Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chung sức xây đắp biên cương 

Cập nhật ngày: 13/02/2019 - 00:13

BTN - “Buổi đầu, toàn khu dân cư chỉ có 80 học sinh, học tạm trong nhà dân. Đến nay, trường đã ra trường, lớp đã ra lớp. Khó khăn, vất vả còn nhiều, nhưng đã gắn bó với nghề, ai cũng xác định phải hoàn thành nhiệm vụ” - ông Huỳnh Thanh Danh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Khai mở đầu buổi trò chuyện về chủ đề giáo dục ở một ngôi trường sát biên giới.

Học sinh tiểu học, trung học cơ sở ở Khu dân cư Chàng Riệc.

HỌC TRÒ ĐƯỢC ĐẾN TRƯỜNG LÀ ƯU TIÊN SỐ MỘT

Đó là những ngày tháng cả giáo viên và học sinh mầm non, tiểu học cùng chung một mái trường. Nơi biên giới xa xôi này bắt đầu vang lên tiếng ê a của những mầm non đất nước. Giáo viên của bậc học mầm non, tiểu học đã chung sức, thu xếp để chuyện học dần đi vào ổn định.

Tháng 7.2016, sau một thời gian dài chuẩn bị cả về cơ sở vật chất lẫn đội ngũ, Trường tiểu học Tân Khai chính thức có quyết định thành lập. Với 14 cán bộ, giáo viên, nhân viên và gần 200 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Một nét riêng của ngôi trường tiểu học xa xôi này là có nhiều con em đồng bào người Việt Nam ở Campuchia về đây sinh sống.

Về mặt hành chính, học sinh trước khi vào lớp 1 phải có hồ sơ đầy đủ, song vì những nguyên nhân khác nhau, con em Việt kiều gần như không có bất kỳ loại hồ sơ nào. Ông Huỳnh Thanh Danh chia sẻ thêm: “Học trò được đến trường, được học con chữ là ưu tiên số một, thủ tục hành chính sẽ giải quyết dần dần.

Lãnh đạo ngành Giáo dục, các cấp chính quyền và nhà trường đã thống nhất điều đó. Vào đây công tác, buổi trưa, tôi cùng mấy anh em bắc nồi cơm, có gì dùng nấy, thỉnh thoảng người dân cho bó rau, con cá”.

Khu dân cư Chàng Riệc, ấp Tân Khai, xã Tân Lập, huyện Tân Biên là nơi sát biên giới nước bạn Campuchia. Từ khi thành lập đến nay, cùng với việc tập trung xây dựng, phát triển kinh tế cho khu dân cư này, các cấp lãnh đạo còn đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục.

Do vị trí địa lý cùng với các yếu tố khác, sự nghiệp giáo dục nơi biên cương này còn nhiều khó khăn. Song, bằng lương tâm, trách nhiệm với nghề, những giáo viên được điều đến đây công tác nơi này đang ngày ngày đem con chữ, ánh sáng của tri thức đến với học sinh...

Một trong những điều được coi như thách thức lớn nhất của chuyện dạy học ở nơi biên giới là vấn đề đi lại của giáo viên. Tại Trường tiểu học Tân Khai, trong số 9 giáo viên của nhà trường, có 6 người đi về hằng ngày. Số giáo viên tiểu học này đều có nhà riêng hoặc sống với gia đình trên địa bàn xã Tân Lập, thị trấn Tân Biên hoặc các xã khác trên địa bàn huyện. Khoảng cách từ nơi ở đến trường rất xa.

Đầu tháng 10.2017, anh Nguyễn Sĩ Hoan, một giáo viên dạy học tại Trường tiểu học Tân Thạnh, xã Tân Bình được điều động tăng cường cho Trường tiểu học Tân Khai. Anh Hoan cho biết, từ khi được điều động, mỗi ngày anh đều dậy từ sớm, chạy xe qua quãng đường gần 30 cây số để đến trường.

Tính cả chiều về, mỗi ngày anh đi chừng 60 cây số, liên tục từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần, bất kể thời tiết có thuận lợi hay không. Ở ngôi trường này, các lớp 1, 2, 3 học cả ngày. Do đó, giáo viên nào dạy khối lớp nêu trên thì buổi trưa phải ở lại. Theo lời thầy Hoan, tuy đi lại vất vả, tốn kém nhưng được cái học trò ở ngôi trường này lễ phép, chăm ngoan, điều này làm vơi đi nỗi nhọc nhằn của những người thầy, người cô.

So với đồng nghiệp nam, những nữ giáo viên được điều vào công tác tại vùng biên giới này vất vả hơn nhiều. Sau khi tốt nghiệp sư phạm, chị Bùi Thị Kim Yến đi dạy hợp đồng một năm. Năm 2017, trúng tuyển trong kỳ thi tuyển dụng viên chức, chị Kim Yến được phân công về dạy học tại Trường tiểu học Tân Khai.

Khác với tâm trạng lo lắng thường thấy khi đi dạy xa nhà, cầm quyết định trong tay, cô giáo trẻ nói với cha mẹ: “Đi bất kỳ nơi đâu, miễn có công ăn việc làm”. Thế là cô giáo Yến đến nhận nhiệm vụ ở ngôi trường cách nhà khoảng 25 cây số (cả đi và về chừng 50 cây số mỗi ngày).

Đều đặn mỗi ngày, cứ 5 giờ 45 phút sáng, với chiếc cặp xách, cái hộp đựng cơm do mẹ nấu, cô giáo lên xe máy băng qua quãng đường vắng bóng người để đến với học sinh. Buổi trưa, trong trường không có giường nên cô giáo ngả lưng trên những chiếc bàn ghép lại. Bốn giờ chiều, sau buổi học thứ hai, cô giáo trẻ lại ra về. Sau khi lập gia đình, rồi bầu bì, cô giáo trẻ vẫn đi về hằng ngày trên cung đường vắng bóng người ấy.

“Cũng may, đến giờ này cả cha mẹ và chồng đều ủng hộ, động viên nên em cũng yên tâm gắn bó với nghề. Em mới ra trường, lương thấp, tổng thu nhập chừng 3 triệu đồng mỗi tháng, trừ chi phí xăng dầu, cơm nước, chẳng còn bao nhiêu”- cô giáo trẻ cho biết. Kim Yến cũng trải lòng: “Thời tiết nắng ráo còn đỡ, về mùa mưa, chuyện đi lại thật sự mệt. Đường xa, vắng vẻ, nhiều khi tan trường, ra về trời đã gần tối nên em cũng sợ, nhưng dù khó khăn thế nào, chỉ cần được nhìn học sinh nơi biên giới này đến trường, em vui lắm!”.

Kim Yến kể, nhiều lúc, cô còn trích từ đồng lương ít ỏi của mình để mua dụng cụ học tập hỗ trợ học sinh. Dịp 20.11, kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, có một em học sinh lớp 2 đã hái một nhành hoa ven đường đến tặng cô giáo. “Chỉ một cành hoa dại ven đường nhưng em rất vui, cảm thấy hạnh phúc” - Kim Yến nói.

NHƯỜNG PHÒNG CHO HỌC TRÒ Ở

Khu dân cư Chàng Riệc thành lập chưa lâu, dân số cũng không nhiều. Do đó, số học sinh cấp trung học cơ sở ở đây cũng còn ít. Năm học 2018-2019, tổng cộng có hơn 40 học sinh là con em người dân trong khu dân cư đang theo học các lớp 6, 7, 8.

Vì học sinh ít, chưa thể thành lập trường riêng nên toàn bộ số học sinh này được tổ chức học trong Trường tiểu học Tân Khai. Số lớp học này được xem là cơ sở hai của Trường trung học cơ sở Tân Lập. Ông Huỳnh Bỉnh Di, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Tân Lập thông tin, sau khi có các lớp 6, 7, 8, lãnh đạo trường đã điều giáo viên ở điểm chính vào dạy tại điểm phụ bằng hình thức luân phiên. Năm nay người này vào, năm sau người khác đến thay.

Cứ như thế, thầy cô đều chấp hành nghiêm chỉnh sự phân công, điều động của lãnh đạo nhà trường. Xác định được nhiệm vụ, không ai có lời ra tiếng vào gì. Thậm chí, có giáo viên, dù điều kiện không dư dả gì vẫn sẵn sàng hy sinh cho học trò. Một trong số đó là cô giáo Lâm Thị Hồng Yến.

Năm học 2017-2018, tại điểm lẻ này, chỉ có vỏn vẹn 3 em học sinh lớp 8 theo học, vì thế không thể tổ chức thành một lớp học. Sau khi cân nhắc, nhà trường quyết định chuyển số học sinh nói trên ra học tại cơ sở chính của Trường THCS Tân Lập. Một vấn đề tưởng đơn giản nhưng hoá ra không hề dễ: chuyển ra điểm chính, các em sẽ ở đâu trong suốt thời gian còn lại của năm học lớp 8 và lớp 9? Quãng đường quá xa, các em không thể đi về hằng ngày, ngay cả khi gia đình có cho đi xe máy, các em cũng không thể đi và không dám đi.

Cuối cùng, cô Hồng Yến đã đề xuất cho cả ba em học sinh vào ở trong nhà mình. Cô Hồng Yến kể, nhà riêng cũng nhỏ, chỉ có hai phòng, vợ chồng cô thống nhất nhường cho học sinh một phòng đẹp nhất, kín đáo nhất, đó là phòng ngủ của hai vợ chồng để các em yên tâm ở.

“Được cái, ông xã vui vẻ, sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh. Còn bản thân ảnh ngủ trên ghế phòng khách” - cô Hồng Yến cho biết. Thời gian đầu, gia đình ba em học sinh nói trên thường xuyên ra thăm con, hỗ trợ vợ chồng cô Yến chút đỉnh để mua lương thực, thực phẩm. Sau này, có lẽ do bận mưu sinh nên số lần phụ huynh đến thăm con thưa dần.

“Coi các em như con cái trong nhà, vợ chồng tôi nấu cơm cho các em ăn luôn. Thỉnh thoảng, mình còn cho các em ít tiền tiêu vặt” - cô kể. Trong ba em học sinh được cô giáo nuôi ăn học, có một em sau thời gian theo học đã bỏ dở, hai em còn lại học hết lớp 9. “Như vậy là mình đã yên tâm phần nào, các em đã có vốn kiến thức, được giáo dục tử tế để có thể đi vào lao động, sản xuất” - nữ giáo viên bày tỏ tình cảm của mình với học trò.

 Năm học 2018-2019, cô Hồng Yến được điều vào dạy tại điểm lẻ của trường. Vì là giáo viên nữ, lãnh đạo nhà trường đã tính toán các phương án sao cho bảo đảm sức khoẻ, thời gian đi lại. Mỗi tuần, nữ giáo viên tiếng Anh này chỉ phải vào dạy tại điểm lẻ một buổi.

Một trong những khó khăn, hạn chế của học sinh trung học cơ sở tại nơi xa này là trước đó các em chưa học tiếng Anh ở cấp tiểu học. Chuyện dạy và học tiếng Anh vì thế có phần vất vả hơn. Tuy nhiên, điều đáng mừng là học sinh nơi đây, không hiểu vì hoàn cảnh hay một nguyên nhân nào đó, các em đều có ý thức học tập nghiêm túc, có tính tự lập cao.

Những lúc rảnh, giờ ra chơi, cô trò thường tâm tình với nhau, gần gũi, thân mật. Cô Yến tâm sự: “Các em ý thức rõ phải học tập tốt để vượt qua hoàn cảnh khó khăn nên rất cố gắng, nhiều em chia sẻ những ước mơ, khát khao cháy bỏng trong việc theo đuổi chuyện học hành”.

Thầy giáo hướng dẫn học sinh làm bài tập.

ĐẤT LẠ HOÁ QUÊ HƯƠNG

Ngoài số đông giáo viên là người địa phương, cụm trường tiểu học, trung học cơ sở và mầm non ở khu dân cư vùng biên này còn có nhiều thầy cô giáo đến từ các tỉnh, thành khác. Sau khi học xong ngành sư phạm, anh Đoàn Văn Hoàng - một giáo viên dạy môn Thể dục đã rời vùng quê tại một tỉnh vùng núi Tây Bắc để đến với Tây Ninh. Công tác được một thời gian, thầy giáo trẻ nên duyên chồng vợ với một cô gái ở Tân Châu.

“Sau giờ lên lớp, em lại về khu tập thể cơm nước. Mấy anh em có điều kiện khó khăn hơn được ưu tiên ở nhà công vụ. Em thấy học sinh nơi này ngoan, dễ dạy, tình cảm thầy trò gắn bó, đó cũng là niềm vui của nghề. Trên đất nước mình, đâu cũng là quê hương, vì thế em sẽ gắn bó lâu dài với mảnh đất, con người nơi biên cương này” - thầy giáo trẻ cho biết.

Tương tự, học xong sư phạm mầm non, Hà Thị Duyên được biết Tây Ninh đang tuyển dụng giáo viên cho bậc học này. Không ngần ngại, cô giáo trẻ từ Thanh Hoá “vác ba lô lên và đi”. Cô kể, sau khi dạy được một năm ở Tây Ninh, nơi quê nhà lại tuyển dụng giáo viên. Ba mẹ báo tin và yêu cầu cô con gái về quê để dự tuyển với hy vọng được công tác ở gần nhà. Có cơ hội, sao lại không về? Giấu nụ cười bẽn lẽn, cô giáo trẻ giải thích: nguyên nhân chính là bởi cô đã đem lòng yêu một anh công an xã.

“Em nói với gia đình, con ở trong này cũng được, vì đã có tình yêu, yêu người, yêu đất” - cô giáo thật thà kể. “Thu nhập còn thấp, chỉ hơn hai triệu đồng mỗi tháng. Nhưng đó là nghề nghiệp, mình xác định trước rồi, không suy nghĩ nhiều. Sắp tới, chúng em sẽ làm đám cưới, yên bề gia thất, coi như yên ổn” - cô giáo nói.

Cô Bùi Thị Kim Yến bày cho học trò tập viết.

Trên địa bàn tỉnh, cụm trường ở Khu dân cư Chàng Riệc là nơi xa nhất, nếu lấy trung tâm tỉnh làm chuẩn. Vì thế, những giáo viên đang ngày ngày vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để đem ánh sáng tri thức đến cho học trò. Họ không phải không biết những điều thiệt thòi. Song phần vì nhiệm vụ, phần vì hoàn cảnh riêng, và đặc biệt, họ biết ở nơi biên giới này, bao ánh mắt của trẻ thơ đang chờ họ. Bởi thế, họ đã, đang và sẽ tiếp tục gắn bó với cái nghiệp mà mình theo đuổi.

Khi khu dân cư mới thành lập, tỉnh có chính sách hỗ trợ cho cán bộ, viên chức làm việc mỗi tháng hai triệu đồng. Sau đó, chính sách này chấm dứt. Đã có nhiều ý kiến đề xuất, nên chăng các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, cho khôi phục lại chính sách hỗ trợ như thời gian đầu.

Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên của cụm trường nơi biên giới này chỉ hơn 30 người. Nếu mỗi người được hỗ trợ hai triệu đồng một tháng, trong năm, ngân sách chi ra chỉ chừng 600 triệu đồng. Ngày xuân, không tiện nói chuyện tiền nong, chính sách.

Tuy nhiên, một điều hiển nhiên, sự nghiệp giáo dục nơi xa xôi này sẽ được củng cố vững chắc hơn nếu như có những điều chỉnh kịp thời. Về lâu dài, phải tính đến thành lập một ngôi trường dành chung cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở ở khu vực nơi đây. Có dân, có trường, có lớp, có thầy, có trò… Đó chính là những “cột mốc” cắm sâu vào lòng đất quê hương nơi biên giới.

V.Đ