Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Sáng 16-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ mười, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường về Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) phát biểu tại phiên thảo luận.
So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có sự thay đổi về phạm vi điều chỉnh khi chỉ quy định các nội dung liên quan kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thống báo hiệu đường bộ, tổ chức giao thông; phương tiện giao thông đường bộ, vận tải đường bộ, quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.
Thảo luận tại hội trường về dự án luật này, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự băn khoăn với việc tách quy định về an toàn giao thông đường bộ ra khỏi Luật.
Các đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị), Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội), Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) và một số đại biểu nêu, giao thông đường bộ là một thể thống nhất được liên kết chặt chẽ, đồng bộ giữa bốn thành tố: Kết cấu hạ tầng, phương tiện giao thông, người điều khiển phương tiện và quy tắc giao thông.
Do đó, các đại biểu cho rằng, việc tách một số nội dung của Luật Giao thông đường bộ để hình thành dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là chưa hợp lý, đồng thời đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến đại biểu Quốc hội về việc phân tách giao thông đường bộ thành hai luật.
“Tôi đề nghị Quốc hội xem xét không tách thành hai luật riêng biệt và không chuyển việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an”, đại biểu Hoàng Đức Thắng nói.
Đây cũng là nội dung được đại biểu Đỗ Văn Sinh (Đoàn Quảng Trị) và một số đại biểu khác cho rằng chưa thuyết phục, chưa phù hợp với thực tế, có thể gây lãng phí nhân lực và phát sinh nhiều thủ tục hành chính, kinh phí đầu tư về nhân lực, cơ sở hạ tầng mới…
Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Đoàn Thái Bình) nêu, nếu phân tách luật thì hệ quả Luật Giao thông đường bộ không còn đúng nghĩa. An toàn giao thông là mục đích chứ không phải đối tượng điều chỉnh; quy tắc an toàn giao thông không chỉ yêu cầu ở con người, mà còn về kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông… Đại biểu nhấn mạnh, khi thiết kế hạ tầng giao thông thì yếu tố đầu tiên và trên hết vẫn là an toàn.
Đại biểu Cao Văn Trọng (Đoàn Bến Tre) cho rằng, thay vì phân tách giao thông đường bộ thành hai luật thì nên quy định chung trong Luật Giao thông đường bộ sẽ hợp lý hơn. Đại biểu cho rằng, nếu phân tách luật thì sẽ có nhiều nội dung giao thoa, trùng nhau.
“Nếu không làm rõ trong quy định chung thì việc xử lý quy tắc giao thông đường bộ cũng sẽ gây sự khó hiểu, chồng chéo”, đại biểu nói.
Đại biểu Trần Thị Dung (Đoàn Điện Biên).
Đại biểu Trần Thị Dung (Đoàn Điện Biên) cho rằng, việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ chưa tuân thủ đầy đủ trình tự thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đại biểu cũng cho rằng, trong chương trình xây dựng Luật, pháp luật năm 2020 không có nội dung tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật, vấn đề này cũng chưa báo cáo Quốc hội một cách đầy đủ. Việc phân tách luật về giao thông đường bộ là rất lớn, do đó cần có thêm thời gian để làm rõ nhiều vấn đề. Vì vậy, đại biểu đề nghị trình dự án Luật đến Quốc hội khóa XV tiếp tục xem xét.
Sẽ xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về việc tách luật
Cho ý kiến về hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô, theo đại biểu Bùi Thị Thủy (Đoàn Thanh Hóa), quy định xe đưa đón học sinh phải có màu sơn nhận diện riêng sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Đại biểu cũng cho rằng, nội dung về sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ kết nối trong hoạt động vận tải là hoạt động kinh doanh vận tải là chưa phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, cần quy định cụ thể hơn về đường giao thông tại các thôn, xóm, làng, xã để các địa phương đưa thành nội dung trong các dự án xây dựng nông thôn mới. Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về đường dành cho người khuyết tật, người đi xe lăn.
Theo đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn Hà Nội), một số quan điểm nêu trong Luật như thay đổi cách quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm; chính sách về giao thông vận tải trong bối cảnh mới và đón đầu tương lai… cũng cần được làm rõ hơn.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể.
Tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, vấn đề quản lý xe đưa đón học sinh là vấn đề đặc biệt quan trọng nên việc ràng buộc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là về phương tiện vận chuyển học sinh phải bảo đảm an toàn.
Liên quan đến dịch vụ kết nối vận tải, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, các đơn vị này đang kinh doanh vận tải tại Việt Nam, do đó phải ứng xử như đơn vị kinh doanh vận tải.
Đề cập giấy phép kinh doanh vận tải, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện cả nước có hơn 4,3 triệu xe ô tô, trong đó chỉ có 1,7 triệu xe ô tô kinh doanh vận tải, còn lại là xe cá nhân. Hiện nay, giáo trình đào tạo giấy phép lái xe đào tạo cả nghiệp vụ kinh doanh vận tải và kỹ năng lái xe. Việc tách riêng biệt hai nội dung này sẽ giúp giảm tải cho người học, chỉ người kinh doanh vận tải mới phải học môn nghiệp vụ vận tải và được cấp chứng chỉ.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, phiên thảo luận có 26 ý kiến đại biểu phát biểu, 4 đại biểu tranh luận, cơ bản đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao thông đường bộ.
Về việc tách các quy định giao thông đường bộ thành hai luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xin ý kiến các đại biểu sau khi Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong chiều nay (16-11). Sau phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đề nghị các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội.
Nguồn hanoimoi