Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Công tác nhân sự cấp chiến lược khóa XIII đã được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương chuẩn bị trong gần 2 năm qua với tinh thần quyết liệt nhưng cũng rất cẩn trọng.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đang đến gần. Đây là sự kiện trọng đại có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu bước phát triển mới của đất nước. Cứ mỗi kỳ đại hội là một lần chuyển giao nhân sự, được người dân đặc biệt kỳ vọng.
Công tác nhân sự cấp chiến lược khóa XIII đã được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương chuẩn bị với tinh thần quyết liệt nhưng cũng rất cẩn trọng.
Nói đến công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội là nói đến việc chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước. Đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định vận mệnh của Đảng và sự phát triển của đất nước những năm tới.
Do vậy, để có được một đội ngũ cán bộ có chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công cuộc phát triển đất nước, đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ đoàn kết, thống nhất, kế thừa, bổ sung cho nhau, phát huy những mặt mạnh, hạn chế những mặt còn khiếm khuyết.
Đánh giá cán bộ không chỉ định tính, mà cả định lượng
Với cách đặt vấn đề như vậy, công tác nhân sự cấp chiến lược khóa XIII đã được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương chuẩn bị trong gần 2 năm qua với tinh thần quyết liệt nhưng cũng rất cẩn trọng.
Nổi bật là việc ban hành Quy định 214/2020 thay cho Quy định 90/2017 đã cho thấy quyết tâm đầu tiên của Đảng đó là việc tập trung hoàn thiện thể chế, với những đổi mới về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá. Những nội dung mới của Quy định 214 đã cho thấy việc đánh giá không chỉ định tính mà cả định lượng với những tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể.
Đối với 4 chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước trong Quy định 214, Bộ Chính trị đã bổ sung tiêu chuẩn đặc biệt quan trọng: phải là “trung tâm đoàn kết”, thay cho cụm từ “hạt nhân đoàn kết” trong Quy định 90 và phải có “uy tín cao trong nhân dân”. Những tiêu chuẩn này thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng là lấy “dân làm gốc”.
Với chức danh Tổng Bí thư, Quy định 214 bổ sung những phẩm chất cũng rất quan trọng là “Quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân và sức mạnh của thời đại để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Đặc biệt, Quy định cũng bổ sung tiêu chuẩn Tổng Bí thư phải là người có “tư duy nhạy bén” và “bình tĩnh, sáng suốt” trước những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến vận mệnh của Đảng, của quốc gia dân tộc”. Đây là hai phẩm chất quan trọng đối với người lãnh đạo cao nhất của Đảng.
Quy định 214 còn có bổ sung rất quan trọng về tiêu chuẩn đạo đức, lối sống đối với cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, đó là “không trục lợi”. Trước đó, Quy định 90 mới chỉ đề cập “không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”. Việc bổ sung tiêu chí “không trục lợi” của cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý được đánh giá là cần thiết, bởi trong điều kiện mở cửa và phát triển kinh tế thị trường, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, luôn đứng trước những cám dỗ, đòi hỏi phải thường xuyên rèn luyện, trau dồi đạo đức; phải luôn luôn cảnh giác để có thể vượt qua những cám dỗ, ham muốn vật chất, công danh, lợi lộc.
Cùng với Quy định 214 là Quy định 205 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền. Có thể nói, đây là lần đầu tiên các hành vi chạy chức, chạy quyền gắn liền với công tác cán bộ được Đảng chỉ rõ trong một quy định của Bộ Chính trị.
Bước đầu, qua kết quả Đại hội các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Quy định 205 đã cho thấy tác dụng. Như ghi nhận của chính Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Những biểu hiện vận động, tranh thủ phiếu bầu đã cơ bản được khắc phục, tình trạng chạy chức, chạy quyền, cục bộ địa phương, lợi ích nhóm giảm hẳn.
Chỉ đạo ráo riết, quyết liệt nhưng cẩn trọng
Để có được kết quả như nhận định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, phải khẳng định rằng, cùng với chỉ đạo ráo riết, quyết liệt nhưng cũng rất cẩn trọng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, không thể không nhắc tới 3 bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước với những chỉ đạo sâu sát, sắc sảo, đặc biệt về công tác nhân sự.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Trung ương 14
Trong bài viết về chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã chỉ đạo rất rõ cho quá trình lựa chọn, bố trí, sắp xếp nhân sự: “Quan điểm là không quá cầu toàn, không quá tuyệt đối hoá. Điều quan trọng là phải biết phân biệt, đánh giá chính xác bản chất, mức độ các điểm mạnh, điểm yếu đó để không chọn nhầm người và phải có cách bố trí, sắp xếp nhân sự sao cho phù hợp để phát huy mặt mạnh, hạn chế mặt yếu của mỗi thành viên, bổ sung cho nhau, tạo ra một ê-kíp mạnh, một tập thể lãnh đạo tương đối hoàn chỉnh, không gây tổn thương cho lợi ích của Đảng, của quốc gia, của tập thể”.
Những bài viết và phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng không chỉ thể hiện sự quan tâm, trăn trở, tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, trước nhân dân của người đứng đầu Đảng, Nhà nước, mà cũng là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng.
Có thể nói, chưa có kỳ đại hội nào, công tác nhân sự được Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo kỹ lưỡng đến vậy. Lần đầu tiên Bộ Chính trị thành lập một Ban chỉ đạo chỉ để xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược cho một nhiệm kỳ 2021 – 2026 do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban. Công tác quy hoạch cán bộ chiến lược được tiến hành từng bước, từng việc thận trọng, kỹ lưỡng và bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan, minh bạch hơn. Trên cơ sở danh sách quy hoạch của các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương, đã được Ban Chỉ đạo quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, Tiểu ban nhân sự, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cá cơ quan chức năng có liên quan rà soát, thẩm định kỹ lưỡng, chặt chẽ, khách quan từng nhân sự trước khi trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định.
Một cách làm mới trong công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược ở nhiệm kỳ XIII là số lượng cán bộ được quy hoạch ít hơn, chặt chẽ hơn so với nhiệm kỳ XII. Đồng thời, việc tổ chức các lớp bồi dưỡng cũng được đổi mới, hiệu quả hơn. Qua nhiều lần quy hoạch, bổ sung, điều chỉnh, Trung ương bỏ phiếu kín giới thiệu và đưa vào quy hoạch cán bộ cấp chiến lược hơn 220 người, giảm gần 300 người so với số quy hoạch khóa XII.
Cùng với đó, việc quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 cũng được tiến hành từng bước thận trọng theo quy trình chặt chẽ, dân chủ, trước hết là tập trung quy hoạch nhân sự phục vụ Đại hội XIII, không thể vừa quy hoạch nhân sự khóa XIII, vừa quy hoạch nhân sự cho các nhiệm kỳ tiếp theo như nhiệm kỳ trước. Trong quy hoạch nhân sự Đại hội XIII thì tiến hành quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương trước; quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư sau; cuối cùng là quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước.
Công tác nhân sự Đại hội XIII cũng được đặc biệt chú trọng về chất lượng trên cơ sở bảo đảm số lượng và cơ cấu hợp lý, nhưng không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.
Đặc biệt, việc chuẩn bị nhân sự được tiến hành theo quy trình 5 bước và trình tự: Chuẩn bị nhân sự tái cử Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trước, nhân sự mới tham gia sau và cuối cùng là “trường hợp đặc biệt”. Việc áp dụng quy trình 5 bước với 5 lần rà soát, 5 lần lấy phiếu, 5 lần lấy ý kiến, được đánh giá là một điểm mới rất quan trọng ở kỳ đại hội này, nó giúp cho công tác nhân sự được mở rộng dân chủ hơn, chặt chẽ, khách quan và kỹ lưỡng hơn quy trình 3 bước trước đây, từ đó tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao hơn./.
Nguồn VOV.VN