BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chùa Hoà Đồng- chiếc ban công của núi

Cập nhật ngày: 28/12/2010 - 10:56

Chùa Hoà Đồng.

Núi vừa có thêm một ngôi chùa mới có tên gọi Hoà Đồng. Nói chính xác ra, là Ni trưởng Viện chủ mới cho khôi phục lại một ngôi chùa cũ nơi Hoà thượng Thích Giác Điền từng tu tập trong những năm giữa thế kỷ 20. Chùa cũ cũng đã chịu chung số phận với các ngôi chùa khác trong quần thể chùa am trên núi vào những năm chiến tranh ác liệt thời quân dân ta đánh Mỹ. Có lẽ chỉ còn có hang núi Điện Bà, vốn là một hang đá có cả một khối đá khổng lồ bên trên làm mái, mới còn tồn tại. Còn hầu hết các ngôi chùa khác đã chỉ còn trơ gạch vụn. Trong khoảng 20 năm nay, lần lượt từng ngôi đã được phục sinh, rũ bụi mà đứng dậy nhờ công lao của rất nhiều người dân tín ngưỡng; nhờ công lao của các vị tăng ni và nhất là của Ni trưởng Thích Nữ Diệu Nghĩa- người đã tận tâm gìn giữ gom góp những đồng tiền cúng dưỡng, phục hồi lại từng ngôi chùa của các vị bổn sư tiền bối đã từng tu hành trên núi từ xưa.

Sau những Long Châu tiên thạch, Linh Sơn tiên thạch, Linh Sơn phước trung, chùa Quan Âm trên động Ba Cô… giờ đến lượt Hoà Đồng. Mỗi chốn thiền môn đều có dáng vẻ riêng không trộn lẫn. Ở Hoà Đồng là một góc núi dường như biệt lập. Đứng ở sân chùa nhìn ra bỗng thấy Lòng Hồ loang loáng, sáng ngời ánh bạc như xích lại gần hơn. Gần đến độ con suối Tha La vắt vẻo như một dải mây trôi giữa nền trời là cánh đồng thắm xanh cây trái. Có lẽ ở đây ngắm hồ nước mới thật là thích mắt. Không như ở ga cáp treo cũng thấy hồ Dầu Tiếng, nhưng thường chỉ thấy bàng bạc một màu khói sương.

Bì làm sao được, vì lên được sân chùa Hoà Đồng có lẽ còn phải leo thêm dăm bảy chục mét chiều cao tính từ sân ga cáp treo. Trước hết phải lên sân cụm chùa Tổ, Điện Bà, sau đấy rẽ phải lối qua động Thanh Long. Trước khi tới động thì có lối đá gập ghềnh xẻ bậc đưa ta rẽ về bên trái. Lần theo lối ấy mà lên cũng còn dăm bảy chục bậc đá quanh co. Nhưng sẽ không đáng ngại lắm vì đã có dáng cây, thế đá rù quến khách đường xa mỏi mệt. Lối sang động Thanh Long có nhiều bóng mát cây rừng rủ trên mặt đá. Còn thêm vấn vít dây trầu bà và buông thả ngọn thanh long trên vách dựng chênh vênh. Lần theo bậc đá mà lên Hoà Đồng tự, không gian bỗng nhiên đổi khác. Vài cây rừng sót có dáng lênh khênh như một bậc tu hành dáng vẻ “tiên phong đạo cốt”. Bông bụt đỏ loe hoe nở trên những bụi cây xoè ra trên kẽ đá. Khi ta ngước lên chạm ánh nhìn vào ngôi chùa tường vàng ngói đỏ, thì cũng là lúc ấm lòng trước một dàn bông giấy đỏ sum suê…

Chùa Hoà Đồng được bố trí mặt bằng theo lối quen thuộc của chùa miếu Nam bộ. Nghĩa là có hai lớp nhà liên tục song song nhau, lớp sau lớp trước. Lớp chính điện phía trước cấu trúc kiểu tứ trụ (bộ khung bốn cột ở giữa) với 3 gian, 3 nhịp. Chung quanh 3 mặt trước và bên còn thêm một hành lang rộng 1,50m. Phần mặt bằng chính điện có kích thước ngang 10,80m và sâu vào 9,90m. Đấy là chưa kể phía trước còn có một phần tiền sảnh mái đón đưa ra 2,40m ở gian chính giữa. Tiếp theo Chính điện sẽ là một hành lang rộng 2,70, liên kết với lớp nhà phụ phía sau có kích thước (5,40 x 10,80)m.

Đường qua Hang Gió - Niết Bàn.

Vậy là, chùa Hoà Đồng có diện tích chỉ độ gần 200m2, cấu trúc giống như một ngôi chùa cổ thường thấy ở các huyện phía Nam Tây Ninh. Nhưng, với cấu trúc hợp lý, phân biệt chính phụ rõ ràng nên có các mặt đứng thật ưa nhìn, nhất là lại ở một vị trí thật đắc địa trên sườn phía Đông Nam của núi. Tiền sảnh cũng cong cong mái ngói đầu đao. Chính điện chồng diêm hai lớp tạo thành hai tầng mái đỏ tươi, làm bật lên những dáng rồng bay từ 8 góc và hai đầu đỉnh mái. Nhà phụ phía sau thấp hơn cũng đủ cả đầu đao, nhưng đao rồng ở đấy như một nét chuyển tiếp dịu dàng để hoà lẫn vào đá núi với rừng cây.

Từ chùa Hoà Đồng, còn có một lối nẻo quanh co xuyên giữa khung cảnh hoang hoải sơn lâm mà sang với tượng phật nằm trước hang Gió (mà nay đã thành hang Mất gió). Từ đây có thể theo bậc cấp xuống sân chùa Phật, Điện Bà. Vậy là đã có một vòng khép kín “con đường di sản núi Bà” để du khách có thể đi thăm hầu khắp các ngôi chùa, điện thờ trên núi. Đứng trên sân chùa Hoà Đồng, mắt vời xa Lòng Hồ lung linh nước bạc những Suối Dây, Bà Chiêm, Tha La… bỗng thấy vẫn còn hơi tiếc một điều. Là cái sân nhỏ bên hông chùa. Giá như mặt chùa quay về hướng này, thì các ông Tiêu diện Đại sĩ và Hộ pháp cũng luôn được nhìn về một vùng mênh mang trời nước của quê ta.

TRẦN VŨ