Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chùa Thiền Lâm- Gò Kén trở thành một địa chỉ thường được nhắc đến trong quá trình phát triển tôn giáo ở Tây Ninh.

Đã từ lâu, Gò Kén thuộc địa bàn xã Long Thành Trung đã không còn nghi ngút khói đen của những lò gạch cũ. Đấy là kết quả của một chiến dịch quyết liệt làm trong sạch môi trường các địa bàn dân cư của tỉnh Tây Ninh. Và Gò Kén đã trở lại với không khí trong lành như thuở nào trên những vùng bưng gò bên thềm sông Vàm Cỏ. Vài chục lò gạch cũ đã dời đi. Sư trụ trì Thích Thiện Nghĩa đã dần lấy lại những phần gò mà trong quá khứ các vị tiền bối đã trót cho thuê làm gạch. Cho đến mùa Vu lan Tân Mão 2011 này, diện tích của vườn chùa Thiền Lâm trên gò đã lên tới 3,5 ha (trên tổng số 8 ha đất gò). Có được kết quả này, chẳng những tăng ni phật tử vui mừng, mà bà con có đạo Cao Đài cũng nức lòng phấn khởi. Bởi nơi đây cũng đánh dấu ngày ra mắt của đạo Cao Đài Tây Ninh vào một ngày tháng 11 năm 1926. Vô tình hay cố ý còn chưa rõ, nhưng với sự kiện ấy nên chùa Thiền Lâm- Gò Kén đã trở thành một địa chỉ thường được nhắc đến trong quá trình phát triển tôn giáo ở Tây Ninh.
Một ngày đầu tháng 8.2011, khi mùa lễ Vu lan bắt đầu, chùa Gò bát ngát hương sen từ chiếc hồ rộng ở về bên trái chùa- chếch ra phía trước. Dưới gốc cây bồ đề cổ thụ, có pho tượng Phật Thích Ca ngự toà sen, có thể là pho lớn nhất trong số tượng Phật hiện có ở Tây Ninh. Nhìn ra phía hồ hõm sâu láng lênh những dải hoa màu trắng hồng hoặc loang loáng màu lá, nước lung linh phản chiếu. Xa xa bên mé đối diện, còn một chòm cây gợi cho người ta nhớ về một khoảng sông nước miền Tây. Đấy là rặng cây trâm bầu, nay đã ít thấy ở ngoài tự nhiên tuy nó vẫn còn quen thuộc trong thơ, nhạc.
![]() |
Tượng Phật và cây bồ đề trước ngôi chùa Gò Kén |
Ở hai bên gốc bồ đề toả rợp, vẫn còn nguyên những ngôi tháp mộ có từ đầu thế kỷ. Tuy nhiên, cũng đã có thêm những pho tượng Phật mới đang tô đắp, còn trắng toát màu sơn. Chẳng biết ai đã đem cả cây bông mai nhật đến trồng, nên rủ xuống trước cây bồ đề những dải hoa vàng rực sắc cà sa.
Nói về cây, có lẽ đấy cũng là trọng điểm của đợt trùng tu tôn tạo lần này của nhà sư trụ trì Thích Thiện Nghĩa. Trên con đường dài 200 mét từ quốc lộ đi vào, cũng đang có rất nhiều cây non mới trồng, toàn những sao, dầu- cây rừng bản địa. Cả cây bồ đề có đường kính hơn 1 mét, cao 7- 8 mét xưa nay vẫn khuất nẻo cạnh ngôi miếu nhỏ sau chùa cũng mới được bứng lên, trồng ở vị trí trang trọng bên hông ngôi chùa chính, chắc chắn sẽ trở thành một điểm nhấn quan trọng của cảnh quan tương lai, bù lại những tháng ngày nơi ấy chỉ có một lò gạch cũ khói than nhem nhuốc.
Trọng điểm nhất cuộc trùng tu 2011 phải kể đến là bức tường bao lấy khu gò. Tường ôm lấy cả chiếc hồ sen và những khoảng đất vừa lấy lại. Tường xây gạch kiên cố, cao 2,5 mét, với các đỉnh trụ hình sen, có phần thông thoáng nhờ những khoảng trống gắn lan can con tiện. Tính cho đầy đủ, tường bao phải có chiều dài lên tới gần cây số, nay vẫn còn 200 mét nữa mới hoàn thành.
Cứ ngại rằng với công trình to lớn nhường kia, liệu có còn bảo tồn được những yếu tố gốc của ngôi chùa cũ. Sư thầy Thiện Nghĩa trả lời: - Tường rào và những vị trí trồng cây, đặt tượng trong vườn chùa chỉ cốt tạo cảnh quan sinh động cho ngôi chùa lịch sử. Còn những gì nguyên gốc ở ngôi chùa cũ sẽ được giữ nguyên, kể cả những phần rui mè gỗ. Đặc biệt là ở cấu trúc chùa Gò, dường như đã đánh dấu bước chuyển hoá từ loại hình kiến trúc dân gian truyền thống sang một hình thức mới, mà sau đó đã định hình nên cấu trúc của ngôi thánh thất Cao Đài. Ước mơ của sư thầy, chính là biến chùa Gò trở thành một thắng tích tiêu biểu mang nhiều giá trị văn hoá Phật giáo. Liệu có trở nên như thế được không hỡi chùa Gò Kén- Thiền Lâm.
TRẦN VŨ