm sâu sắc những mặt được, những việc làm chưa tốt, so sánh và đặt mình trong mối quan hệ liên kết với các địa phương khác, từ đó tìm ra hướng phát triển mới, lâu dài cho quê hương, đồng thời đóng góp ý kiến, giúp Trung ương hoạch định đường lối phát triển chung của đất nước.

Ngay sau buổi làm việc, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, tặng quà cho Bà mẹ VNAH Trần Thị Thắm, sinh năm 1926, ngụ ấp Thanh Hoà, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành.

* Chiều cùng ngày, Đoàn công tác do Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã có buổi làm việc với lãnh đạo Đảng uỷ và UBND xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng. Tại đây, ông nhấn mạnh, trong hai cuộc kháng chiến, Trảng Bàng nói chung cái nôi của cách mạng, đã từng làm quân thù kinh khiếp, được Đảng và Nhà nước hai lần phong Anh hùng. Hiện nay, xã An Tịnh nói riêng và huyện Trảng Bàng nói chung chính là “hình ảnh thu nhỏ của đất nước đang trên đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá”. Nói như Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Nên, Trảng Bàng được xem là “đầu tàu kéo” của nền kinh tế địa phương. Ông Nguyễn Phú Trọng lưu ý huyện Trảng Bàng, phát triển công nghiệp phải gắn liền với dịch vụ, phải chú trọng đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài khu công nghiệp. Mặt khác, trong quá trình công nghiệp hoá, sẽ còn có rất nhiều khó khăn, thử thách về KT-XH, an ninh trật tự, tình trạng ô nhiễm môi trường… Ông mong rằng, với truyền thống anh hùng trong kháng chiến, xã An Tịnh và huyện Trảng Bàng sẽ tiếp tục phát huy trong công cuộc xây dựng và phát triển địa phương.

** Sau chuyến thăm xã An Tịnh, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã đến trụ sở BQL các Khu Công nghiệp Tây Ninh nghe giới thiệu về tình hình đầu tư và các dự án đã và đang được triển khai.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tặng quà lưu niệm cho lãnh đạo xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tại buổi làm việc với BQL các Khu Công nghiệp Tây Ninh.

Đặng Hoàng Thái