BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chung quanh vấn đề quản lý giống và cố định đất trồng lúa

Cập nhật ngày: 22/11/2013 - 09:01

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương và Bộ trưởng Cao Đức Phát

(BTN) – Với trách nhiệm của mình Bộ trưởng sẽ có những biện pháp gì để hướng dẫn các địa phương thực hiện đúng tinh thần Thông tư liên tịch hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước, chi cho đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thuỷ sản đến năm 2020...

Chiều ngày 19.11, tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát, ĐBQH Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) đề nghị Bộ trưởng cho biết: Bộ NN&PTNT cùng với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư đã ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước, chi cho đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thuỷ sản đến năm 2020; vậy thông tư này đã được triển khai như thế nào mà hiện nay vẫn còn tình trạng người dân chạy theo lợi ích trước mắt, đua nhau nuôi trồng các loại giống sinh vật ngoại lai, ốc bươu vàng, đỉa và các loại cây kém hiệu quả.

Với trách nhiệm của mình Bộ trưởng sẽ có những biện pháp gì để hướng dẫn các địa phương thực hiện đúng tinh thần thông tư trên? Về vấn đề ưu tiên cho sản xuất và hỗ trợ nông dân, đề nghị Bộ trưởng cho biết có hay không chính sách cố định đất lúa của chúng ta thời gian qua dẫn đến việc hạn chế sự đa dạng thu nhập của người nông dân? Quan điểm của Bộ trưởng như thế nào về việc ban hành chính sách xuất khẩu gạo trong thời gian qua chưa có sự tham gia của người trồng lúa?

Chất vấn của đại biểu Trịnh Ngọc Phương được Bộ trưởng Cao Đức Phát giải trình như sau: Vấn đề quản lý giống tốt hơn là vấn đề lớn của ngành nông nghiệp, làm ra giống tốt nhưng quan trọng hơn nữa là làm sao để đến tay người dân giống chất lượng tốt, Bộ NN&PTNT thường xuyên theo dõi điều chỉnh hệ thống văn bản pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý để các cơ quan quản lý nông nghiệp ở địa phương có thể quản lý chặt chẽ hơn, bao gồm những nghị định, thông tư.

Bộ cũng làm rõ về trách nhiệm quản lý giống của các cấp và thường xuyên phối hợp chỉ đạo, kiểm tra về chất lượng giống. Mặt khác Bộ cũng đề xuất những chính sách để khuyến khích hình thành những tổ chức sản xuất giống có tính chất chuyên nghiệp, giúp cho bà con nông dân thay vì mua giống trôi nổi, hay tự mình để giống có thể chuyển dần sang sử dụng giống thương mại, được sản xuất theo những quy trình và có sự kiểm tra.

Về chính sách cố định đất lúa có hạn chế sự đa dạng hoá thu nhập của nông dân không? Chủ trương chung là giữ quỹ đất trồng lúa, nhưng không tìm thấy văn bản nào cấm nhân dân được trồng những cây khác trên đất lúa mà có lợi hơn. Hiện nay, một số địa phương hiểu không chính xác tư tưởng đó nên không ủng hộ việc nông dân chuyển sang trồng một số cây bà con nghĩ rằng có thể có lợi hơn cho mình. Vì thế, thời gian tới Bộ sẽ tham mưu ban hành văn bản để hướng dẫn rõ vấn đề này.

Chúng ta giữ quỹ đất có khả năng trồng lúa lâu dài, nhưng nhân dân có thể trồng những cây khác có lợi hơn và không làm mất đi khả năng sản xuất lúa trong phạm vi 3,8 triệu ha. Trong trường hợp nhân dân muốn chuyển hẳn sang đào ao, thả cá, trồng cây lâu năm thì Luật Đất đai của chúng ta vẫn cho phép, nhưng phải xin phép hoặc làm theo quy hoạch để không ảnh hưởng đến những người khác, không ảnh hưởng đến lợi ích lớn của quốc gia.

Về chính sách xuất khẩu gạo chưa có sự tham gia của người trồng lúa, Bộ luôn luôn tìm cách thúc đẩy xuất khẩu gạo để giữ giá có lợi cho nhân dân. Nếu chúng ta không xuất khẩu, như đã báo cáo, nếu muốn sản xuất thêm 1 tấn lúa thì phải bán, phải xuất khẩu được, còn nếu không nó sẽ làm cho giảm giá trong nước, tất cả những điều này đều hướng tới làm lợi cho nông dân.

QUANG HẠNH

(Lược ghi)

 


 
Liên kết hữu ích