Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, ngày 7.3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của kỳ họp thứ 6 và kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khoá XV. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Tham dự có lãnh đạo Quốc hội và các bộ, ngành trung ương.
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.
Tại điểm cầu Tây Ninh, ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo tóm tắt những điểm mới, nội dung trọng tâm của luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 và kỳ họp bất thường lần thứ 5.
Theo tinh thần này, Luật Căn cước có nhiều quy định mới về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trong đó, Luật bổ sung quy định theo hướng mở rộng, tích hợp thêm một số thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước; đổi tên từ thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước. Luật đã sửa đổi quy định một số thông tin trên thẻ để phù hợp, tạo thuận lợi hơn cho người dân, bổ sung quy định điều chỉnh đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch...
Đối với Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự: Luật bổ sung, làm rõ phạm vi bảo vệ của công trình quốc phòng và khu quân sự được xác định cả trên mặt đất, mặt nước, trong lòng đất, dưới mặt nước và trên không; quy định nguyên tắc, tiêu chí phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự; bổ sung quy định về công trình lưỡng dụng nhằm giải quyết yêu cầu thực tiễn; kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng với kinh tế - xã hội; quy định lực lượng quản lý, lực lượng bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân liên quan...
Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có nhiều quy định mới về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Theo đó, lực lượng được thành lập trên cơ sở thống nhất 3 lực lượng hiện có là bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và đội trưởng, đội phó đội dân phòng; có vị trí, chức năng là một trong những lực lượng quần chúng, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, làm nòng cốt hỗ trợ công an cấp xã giúp UBND cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Luật Đất đai có tổng cộng 9 điểm mới, trọng tâm gồm: Sửa đổi, bổ sung quy định về người sử dụng đất để thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Quốc tịch, Luật Đầu tư. Luật không phân biệt công dân Việt Nam định cư trong nước hay ở nước ngoài trong tiếp cận đất đai, không phân biệt tổ chức kinh tế trong nước và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Hoàn thiện quy định về quy hoạch sử dụng đất theo hướng xây dựng hệ thống quy hoạch sử dụng đất đai đồng bộ ở 3 cấp, song vẫn bảo đảm đồng bộ với pháp luật về quy hoạch; tăng cường công khai, minh bạch, sự tham gia của người dân trong công tác lập quy hoạch sử dụng đất.
Luật quy định rõ ràng, cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí, trình tự, thủ tục thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tuân thủ Hiến pháp; trong đó, quy định rõ 31 trường hợp cụ thể…
Luật Nhà ở có nhiều quy định mới, trọng tâm là: Sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính trong lĩnh vực nhà ở để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương quyết định và chịu trách nhiệm, hạn chế sự can thiệp vào quan hệ thị trường bằng công cụ quản lý hành chính, giảm chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp.
Hoàn thiện các quy định chung về phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở; tăng cường phát triển nhà ở theo dự án nhằm bảo đảm chất lượng quy hoạch, kiểm soát chặt chẽ hoạt động phân lô bán nền để hài hoà giữa yêu cầu quản lý và mục tiêu phát triển.
Tăng cường quản lý chặt chẽ loại hình nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân (chung cư mini) để vừa đáp ứng nhu cầu phát triển nhà ở, vừa bảo đảm an sinh xã hội, an toàn tính mạng, tài sản của người dân...
Luật Kinh doanh bất động sản có một số quy định mới, gồm: Làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Kinh doanh bất động sản, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, không chồng chéo với Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Thi hành án dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư…; bổ sung quy định về những trường hợp không áp dụng Luật Kinh doanh bất động sản.
Bổ sung, hoàn thiện các quy định về điều kiện đối với tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản; điều chỉnh chính sách đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, bảo đảm thống nhất với Luật Đầu tư năm 2020, Luật Đất đai năm 2024.
Bổ sung, hoàn thiện các quy định về việc công khai thông tin về bất động sản, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh, xác định việc công khai thông tin là điều kiện bắt buộc khi kinh doanh bất động sản, góp phần nâng cao tính minh bạch của thị trường, bảo vệ quyền lợi người mua, thuê, thuê mua bất động sản…
Luật Tài nguyên nước có một số điểm mới về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia, hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định, chính sách khuyến khích sự tham gia, đóng góp của toàn xã hội đối với các tất cả các hoạt động liên quan đến tài nguyên nước.
Luật Viễn thông mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với một số dịch vụ mới (dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet) phù hợp với xu thế chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số.
Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức, quản trị, điều hành, quản lý rủi ro tiệm cận với thông lệ tốt về quản trị công ty; tăng cường hơn nữa việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Sau khi Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định báo cáo tóm tắt những nội dung mới trong một số luật, nghị quyết, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang báo cáo việc thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khoá XV thông qua tại kỳ họp thứ 6 và kỳ họp bất thường lần thứ 5.
Hội nghị cũng nghe nhiều ý kiến tham luận của bộ, ngành Trung ương, địa phương về triển khai chính sách, pháp luật.
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói rõ lý do tổ chức hội nghị nhằm thực hiện cho được chủ trương rất quan trọng của Đảng: gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật.
Việc rà soát nội dung luật, bộ luật, nghị quyết của Quốc hội mới thông qua đã được thực hiện rất kỹ, "có khi bộ phận làm việc thức trắng đêm cũng chỉ rà soát được một điều khoản trong luật”- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết và nhận xét chất lượng xây dựng pháp luật ngày càng cao.
Chủ tịch Quốc hội nhắc đến vai trò của mạng xã hội trong việc đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật. Điều này rất mới, có những điều khoản quy định trong Luật Đất đai có hàng chục ngàn ý kiến bàn luận, cả trong và ngoài nước, cần nghiên cứu hiện tượng này. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các uỷ ban của Quốc hội theo dõi, giám sát việc thi hành pháp luật thật chặt chẽ, bảo đảm việc thực thi pháp luật nghiêm minh.
Việt Đông