Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Tuổi Trẻ đã liên hệ với cả chủ đầu tư và đơn vị lập đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho dự án xin phá 150ha rừng làm công nghiệp ở Thái Bình. Kết quả: cách làm của các đơn vị này để tiến tới phá bỏ cả trăm hecta rừng đơn giản đến không ngờ.
150ha rừng ngập mặn sú vẹt ven biển thuộc huyện Thái Thụy, Thái Bình được đề nghị phá bỏ để tạo mặt bằng làm khu công nghiệp - Ảnh: NAM TRẦN
Khi phóng viên liên hệ làm việc với ông Đỗ Trần Chinh - giám đốc Trung tâm quan trắc, phân tích TN-MT (Sở TN-MT Thái Bình), đơn vị lập ĐTM cho dự án - ông Chinh báo bận đi công tác. Trao đổi qua điện thoại, ông Chinh nói:
- Chúng tôi làm mọi việc theo nguyên tắc thông qua chủ dự án, có vấn đề gì cứ trao đổi với chủ dự án, bên tôi là đơn vị làm thuê.
* Nhưng chất lượng ĐTM của dự án, các số liệu nêu ra trong ĐTM, bên lập phải chịu trách nhiệm?
- Chất lượng đã có hội đồng thẩm định xem xét. Các anh cứ làm việc với chủ dự án, còn các số liệu trên cơ sở cung cấp của bên chủ dự án, chứ mình không thể tự bịa ra được.
* Có nghĩa là những số liệu trong ĐTM không phải điều tra thực tế tại địa phương, vì số hộ nuôi thủy sản có diện tích bị thu hồi thực tế lớn hơn nhiều so với ĐTM của dự án nêu?
- Cái đấy hoàn toàn do bên chủ dự án cung cấp chứ làm sao chúng tôi đi kiếm ra được(...). Chúng tôi làm ĐTM trên cơ sở số liệu chủ dự án cung cấp. Chúng tôi có đi điều tra những việc đó đâu.
* Còn tham vấn ý kiến cộng đồng, những người nuôi thủy sản chưa được hỏi ý kiến?
- Cái đó chúng tôi gửi về xã, còn xã mời ai đại diện cho cộng đồng là theo luật, chứ có phải gặp hết người dân đâu. Chúng tôi chỉ đưa công văn về xã, còn lại việc người ta mời ai là quyền của người ta.
Đúng là số liệu sai!
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Văn Thái - giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình phát triển NN&PTNT tỉnh Thái Bình (chủ đầu tư dự án) - thừa nhận ông đã chỉ đạo kiểm tra lại và thấy số liệu chỉ có 80 hộ nuôi thủy sản bị ảnh hưởng là sai.
“Tôi đã cho cán bộ làm việc với đơn vị lập ĐTM là Trung tâm quan trắc, phân tích TN-MT thì đúng số liệu trong hồ sơ gửi cho Bộ TN-MT chỉ có 80 hộ nuôi thủy sản. Còn đúng thực tế trong hai xã thì có một xã có 57 hộ và một xã có 297 hộ nuôi thủy sản bị ảnh hưởng” - ông Thái thừa nhận.
Ông Thái cho biết bản thân cũng thấy... xấu hổ khi bảo vệ ĐTM lần một đã phải xin lỗi về chất lượng của ĐTM. Đến nay, ĐTM của dự án vẫn phải giải trình và sửa. Về việc đơn vị được thuê lập ĐTM nói dựa vào số liệu chủ dự án cung cấp, ông Thái đánh giá đã thể hiện sự vô trách nhiệm.
“Chúng tôi không có chuyên môn mới phải thuê ông làm. Chúng tôi chỉ cung cấp quy mô dự án, định làm rộng bao nhiêu, làm trong bao nhiêu năm, hoặc những số liệu của thủy lợi như mưa, gió, diện tích rừng... Còn những số liệu khác về đánh giá tác động, số liệu các hộ dân bị ảnh hưởng, tác động đến đâu, tác động môi trường đến đâu thì anh được thuê phải tự đi tìm hiểu, điều tra. Nếu chỉ dựa vào mấy số liệu tôi cung cấp thì tôi lập ĐTM luôn cho xong” - ông Thái bức xúc.
Theo ông Thái, hiện tại ĐTM của dự án đang ở trong giai đoạn thẩm định, chưa phải đã phê duyệt mà vẫn còn sai, vì vậy sẽ yêu cầu bên lập ĐTM sửa cho đến khi đạt yêu cầu.
Nguồn TTO