Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chùa Phật ở An Hoà
Thứ tư: 08:07 ngày 03/07/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Không chỉ nổi danh với Tha La xóm đạo, An Hoà còn là xã có rất nhiều ngôi chùa Phật giáo.

Chùa Hoà Lâm

Không chỉ nổi danh với Tha La xóm đạo, An Hoà còn là xã có rất nhiều ngôi chùa Phật giáo.

Vâng! Từ ngôi nhà thờ của giáo xứ Tha La thuộc ấp An Hội đi trở ra phía chợ Trảng Bàng, ta có thể rẽ ngang để vào các ấp An Quới, An Phú hay An Lợi để viếng các cảnh chùa giữa những miền quê còn rợp màu xanh của cây trái, hay tre trúc, tầm vông. An Hoà đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nên hầu hết các con đường liên ấp đều được nhựa hoá dễ đi, êm thuận.

Lại nhớ, trong tuỳ bút tuyệt vời Cây tre Việt Nam của nhà báo Thép Mới có một đoạn tả ngôi chùa Việt. Đấy là: “Dưới bóng tre xanh của ngàn xưa, thấp thoáng những ngôi chùa cổ. Dưới bóng tre xanh, Việt Nam gìn giữ một nền văn hoá lâu đời…”.

Mái chùa ở đây đồng nghĩa với một nền văn hoá xa xưa. Về nghĩa đen, nó cũng nói lên một thực tế là ngôi chùa xưa thường thấp bé, có thể an nhiên tự tại nằm trong bóng mát bụi tre. Cái khung cảnh nên thơ ngày chưa xa ấy đến nay ở Tây Ninh cũng chỉ có thể còn thấy ở An Hoà - một xã của huyện Trảng Bàng.

Bởi nhiều ngôi chùa vùng đô thị, thậm chí các vùng quê nay cũng đã được tôn tạo theo hướng xây lớn hơn, lên một hai lầu. Không nói đâu xa, ngay ở ấp An Quới, chùa Hải Chúng cũng đã xây mới một trệt một lầu. Gian mặt tiền lại được tôn cao thêm lầu hai. Ở phía đối diện, thuộc về An Phú thì chùa Phổ Tế cũng có mặt tiền cao hai tầng. Hai, ba lớp mái ngói chồng diêm đỏ vàng rực rỡ.

Ở Trảng Bàng, miền đất được coi là lâu đời nhất ở Tây Ninh, xã có nhiều chùa không phải hiếm, như An Tịnh, Gia Lộc, Lộc Hưng, Thị trấn... Nhưng liệu có nơi đâu nhiều chùa như ở An Hoà. Ngoài hai ngôi vừa kể, ấp An Phú còn có các ngôi Niết Bàn, Hoà Lâm, Phước Hoà. Ở ấp Hoà Hưng kề bên đường Xuyên Á có chùa Hội Phước Hoà. Đặc biệt là ở ấp An Lợi mênh mông những bờ tre, ruộng lúa còn có chùa Hoà Long.

Ngôi này thường bị các nhà nghiên cứu, nhà báo bỏ qua mà chưa thấy nhắc đến bao giờ. Bởi nó nằm ở rẻo đất gần giống một cù lao, bên cạnh cù lao An Thới. Một điều đáng chú ý nữa là ngoài hai ngôi Hải Chúng và Phổ Tế, các ngôi còn lại đều xin ở tên xã quê hương một chữ Hoà (trong An Hoà- tên xã). Vẫn chưa hết, bởi vì ngay bên cạnh chùa Hải Chúng vẫn còn một “phế tích” Phật giáo nữa.

Phân nửa khu đất nay đã thành bãi tha ma với hàng chục ngôi mộ nhưng vẫn còn khối nhà xưa từng là một “Phật viện” (giống một nơi chốn học tập, tu hành theo Phật giáo). Khối nhà nay vẫn còn nhưng phần chính điện đã hư sụp phần lầu. Mặt trước vẫn còn hai tháp lầu 2 bên kiểu lầu chuông, lầu trống, có mặt bằng lục giác. Màu sơn vôi hồng đã nhạt nhoà dưới màu rêu mốc. Vậy mà vẫn có một đài tượng Phật Thích Ca phía trước với pho tượng rất đẹp đặt dưới một tấm mái tròn. Và trước nữa là cây bồ đề vẫn sum suê toả bóng, như là đợi ai về thăm lại cảnh xưa.

Phần lớn các ngôi chùa ở An Hoà chỉ mới được xây trong khoảng từ năm 1936 (Hải Chúng) đến năm 1959 (Niết Bàn). Đấy là thời chiến tranh, các ni cô lập chùa là để nguyện cầu cho một nền hoà bình, có “quốc thái dân an”. Đến nay, ta vẫn còn thấy hình bóng của các ngôi chùa cũ, dù phần lớn đã được xây sửa đàng hoàng.

Như ở Niết Bàn, vẫn là mái ngói nâu sồng trong gian chính điện, với nhiều căn nhà phụ đã được xây thêm, phục vụ cho ni giới trong tỉnh về an cư kiết hạ. Chùa Hoà Lâm cũng đã thay đổi ở mặt tiền chùa với hành lang có mái ngói tôn cao. Nhưng chính điện vẫn thấy cấu trúc tứ trụ của mái chùa xưa hình bánh ít. Đặc biệt là chùa Hải Chúng, dù đã lên tầng cao lồng lộng, nhưng bên cạnh ngôi chùa mới bề thế vẫn thấy giữ lại một mái tranh nghèo hẩm hút của thời trước đó, như để nhắc nhở người sau về một thời gian khó đã qua.

Vậy mà An Hoà từng có một ngôi có gốc gác xa xưa, lại chưa mấy người biết đến. Đấy là chùa Hoà Long, nay thuộc ấp An Lợi. Sư trụ trì Thích Thiện Quang cho biết chùa đã được các bậc tiền bối “khai sơn tạo tự” vào năm 1873. Điều này là có thể, vì thôn An Hoà được Tuyên phủ sứ Tây Ninh là Cao Hữu Dực lập ra từ năm 1845 (Từ điển Địa danh hành chính Nam bộ) chứ không phải là năm 1872 như một số sử liệu đã ghi.

Dù vậy, dấu tích vật chất của ngôi chùa xưa (nếu có) đã không còn nữa, chỉ còn 3 nóc mái chùa lợp ngói móc, kiểu hai dốc mái và các phần mái ngói lợp hành lang của ngôi đã được xây lại từ năm 1958. Đến năm 2015, chùa lại được trùng tu thêm lần nữa kéo dài cho đến tận ngày nay (5.2019). Rất có thể là, những chủ nhân đầu tiên đã đến định cư ở đây từ khoảng năm 1873. Và ngôi đầu tiên chỉ bằng tranh tre, nứa lá.

Vật chứng xưa nhất có lẽ chỉ có cây xoài cổ thụ ở ngay bên phải mặt tiền chùa. Cây không lớn nhưng mọc đầy các loại cây tầm gửi như cây rừng. Sư trụ trì cho biết, cây xoài đã 150 tuổi, theo lời các bậc sư phụ truyền lại. Sau nữa là một bộ kinh “Diệu Pháp Liên Hoa” in bằng mộc bản chữ Hán, đến nay vẫn còn rõ và sắc nét. Ba pho tượng Phật từng đặt trên chính điện nhưng không có gì đặc biệt.

Điều đáng tiếc nhất lại là trong lần tu sửa mới nhất chùa đã phải cho chặt đi vài cây sao lớn đã trăm năm mọc ở vườn chùa làm vật liệu. Vì thế đã mất đi một cảnh quan thường gặp ở các ngôi chùa cổ. Giả dụ còn cây thì có thể trở thành một điểm hành hương trong những tour, tuyến du lịch sinh thái ở ngày mai.

Người ta còn ít biết đến Hoà Long tự là bởi chùa ngự trên một vùng đất còn thưa vắng dân cư, có tên là Giồng Nổi. Giồng đất nổi lên giữa một bên là rạch Trảng Bàng, bên trong là rạch Trường Đà. Cái tên xưa của cây cầu duy nhất bắc qua con rạch này là cầu Lung Lầy, nay thường được gọi là cầu Dừa. Nghe cũng đủ hình dung một thời xa xưa cực kỳ gian khó.

Nhưng nay, các con đường mới phần lớn đá nhựa chạy đi khắp ngả. Cây cầu dừa năm xưa cũng được thay thế bằng cây cầu sắt “không gian” cong vắt soi bóng trên mặt nước cùng trời mây lồng lộng cao xanh. Với địa thế ấy, ắt sẽ có ngày An Hoà trở thành tuyến du lịch khám phá đầy cảm xúc. Du khách có đi, thì đừng quên thăm viếng những ngôi chùa Phật ở An Hoà.

TRẦN VŨ

Từ khóa:
Báo Tây Ninh
địa chỉ bán nhang trầm sạch uy tínxem thần số học miễn phímẫu động sơn trang đẹp
Tin cùng chuyên mục