BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuẩn bị cho kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá XIII

Cập nhật ngày: 26/09/2011 - 08:44

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì Phiên họp thứ hai Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XIII

Sáng 26.9, phiên họp thứ hai, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XIII đã khai mạc tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, phiên họp thứ hai của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có nhiệm vụ trọng tâm là chuẩn bị tốt cho kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XIII.

Về công tác xây dựng luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận về 7 dự án: Luật cơ yếu; Luật quảng cáo; Luật quản lý giá; Luật phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật giám định tư pháp; Luật giáo dục đại học; Luật phòng, chống tác hại thuốc lá và cho ý kiến về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XIII.

Một nội dung quan trọng khác, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về: tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011; phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2012; kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2011- 2015; chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm 2011- 2015; chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ 5 năm 2011- 2015.

Tại phiên họp, Uỷ ban thường vụ Quốc hội sẽ nghe báo cáo công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2011; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8 và thứ 9, Quốc hội khoá XII; báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề; cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011- 2015 và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011- 2020; Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Ngay sau khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận Luật cơ yếu. Qua thảo luận, các đại biểu đều tán thành với việc chuyển Ban Cơ yếu Chính phủ từ Bộ Nội vụ sang trực thuộc Bộ Quốc phòng.

Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh cho rằng việc tiếp tục để Ban Cơ yếu Chính phủ trực thuộc Bộ Nội vụ là không hợp lý, không phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của ngành cơ yếu là một ngành cơ mật đặc biệt thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia. Ban Cơ yếu Chính phủ một thời gian dài, từ năm 1958 đến năm 1979 là cơ quan trực thuộc Trung ương Đảng, do Quân ủy Trung ương trực tiếp chỉ đạo; Bộ Quốc phòng có truyền thống và có bề dày kinh nghiệm quản lý công tác cơ yếu; thực tiễn hiện nay số lượng người làm công tác cơ yếu trong hệ thống cơ yếu Quân đội nhân dân chiếm tỷ lệ cao (khoảng 45% ngành cơ yếu).

Trên cơ sở nhất trí chuyển ban Cơ yếu Chính phủ từ Bộ Nội vụ sang trực thuộc Bộ Quốc phòng, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh đề nghị vẫn giữ ổn định tên gọi, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Cơ yếu Chính phủ như hiện nay.

Thời gian còn lại của buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật quảng cáo.

Tại Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đề cập tới những kết quả đã đạt được sau gần 10 năm thực hiện Pháp lệnh quảng cáo (2002- 2011) và các văn bản hướng dẫn thi hành, cũng như những hạn chế, những quy định không còn đáp ứng yêu cầu phát triển của hoạt động quảng cáo. Bộ trưởng khẳng định, để đáp ứng nhu cầu thực tiễn về phát triển hoạt động quảng cáo, khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành thì việc ban hành Luật quảng cáo- văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao để điều chỉnh toàn diện hoạt động quảng cáo ở Việt Nam là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Dự thảo Luật quảng cáo có 5 chương, 47 điều. Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cũng tán thành rằng, để nâng cao hiệu lực của pháp luật trong việc điều chỉnh hoạt động quảng cáo phát triển đúng hướng, tạo điều kiện cho thị trường quảng cáo phát triển, cũng như tăng cường vai trò quản lý nhà nước về quảng cáo, Pháp lệnh quảng cáo cần sớm được xem xét sửa đổi và nâng lên thành luật. Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu nhất trí với việc cần thiết ban hành Luật quảng cáo.

Ủng hộ quan điểm cần có Luật về quảng cáo, Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhấn mạnh việc ra đời của Luật quảng cáo phải giải quyết được những vấn đề mới phát sinh; nhận xét dự án luật chưa nêu rõ các chính sách lớn được đề cập trong luật cũng như cơ sở để đưa ra các quy định trong dự luật. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Luật quảng cáo phải giải quyết được những bất cập hiện nay vì thực tế quảng cáo chưa đáp ứng được yêu cầu. Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý Ban soạn thảo cần nghiên cứu thấu đáo và thể hiện cụ thể trong dự án luật, không nêu chung chung để khi có hiệu lực, luật dễ đi vào cuộc sống.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị Ban soạn thảo cần giải trình, làm rõ phạm vi điều chỉnh của dự án Luật. Theo đại biểu, trong dự thảo luật ghi: “Luật này quy định về hoạt động quảng cáo; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo; quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo. Các thông tin cổ động, tuyên truyền chính trị không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này” là chưa rõ ràng. Đại biểu yêu cầu Ban soạn thảo phải làm rõ mối quan hệ giữa Luật quảng cáo với các luật khác vì cho rằng có nhiều nội dung trong dự án luật trùng lắp với các luật khác.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước tán thành với quan điểm này, đề nghị Ban soạn thảo cần sàng lọc những nội dung bị trùng lặp giữa Luật Quảng cáo với các luật khác. Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng đề nghị dự án luật cần có những quy định cụ thể, nghiêm khắc để xử lý các quảng cáo vi phạm pháp luật. Đại biểu Trương Thị Mai đề nghị cần có tuyên ngôn mạnh mẽ hơn của nhà nước đối với việc bảo vệ công chúng, bảo về quyền và lợi ích của người tiếp nhận quảng cáo trong dự luật.

Một điểm mới của dự thảo được Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng ghi nhận là quyền và nghĩa vụ của người tiếp nhận quảng cáo và trách nhiệm pháp lý của cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo.

Chủ nhiệm Uỷ ban Đào Trọng Thi nhấn mạnh, quy định người kinh doanh dịch vụ quảng cáo và phát hành quảng cáo đều cùng phải chịu trách nhiệm về ấn phẩm quảng cáo là chung chung, cần làm rõ trách nhiệm của các đối tượng này cũng như trình tự, thủ tục khiếu nại và giải quyết khiếu nại. Về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cần nêu rõ “Cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động quảng cáo phải chịu trách nhiệm về các quyết định của mình và bồi thường thiệt hại cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo khi đưa ra quyết định không đúng, gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.”

Về những nội dung cấm trong hoạt động quảng cáo, Thường trực Uỷ ban yêu cầu bổ sung quy định cấm doanh nghiệp lợi dụng danh nghĩa cán bộ, công chức, nhân viên chuyên môn hay hình ảnh, danh nghĩa của cơ quan, tổ chức để quảng cáo, nhằm tạo niềm tin cho người tiếp nhận quảng cáo.

Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cũng đề nghị Ban soạn thảo dự luật liệt kê đầy đủ các hành vi vi phạm và chế tài xử lý các hành vi đó để nâng cao hiệu lực pháp lý của văn bản pháp quy này.

Tiếp tục chương trình làm việc chiều 26.9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Quản lý giá do Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ trình bày.

Đánh giá chung về Dự thảo Luật, Uỷ ban Tài chính – Ngân sách cho rằng so với Pháp lệnh giá, Dự thảo Luật đã hoàn thiện thêm một bước khuôn khổ pháp lý, bổ sung một số quy định mới, chi tiết hơn một số nội dung như quyền, nghĩa vụ của tổ chức giá… Tuy nhiên, qua nghiên cứu toàn bộ Dự thảo Luật, Tờ trình và các văn bản liên quan cho thấy, Dự án Luật chưa làm nổi bật được những điểm đột phá, những sửa đổi căn bàn, chưa làm nổi bật những điểm đột phá, chưa làm rõ bước tiến mới về chất khi nâng thành Luật để khắc phục hạn chế so với khung pháp lý hiện hành và mục tiêu đề ra như: nhiều quy định Dự thảo Luật mâu thuẫn mục tiêu phù hợp với cơ chế thị trường, vẫn còn thể hiện sự can thiệp sâu của Nhà nước vào quan hệ cung - cầu, về quyết định giá. Ngoài ra, Dự thảo chưa đảm bảo tính cụ thể, nhiều nội dung quan trọng được giao Chính phủ, Bộ Tài Chính quy định bằng văn bản dưới luật.

Thường trực Uỷ ban Tài chính- Ngân sách đề nghị tiếp tục nghiên cứu, bổ sung một số nội dung quan trọng chưa quy định trong dự thảo Luật bao quát toàn diện với tính chất là đạo luật chung về các vấn đề liên quan đến giá. Cụ thể: Hình thức thẩm định giá nước ngoài tại Việt Nam. Những trường hợp cần thiết Nhà nước phải điều tiết, can thiệp vào giá thị trường; áp dụng các biện pháp bình ổn giá; Tiêu chí xác định, hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước quy định giá và bình ổn giá; chế tài xử lý các vi phạm; Địa vị pháp lý, thẩm quyền thành lập, cơ cấu tổ chức, thành phần của Hội đồng thẩm định giá…

Về một số vấn đề cụ thể như: hàng hoá, dịch vụ, về thẩm quyền quyết định và công bố các biện pháp bình ổn giá hay về hàng hoá dịch vụ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định giá và căn cứ, phương pháp định giá.

Nhiều vấn đề quy định trong Luật chưa được lập luận cụ thể, thuyết phục. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Những tài sản, hàng hoá, dịch vụ nào thì phải định giá. Giả sử như giá dịch vụ y tế, giáo dục, giá xăng dầu… thuộc danh mục định giá, danh mục quản lý giá hay không. “Như vậy, điều quan trọng của Luật là cần xác định tiêu chí nào để quy định đó là danh mục quan trọng mà Nhà nước phải định giá” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.

Nhiều ý kiến cho rằng: thẩm quyền quyết định và công bố các biện pháp bình ổn giá là vấn đề rất lớn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, quyền lợi người tiêu dùng. Vì vậy, việc quyết định các biện pháp bình ổn giá phải do tập thể Chính phủ xem xét, quyết định.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng: Cần cân nhắc lại quy định UBND cấp tỉnh quyết định các biện pháp bình ổn tại địa phương. Vì, với những địa phương có tiềm lực ngân sách mạnh như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng thì đầu tư bình ổn giá có hiệu quả. Còn nhiều địa phương không đủ tiềm lực tài chính thì khó có thể thực hiện được yêu cầu bình ổn giá.

Giải trình về vấn đề còn có ý kiến khác nhau là quy định về hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ thay mặt Ban soạn thảo dự án Luật giá cho biết: Việc định giá của Nhà nước tuân theo cơ chế thị trường phù hợp với thị trường và minh bạch. Nhà nước chỉ can thiệp vào thị trường bằng biện pháp bình ổn giá. Trong luật này quy định biện pháp bình ổn giá nhiều nhất  là quỹ bình ổn giá. Các quy định này phù hợp với cam kết quốc tế và hội nhập chứ không dùng biện pháp hành chính trong luật này. Đối tượng áp dụng luật, quy định như vậy không chồng chéo mâu thuẫn với Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà chỉ có một số quy đinh bổ sung để bảo vệ người tiêu dùng.

(Theo Vietnam+/VOV)