Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Nhà nước không thừa nhận hôn nhân đồng tính nhưng cần có cơ sở pháp lý để giải quyết hậu quả của tình trạng chung sống giữa những người cùng giới tính đang diễn ra trong thực tế
Ngày 13-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) họp phiên thứ 24 để cho ý kiến về dự án Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT).
Luật không thể “bỏ qua” Hiến pháp
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết việc dự luật bỏ quy định cấm hôn nhân đồng tính là thể hiện tính nhân văn, bảo đảm quyền con người, góp phần giảm bớt sự kỳ thị. Tuy nhiên, dự luật vẫn quy định nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính nhưng cũng cần có cơ sở pháp lý để giải quyết hậu quả của tình trạng chung sống giữa những người cùng giới tính đang diễn ra trong thực tế.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu phân tích: “Điều 36 Hiến pháp mới đã nêu nguyên tắc “nam, nữ có quyền kết hôn”, có nghĩa là chưa thừa nhận hôn nhân đồng giới. Vì thế luật không thể “bỏ qua” Hiến pháp.
Có ý kiến đề nghị tuổi kết hôn của cả nam và nữ là “đủ 18 tuổi trở lên” như dự thảo. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề: “Làm luật phải theo xu hướng tiến bộ mà xu hướng hiện nay là tuổi kết hôn ngày càng tăng thì tại sao dự luật lại kéo tụt xuống?”. Đồng tình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý lưu ý việc hạ độ tuổi kết hôn dẫn đến phụ nữ thêm nhiều nguy cơ thiệt thòi.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị giữ nguyên độ tuổi kết hôn như quy định hiện hành nhưng yêu cầu có thống kê những cộng đồng dân cư có độ tuổi kết hôn thực tế thấp hơn quy định để có hướng xử lý.
Đề nghị bắt buộc mua BHYT
Tiếp tục trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý đối với dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, bà Trương Thị Mai cho biết tính pháp lý của việc bắt buộc tham gia BHYT có ý nghĩa nhân văn tương tự như quy định bắt buộc tiêm chủng với phụ nữ có thai và trẻ em dưới 6 tuổi. Song, trong điều kiện hiện nay, rất khó quy định chế tài xử lý người không tham gia BHYT bắt buộc. Vì vậy, bà Mai cho biết Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội thống nhất dự luật áp dụng như luật hiện hành.
Nhìn đa chiều hơn, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn bày tỏ: “Tôi ngả về hướng không bắt buộc tham gia BHYT và việc bắt buộc cần chờ nhiều năm nữa. Hiện có nhiều bệnh viện tư và người dân có tiền có quyền khám ở bất cứ đâu. Lý do gì bắt họ đóng tiền để khám ở những nơi quy định”.
Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách, có quan điểm ngược lại và ủng hộ quy định bắt buộc mua BHYT và quy định này là đột phá để giải bài toán nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; đề nghị ngân sách nhà nước có cơ chế hỗ trợ những đối tượng như người có công, quân nhân, hộ nghèo, hộ cận nghèo...
Tán đồng, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nói: “Quỹ BHYT ngày càng cạn mà không bắt buộc đóng thì hoặc vỡ hoặc chất lượng khám chữa bệnh rất kém”.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ sự tha thiết muốn BHYT là bắt buộc để hướng tới toàn dân có BHYT và gọi là Quỹ BHYT toàn dân như dự luật đề xuất.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhìn nhận BHYT là chính sách nhân đạo và theo hướng ai cũng phải đóng, người không có điều kiện thì nhà nước giúp. Tuy nhiên, cần hạn chế tối đa việc ngăn cấm người dân đến một số cơ sở y tế.
Liên quan đến việc quản lý, phân bổ sử dụng và xử lý kết dư, bội chi Quỹ BHYT, đa số ý kiến cho rằng cần hướng đến việc nộp toàn bộ số tiền kết dư Quỹ BHYT về trung ương để phân bổ sử dụng chung bởi các tỉnh có tỉ lệ thu cao cũng là các tỉnh được ngân sách trung ương chi trả cho các đối tượng được hỗ trợ lớn. Nay khoản tiền có nguồn gốc ngân sách này không được sử dụng đúng mục đích mà để lại một tỉ lệ lớn cho địa phương chi dùng là không hợp lý.
Ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, cho rằng quy định dành ít nhất 50% phần kết dư Quỹ BHYT cho địa phương là mang tính cục bộ, không hợp lý.
Kết luận, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng yêu cầu quy định theo hướng bắt buộc tham gia BHYT nhưng cần quản lý thống nhất Quỹ BHYT toàn dân và không có các khoản chi cho tuyên truyền, khen thưởng, mua sắm trang thiết bị…
Chiều cùng ngày, Ủy ban TVQH cho ý kiến về dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Theo NLĐO