Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chuối và mì núi Phụng
Thứ sáu: 12:51 ngày 29/06/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Giữa mùa mưa tháng 6 tôi lên Tân Châu. Theo đường tỉnh lộ 785 ngang qua chân núi Phụng. Núi đang mùa căng đầy, mơn mởn những xanh non.

Có lẽ chẳng có hoạ sĩ nào, kể cả những thiên tài như Van Gogh, Levitan mô tả cho được sắc màu núi Phụng, nói rộng ra là quần thể núi Bà, nhất là từ điểm nhìn trên lộ 785. Bầu trời buổi sáng trắng đục, vẩn vơ vài cụm mây xám.

Phản chiếu xuống sườn núi một thứ ánh sáng trong veo và rất nhẹ nhàng. Những cụm cây rừng cao vống vót sẫm màu hơn. Ðôi chỗ lại như dát một lớp thếp vàng lên những ngọn cây cao, thấp thoáng. Kỳ dị những bố cục. Nơi thì dồn tụ lại đậm đặc. Chỗ lại lô nhô như đá tảng. Lại như một chuỗi tràng hạt ai vừa đánh rớt.

Từng viên, từng viên rải rác khắp sườn non. Mà cái sườn ấy nhìn xa xanh như một bãi cỏ sân gôn, lúc nào cũng ửng sáng màu lá mạ. Nhưng, nhìn kỹ hơn thì đấy toàn là chuối thôi, các bạn ạ! Chuối xoè ra những tấm lá, nghiêng ngả đón giọt mưa rơi hay tia nắng mặt trời.

Từng chiếc lá giao nhau, chấp chới như cánh chim dang ra vớt gió. Lại có những búp lá non đâm thẳng lên trời, ngập ngừng khép mở. Ðiều mà khoảng 600 năm trước, thi hào Nguyễn Trãi đã từng miêu tả là: “Tình thư một bức phong còn kín/ Gió nơi đâu gượng mở xem...”.

Nhớ: muốn xem thì phải “gượng mở” mà xem đấy nhé! Chứ gió phần phật của núi như hôm tôi qua thì sẽ làm rách lá. Bởi bức tình thư ấy còn rất mong manh. Chuối cứ thế mà lang thang khắp sườn núi Phụng. Dàn trải mọi nơi, lại còn “leo trèo” lên tận gần đỉnh núi. Mảng màu xanh chuối đã làm nền cho toàn bộ bức tranh, làm nổi bật lên những cụm cây thẫm màu hơn của rừng đặc dụng núi Bà.

Vẫn còn một thứ mong manh hơn nõn chuối, ở ngay trước mắt thôi, gần sát với con đường. Ðấy là những rẫy mì xanh non, chảy tràn từ chân núi ra tới sát lề đường.

Tôi cũng đang ngao ngán bởi cây mì đây, thưa bạn! Những ngày này đi đâu cũng thấy người nông dân ca thán. Chuyện từ năm ngoái cơ, về bệnh khảm lá mì. Ði đâu cũng thấy những đám mì xơ xác. Lá thì quăn tít, bạc ra trong nắng gió.

Ðã qua giữa năm thứ hai của dịch bệnh nhưng cả nông dân lẫn nhà khoa học vẫn “bó tay”. Báo Tây Ninh số ra ngày 25.6.2018 có bài: “Chưa quản được nguồn hom mì giống”. Tôi chú ý đến số liệu này: “Tính đến ngày 14.6, cả nước đã có 14.309,4 ha mì bị nhiễm bệnh khảm lá...”, “...riêng tỉnh Tây Ninh có hơn 14.000 ha mì bị bệnh, gây thiệt hại nặng nề...”.

Vậy thì dịch bệnh này chỉ hoành hành ở Tây Ninh là chủ yếu. Nông dân trồng mì đã thua. Nhưng còn các cơ quan quản lý khoa học công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh nhà?

Vậy thì mời quý anh, chị lên mà thăm rẫy mì ở chân núi Phụng, ngay ở xã Thạnh Tân thuộc thành phố Tây Ninh. Hẳn là các anh chị đã nghiên cứu chán chê những rẫy mì bị bệnh mà chưa tìm được nguyên do. Thì hãy tìm hiểu điều ngược lại, rằng tại sao những rẫy mì kia vẫn tốt tươi, xanh rợp một miền chân núi.

Tôi đã dừng xe ngắm kỹ rồi! Chiếc lá nào cũng vẹn nguyên xoè rộng, tươi tắn và phất phơ trước gió. Thứ còn mong manh hơn nõn chuối là đây- những ngọn lá mì dường như mới trồi ra trong đêm, còn chưa kịp xanh màu diệp lục bởi nắng trời, vẫn còn hoe hồng như màu lá lụa.

Nhìn đọt lá mì non, tôi bỗng nhớ một người đã khuất. Sinh thời, ông thường rủ chúng tôi đi ăn món lươn um đọt mì non. Mà Tây Ninh lúc ấy cũng chỉ có một quán tranh nghèo duy nhất bán món này. Ông ăn là để nhớ những kỷ niệm một thời kháng chiến ở rừng. Còn chúng tôi thì nắc nỏm khen ngon, và lạ quá, chưa từng!

Văn nhân, thi sĩ nước nhà cũng đã từng viết về hạt lúa, củ khoai, hay quả na (mãng cầu), quả chuối. Nhưng về cây mì còn hiếm thấy. Vậy bài viết này cũng xin như một bài ca tạ ơn. Tạ ơn củ mì từng nuôi lòng những người kháng chiến. Tạ ơn những người nông dân, dù khó khăn cơ cực vẫn thuỷ chung với cây mì. Và nhờ nó, ta vẫn được đi xe máy bằng xăng E5-92 giá rẻ hơn đáng kể xăng 95.

Củ mì miền Bắc gọi là củ sắn thì đã quen trên cả nước. Chuối cũng vậy thôi. Nhưng xin kể thêm về chuối núi Bà. Chính từ những sườn núi Bà, núi Phụng đã sinh ra một trái đặc sản tên là chuối hột. Mà chuối hột rừng nhé, chỉ to bằng trái cau thuôn dài khi đã phơi khô.

Người cả nước đã biết đến loại này nhờ công dụng đặc biệt làm tiêu tan sỏi thận. Người thành phố Tây Ninh đã biết, chỉ cần đến đoạn đường Trần Hưng Ðạo gần công viên Thắng Lợi là tha hồ mua chuối hột rừng làm quà tặng khách phương xa.

Nguyễn

Tin liên quan