Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chủ vườn trên núi bức xúc chuyện du khách bẻ trái, phá cây
Thứ bảy: 04:20 ngày 27/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Nhiều du khách trong lúc leo núi có hành vi hái trái, phá hại cây trồng của bà con nông dân làm rẫy trên núi, nhất là ở khu vực rẫy nằm hai bên đường leo núi.

Anh Chín và tấm bảng thông báo do mình góp công thực hiện.

Thời gian qua, con đường mòn thường đi của những người làm rẫy trên núi Bà (còn gọi là đường Cây Cột Điện) được nhiều bạn trẻ chọn lựa trong quá trình chinh phục đỉnh núi Bà Đen, trong số đó có các phượt thủ, những người yêu thích môn thể thao leo núi, du khách nước ngoài…

Điều đáng nói là con đường này nay đã trở nên xấu xí vì tình trạng vứt rác bừa bãi của những người kém ý thức. Bên cạnh đó, nhiều du khách trong lúc leo núi còn có hành vi hái trái, phá hại cây trồng của bà con nông dân làm rẫy trên núi, nhất là ở khu vực rẫy nằm hai bên đường leo núi.

Mới đây, do quá bức xúc trước hành vi phá hại của du khách leo núi, một số bà con làm rẫy trên núi đã bàn nhau làm một tấm bảng lớn đặt tại điểm xuất phát của tuyến đường Cây Cột Điện.

Nội dung của tấm bảng này như sau: “Cây trái không phải của rừng- Chúng tôi đem từ dưới đất lên trồng cực lắm- Nếu quý khách bẻ chẳng tiếc thương là quý khách đá đổ nồi cơm của chúng tôi!”.

Phần kết là hai chữ “Cám ơn” rõ to. Nội dung ghi trên bảng rõ ràng chỉ mang tính giãi bày, mềm mỏng thuyết phục, chứ không hề răn đe, nặng lời. Điều này cho thấy bà con nông dân làm rẫy tuy bức xúc nhưng vẫn giữ thái độ tôn trọng, lịch sự đối với những người đã cư xử không đúng với mình.

Ngoài bảng “thông báo” khá to tại nơi xuất phát, dọc đường leo núi người ta cũng có dán các bảng thông báo nhỏ hơn với nội dung tương tự, chỉ mong du khách leo núi đừng có hành vi phá hại cây trồng.

Qua tìm hiểu, được biết người đứng ra làm các bảng “thông báo” trên là anh Trần Hoàng Thoàng, sinh năm 1971, mọi người thường gọi là anh Chín. Rẫy của anh Chín nằm trên địa hình có đường leo núi ngang qua dài nhất, khoảng 500 mét nên cũng bị thiệt hại nhiều nhất do hành vi bẻ phá cây trồng vô tội vạ của du khách. “Họ bẻ ăn thì ít mà phá bỏ thì nhiều”- anh Chín than thở.

Có lúc, các hộ làm rẫy trên núi phải phân công nhau trực để kịp thời nhắc nhở du khách không làm hư hại cây trái của mình. Thật đáng trách khi có du khách vô tư hái trái non, bẻ nhánh cây, bẻ bắp chuối... Không ít lần, nhà vườn bắt tận tay du khách phá hại cây trồng, thế nhưng chẳng những không nhận sai mà họ còn cự cãi lại với lý do biện hộ: “cây trái của rừng”.

 Theo anh Chín, các bảng “thông báo” trên mới được treo hơn ba tháng nay. Qua đó, nhà vườn muốn thông tin chính thức cho du khách biết rằng cây trái trên núi đều là cây trồng trên đất rẫy của chủ vườn, được chăm sóc đàng hoàng, không phải là cây rừng mọc tự nhiên. Tổng cộng anh đã làm 1 tấm bảng lớn với 10 bảng nhỏ, tốn hết 500.000 đồng, số tiền này do bà con có rẫy nằm trên đường leo núi Cây Cột Điện cùng nhau đóng góp.

Anh Lê Văn Dũng- một người làm rẫy trên núi, hiện ngụ phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh nói: “Nhiều người đi ngang xin vài trái cây để ăn, chúng tôi sẵn sàng cho. Đằng này họ cứ tuỳ tiện bẻ phá như vậy khiến anh em làm rẫy rất phiền lòng”.

Hiện tại, có hơn chục hộ dân có rẫy- chủ yếu là xoài và chuối nằm dọc theo con đường leo núi. So với ở đồng bằng, việc canh tác trên núi gặp nhiều khó khăn hơn trong khâu vận chuyển phân bón, thuốc trừ sâu... Việc thu hoạch cũng khó khăn không kém. Do đó, các chủ vườn, chủ rẫy đều rất bức xúc khi bị phá hại, không tôn trọng công sức lao động của họ.

Bà Trương Thị Kim Loan, chủ quán nước Sơ Ri gần đường leo núi Cây Cột Điện cho biết, nhiều lần bà bắt gặp khách leo núi mang những trái xoài hái trên núi xuống tận quán của bà và thường là họ chỉ bẻ chúng để… ngắm cho vui. Có nhóm còn treo lại những thứ đã hái được tại quán của bà rồi đi, chứ không thèm mang theo. “Việc nhắc nhở du khách rất khó vì hầu hết du khách đều đi theo từng tốp. Có những tốp chỉ đi một lần rồi thôi” - bà Loan cho biết.

Theo anh Chín, từ ngày đặt các bảng “thông báo” trên, tình trạng phá cây, hái trái của du khách có giảm đi phần nào. Anh hy vọng trong thời gian sắp tới, du khách leo núi sẽ dần hiểu ra và ngày càng bớt đi- tiến đến từ bỏ những hành vi không đúng đắn.

Thuỳ Dương - Ngọc Diêu

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục