BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chủ trương phát triển công nghiệp khai thác Bauxite Tây Nguyên: Đúng đắn nhưng cần có cơ chế giám sát chặt chẽ, đảm bảo môi trường

Cập nhật ngày: 10/04/2009 - 04:33

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại hội thảo

Đó là kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, sau khi lắng nghe toàn diện các ý kiến tham luận, đánh giá của các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia trong và ngoài nước tại Hội thảo “Vai trò của công nghiệp khai thác bauxite – sản xuất alumina – nhôm đối với phát triển KT-XH Tây Nguyên và những yếu tố ảnh hưởng đến môi trường, văn hoá khu vực”, diễn ra ngày 9.4 tại Hà Nội.

Hội thảo đã thu hút đông đảo nhất sự tham gia của các cơ quan, tổ chức liên quan, các nhà nghiên cứu khoa học.

Các ý kiến đã đề cập khá toàn diện nhiều vấn đề liên quan đến tác động của dự án khai thác bauxite và sản xuất alumina đối với các mặt kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên cũng như cả nước.

Một số ý kiến quan ngại, thậm chí là trái chiều đều được các Bộ, ngành liên quan, chủ đầu tư, nhà thầu cũng như các chuyên gia trong ngành giải trình, giải đáp đầy đủ, cụ thể và có luận cứ khoa học, kinh tế.

Tiếp thu, làm rõ những quan ngại phù hợp

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải hoan nghênh các ý kiến tham luận, đánh giá rất có trách nhiệm từ các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước, đề cập cụ thể và toàn diện vai trò của công nghiệp khai thác bauxite – sản xuất alumina – nhôm đối với phát triển KT-XH Tây Nguyên và những yếu tố ảnh hưởng đến môi trường, văn hoá khu vực. Đây sẽ là những quan điểm quý báu mà các Bộ, ngành quản lý, chủ đầu tư, đơn vị thi công cần tiếp thu trong quá trình triển khai các quy hoạch, dự án.

Phó Thủ tướng khẳng định, dự án phát triển quy hoạch ngành khai thác công nghiệp bauxite, sản xuất alumina là phù hợp, đúng với chủ trương của Đảng, Nhà nước. Tây Nguyên với trữ lượng khoáng sản hiện tại có tiềm năng để hình thành một nền công nghiệp khai thác có quy mô lớn, trở thành động lực quan trọng để khu vực sớm thoát nghèo.

“Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận Việt Nam không phải là quốc gia có nhiều lợi thế về tài nguyên, khoáng sản và không thể phát triển bằng bất cứ giá nào. Mà để thành công, biến những tiềm năng tài nguyên thiên nhiên quý giá ấy thành động lực phát triển kinh tế xã hội, phải có những giải pháp quản lý hiệu quả và chặt chẽ”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Về vấn đề chuẩn bị, trình duyệt quy hoạch, Phó Thủ tướng cho rằng dự án triển khai trong giai đoạn tình hình kinh tế thế giới khác với hiện nay. Vì vậy, dự án “có những tham vọng cần điều chỉnh, nhất là các chỉ số kinh tế”.

Tân Rai và Nhân Cơ đều nằm trong diện dự án nhỏ, mang tính thí điểm nhằm làm quen công nghệ, làm quen thị trường. Báo cáo tác động môi trường cũng như báo cáo tác động môi trường chiến lược của dự án Nhân Cơ phải làm sớm. Quy hoạch sản lượng cần xem xét lại, nhất là khi tình hình nhu cầu nhôm thay đổi.

Giám sát triển khai dự án chặt chẽ

“Giám sát” là nhiệm vụ ưu tiên, bao trùm được Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh trong chỉ đạo tất cả các khâu thực hiện. Trước hết, vấn đề quan trọng - tác động môi trường của dự án đối với diện tích còn lại là điều cần hết sức quan tâm, đến nay thế giới có công nghệ xử lý đảm bảo, giải pháp khắc phục hiệu quả, vấn đề là áp dụng như thế nào phải có kế hoạch giám sát trong tất cả các khâu của chủ đầu tư từ kế hoạch sử dụng đất đến việc hoàn thổ.

Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về việc giữ gìn bản sắc dân tộc, văn hoá các dân tộc Tây Nguyên, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, vấn đề giải phóng mặt bằng, tái định cư. Đồng thời, cho ý kiến chỉ đạo nhiệm vụ cho một số Bộ, ngành liên quan.

Bộ Công Thương đánh giá tình hình tổng quan của ngành công nghiệp khai thác bauxite, sản xuất alumina, cùng chủ đầu tư đánh giá tác động môi trường chiến lược, thẩm định thiết kế cơ sở hồ bùn đỏ và chủ trì tính toán lại hiệu quả kinh tế dự án, đề xuất giải pháp xử lý.

Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, đánh giá lại trữ lượng bauxite, thẩm định kế hoạch, tiến độ thu hồi đất, thi công cuốn chiếu, hoàn thổ theo tinh thần hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động nông, lâm nghiệp, tính đến cả tác động lưu vực sông Đồng Nai về nguồn nước khai thác sử dụng, cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương liên quan giám sát giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư.

Bộ Khoa học và Công nghệ giám sát chuyển giao công nghệ, lắp đặt thi công. Các Bộ, ngành, địa phương liên quan tăng cường phổ biến, thông tin tuyên truyền chủ trương quy hoạch, khai thác cho bà con trong vùng. Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam nghiêm túc thực hiện các vấn đề vướng mắc mà các ý kiến nêu, nhất là vấn đề hiệu quả, tài chính, môi trường.

Ước tính, nước ta có khoảng 5,4 tỷ tấn quặng bauxite tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên, trong đó riêng Đắk Nông chiếm 3,4 tỷ tấn. Theo quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến quặng bauxite của Chính phủ giai đoạn từ 2007-2015 có xét đến năm 2025, trước năm 2015 nước ta sẽ sản xuất alumina để xuất khẩu, sau đó sẽ sản xuất alumina và nhôm điện phân. Dự kiến năm 2010, sản lượng alumina sản xuất đạt từ 0,7-1 triệu tấn/năm.

Đến nay, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam đã và đang triển khai dự án khai thác bauxite tại Tân Rai (Lâm Đồng), Nhân Cơ (Đắc Nông), mỗi dự án có công suất 600.000 tấn/năm. Theo kế hoạch, giai đoạn 2010-2015, sẽ triển khai tiếp tục 3 dự án khai thác bauxite khác là Đắc Nông 2 - 3 và 4.

(Theo chinhphu.vn)