Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình hành động về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông".
Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4.9.2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông" vừa được Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, phấn đấu hàng năm kiềm chế, làm giảm từ 5% -10% tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và giảm ùn tắc giao thông đường bộ.
Ảnh minh hoạ |
Gắn trách nhiệm người đứng đầu đơn vị với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông
Chương trình nêu rõ, mục tiêu kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông, giảm thiểu đến mức thấp nhất số người chết do tai nạn giao thông và giảm ùn tắc giao thông phải luôn được xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt và được xác định rõ trong chương trình công tác hàng năm và dài hạn của các Bộ, ngành, địa phương.
Các Bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp kiềm chế, giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu thực hiện, tích cực vận động gia đình và người thân chấp hành nghiêm túc các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đấu tranh phê phán các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông; việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông là một tiêu chuẩn đánh giá kết quả công tác hàng năm của các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công nhân viên.
Xây dựng tiêu chí về "văn hóa giao thông"
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan xây dựng, công bố tiêu chí về "văn hóa giao thông" và có kế hoạch hướng dẫn thực hiện. Ban Chỉ đạo Trung ương về phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa chỉ đạo đưa văn hóa giao thông vào nội dung cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí, thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa giao thông, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, biểu dương người tốt, việc tốt đi đôi với phê phán các hành vi cố ý vi phạm trật tự an toàn giao thông,...
Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật trật tự, an toàn giao thông cho các cơ sở giáo dục, đào tạo; chỉ đạo đưa giáo dục an toàn giao thông vào chương trình giảng dạy chính khóa tại các cấp học.
Phát hiện và xử lý kịp thời các “điểm đen” về tai nạn giao thông
Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì xây dựng trình Chính phủ đề án hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông ở các đô thị lớn.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các Sở giao thông vận tải tăng cường giám sát các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải thực hiện việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho xe ô tô, sử dụng dữ liệu thông tin của thiết bị giám sát hành trình để phục vụ công tác quản lý nhà nước về hoạt động vận tải.
Bộ Tài chính nghiên cứu, trình Chính phủ sửa đổi quy định về lệ phí trước bạ đối với các trường hợp sang tên, di chuyển phương tiện đã đăng ký phù hợp với tình hình thực tế khi sang tên, di chuyển để chủ phương tiện thực hiện nghiêm túc việc sang tên, đổi chủ phương tiện.
Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra nghiêm túc các cơ sở, trường, trung tâm đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch, công tác cấp giấy phép lái xe để đánh giá thực trạng toàn diện, khách quan về công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe hiện nay.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan quản lý đường bộ thường xuyên rà soát để phát hiện và xử lý kịp thời các “điểm đen” về tai nạn giao thông trên đường bộ.
Bộ Công an chủ trì thực hiện Dự án "Xây dựng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ trọng điểm"; trước mắt, tập trung xây dựng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, trong nội đô thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn.
Khắc phục ùn tắc tại các đô thị lớn
UBND TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cần ưu tiên xây dựng các cầu vượt nhẹ, hầm tại các nút giao thông trọng điểm, tạo giao cắt khác mức; lập quy hoạch và tổ chức xây dựng các bãi đỗ xe, điểm đỗ xe ngầm hoặc nhiều tầng.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an đánh giá tác động việc thực hiện điều chỉnh giờ làm việc, học tập, kinh doanh trên địa bàn trong thời gian qua. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất thay đổi giờ làm việc, học tập, kinh doanh đảm bảo khoa học, hợp lý, hạn chế lưu lượng phương tiện để phân giãn phương tiện, người tham gia giao thông trong giờ cao điểm nhưng không gây xáo trộn, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, đi lại của người dân.
Theo VGP